Doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất Lào

Ông Nguyễn Duy Trung không chỉ được biết đến là một người thành đạt trong kinh doanh mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tại Lào.  

Ông là chủ một cơ ngơi tiếng tăm của nước Lào-Trung tâm thương mại ASEAN Vientiane, được thành phố Vientiane chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến thăm Lào. Người dân gọi tên ông là Vysay Naviengchanh (tên tiếng Việt là Nguyễn Duy Trung).

Cụ Đặng Văn Hồng, một nhân chứng của Xiengvang

Ông Nguyễn Duy Trung sinh ra tại một ngôi làng bên bờ Mekong thuộc tỉnh Khammuan, Lào. Thời Pháp thuộc, người Pháp từng coi làng như một vùng đất khó trị nhất nước Lào. Chính thực dân Pháp và phản động Lào đã đặt tên vùng đất bãi ngang Mekong này là làng Xiengvang. Xưa kia, làng có 5 bản nay chỉ còn 4 bản gồm: Xiengvang Tay, Xiengvang cang, Xiengvang huoay, Xiengvang nuea. Vì theo giặc Pháp, phải gom làng lại để dễ cai trị.

Hồi đó, Xiengvang là căn cứ địa của Việt Minh hoạt động dọc sông Mekong cho phong trào cách mạng của Việt kiều Đông Bắc Thái Lan và vùng Hạ Lào.

Cụ Đặng Văn Hồng, một già làng ở Xiengvang nay đã hơn 90 tuổi,cho biết, Xiengvang là nơi mà kẻ địch khiếp sợ và đã nhiều lần chúng muốn xóa sổ vùng đất này, nhưng người dân vẫn kiên cường bám đất xây mường.

Thân phụ ông Trung tên là Nguyễn Văn Thứ, quê tận miền Quảng Bình, sang Lào hoạt động cách mạng. Cụ là một trong những cán bộ đầu não của Việt Minh lúc bấy giờ. Cụ thường đưa đón cán bộ bí mật qua sông từ bến sông Thakhec, Khammuan qua Thái Lan, bản Nachok, tỉnh Nakhonphanom và các vùng Đông Bắc Thái. Đến khi cách mạng thành công, cụ đã cùng vợ con ở lại đất Lào ân nghĩa để tiếp tục xây làng.

Ông Nguyễn Duy Trung tại phòng tiếp khách của Trung tâm thương mại ASEAN

Xiengvang là nơi những năm hoạt động tại Thái Lan, từ bờ bên kia sông, Bác Hồ đã sang bến sông bãi ngang này để lãnh đạo phong trào cách mạng của Việt kiều Lào những năm đầu của cách mạng Đông Dương. Hiện bản này nổi bật bởi Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là một khu đất rộng 1,5 ha do 13 hộ dân hiến cho nhà nước, để xây dựng khu lưu niệm Hồ Chí Minh trên đất Lào. Cụ Đặng Văn Hồng cho rằng: “Bản chúng tôi có một cái phúc lớn là được cụ Nguyễn Ái Quốc từng sống và hoạt động cách mạng ở đây. Ngày nay, Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào xây dựng nên khu tưởng niệm này, bộ mặt bản đang thực sự đổi mới, có đường nhựa, điện về, thật là nhờ ơn phúc lộc của Cụ Hồ”.

Cụ Hồng cho biết, thời kỳ những năm 1940-1945, dân cư ở đây khá đông, có khi đến khoảng 500 hộ và tới hơn 5.000 nhân khẩu. Nhưng vì kẻ địch kìm kẹp, o ép nên người Xiengvang tản đi tứ xứ. Cả thời Pháp đô hộ đến thời Mỹ xâm lược, người Xiengvang không có một ngày dễ thở.

Lưu lạc kiếm sống

Sinh năm 1958, đến năm 13 tuổi, ông Nguyễn Duy Trung đã xin bố mẹ cho đi học nghề thợ may ở  thành phố Vientiane. Nhưng học nghề thời đó đâu có phải như bây giờ, có trường có lớp, có dự án đào tạo.

Trung tâm thương mại ASEAN Vientiane

Ông Trung kể: “Thời ấy, vừa học nghề vừa trông trẻ cho chủ. Biết bao là khó khăn thiếu thốn nhưng rồi tôi cũng đã vượt qua. Tôi lang thang khắp Vientiane. Thời đó, đói khổ, không nghề nghiệp, không người thân”.

Bố ông Trung bán cả gia tài được mấy cây vàng cho ông dắt lưng lên thành phố học nghề nhưng khốn nỗi nghề chưa đến thì vàng đã ra đi. Những thất bại đói nghèo đã dạy cho ông cái chí làm giàu.

Bây giờ đến đất Vientiane, người ta dễ được giới thiệu một đại gia xứ Lào Nguyễn Duy Trung cùng với cơ ngơi bề thế gồm một lãnh địa rộng 7,5 ha. Sống ở đất thủ đô mà ông có được như vậy là một giấc mơ của biết bao người.

Đi trong khuôn viên khu Trung tâm thương mại ASEAN của ông Nguyễn Duy Trung mà thấy ngợp với những gian hàng, căn nhà sang trọng, hội trường, khu  vui chơi giải trí, bãi đỗ xe… Tất cả mọi thứ đều được ông thiết kế, sưu tầm vật liệu xây dựng cẩn thận, chắc chắn và thứ thiệt. Riêng các sản phẩm về Inox và mái tôn đều do công ty ông tự sản xuất, lắp đặt. Cả một tổ hợp Trung tâm thương mại rộng lớn được ông lợp thành mái vòm khép kín mà vẫn đầy đủ ánh sáng.

Cuộc đời đã bừng sáng

Ông Trung tâm sự: “Trước kia, tôi vất vả lam lũ, thậm chí muốn có một mái trường để học cho ra hồn cũng khó vì chạy giặc, chạy đói. Nhưng nhờ có cách mạng của Việt Nam và Lào nên người Xiengvang chúng tôi mới có cuộc sống như bây giờ. Cho dù mọi cái có thể biến đổi nhưng công ơn Đảng và Chính phủ hai nước không bao giờ quên được. Tôi muốn lũ trẻ nhà tôi hiểu được điều đó. Tôi vẫn luôn nhớ rằng trong mình mang dòng máu Việt”.

Hiện trong tay ông có 4 tổ hợp, 5 công ty đều mang tên VXP. Đó là hai nhà máy tôn và sắt ở Thủ đô Vientiane, một nhà máy ở tỉnh Savanakhet, miền Nam nước Lào, một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và tổ hợp Trung tâm thương mại ASEAN này. Những cơ sở ấy đều giao cho các con ông quản lý. Năm người con gồm ba trai hai gái, mỗi người đều được vợ chồng ông dựng cho một công ty bề thế.

Chính phủ Lào rất quan tâm phát triển và nâng đỡ doanh nghiệp tư nhân, vì thế gia đình ông luôn nhận được những ưu ái từ phía nhà nước Lào. Hàng năm, gia đình ông đóng thuế cho nhà nước Lào đến hơn 2 tỷ kíp (gần 6 tỷ đồng Việt Nam).

Ăn nên làm ra, gia đình ông có điều kiện làm từ thiện và tham gia các họat động xã hội. Bà Nguyễn Thị Tiu (tên Lào là Keomani Naviengchanh), vợ ông Trung thường trách yêu chồng là toàn đem tiền của nhà tham gia hoạt động xã hội. Tham gia hoạt động cộng đồng phải bằng cái tâm và sức lực của chính mình và gia đình, ông Trung cảm thấy rất hạnh phúc vì được cống hiến, đóng góp cho xã hội.

“Vợi tôi trách yêu thế thôi, vì tôi lại được chính vợ đưa tiền cho làm từ thiện và hoạt động xã hội”-ông Trung nói.

Nếu đến đất Vientiane, một điểm đến thường được chính quyền Thủ đô giới thiệu chính là Trung tâm Thương mại ASEAN, chúng ta sẽ được nghe kể về giám đốc là một người Lào gốc Việt- ông Nguyễn Duy Trung. Hiện ông đang gánh một trọng trách quan trọng là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, Lào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên