Cộng đồng Việt ở Kazakhstan

Gắn bó như người trong một nhà

Có một cộng đồng Việt rất nhỏ bé trên vùng đất Kazakhstan, vùng đất được nhiều người yêu văn học Việt Nam biết tới từ truyện “Cây phong non trùm khăn đỏ” của nhà văn Aimatov...

Ông Trần Đình Lâm, Giáo sư Tiến sĩ ngữ văn, Chủ tịch Hội người Việt tại Kazakhstan trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đài TNVN đã cho biết một số thông tin về cộng đồng Việt ở nơi này.

PV: Thưa Tiến sĩ Trần Đình Lâm, số lượng người Việt ở Kazakhstan không nhiều, và thời gian vừa qua thì còn ít đi hơn nữa. Vậy những hoạt động chung của cộng đồng hiện nay được duy trì theo phương cách nào?

Ông Trần Đình Lâm: Thời gian qua, một số người Việt đã về nước vì nhu cầu riêng, nhưng không có nghĩa là cộng đồng không duy trì được hoạt động. Ví dụ vừa rồi Đại sứ quán có thông tin về hai vị sĩ quan cao cấp của Liên Xô cũ từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam, bảo vệ Hà Nội. Khi được tin đó, cộng đồng cho nhau biết, tổ chức quyên góp làm quà tặng; Đại sứ quán đã mời họ đến để cảm ơn và tặng quà.

Dịp lễ năm mới 2010, cộng đồng người Việt cũng quyên góp giúp đỡ trẻ em mồ côi ở trại trẻ số 1 thành phố Almaty (thủ đô cũ của Kazakhstan), mua cho các cháu 80 phần quà và tặng kèm 2000 USD.

Ngoài ra cứ thứ bảy, chủ nhật, bà con thường xuyên tập trung ở một nơi như CLB chung để chơi bóng bàn, nấu ăn, trò chuyện, tạo điều kiện cho các cháu học tiếng Việt, rồi đi dã ngoại vv… Có thể do cộng đồng rất ít người nên tình cảm như trong một gia đình. Trong những cuộc gặp mặt như vậy bao giờ cũng đưa ra ý kiến xem thời gian vừa qua trong cộng đồng hoạt động như thế nào, có ai đó cần giúp đỡ hay không…

Có một mối băn khoăn chung không cứ ở cộng đồng ít hay nhiều người, đó là cách thức giữ gìn văn hoá dân tộc cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Chính vì thế, những buổi họp cũng là dịp để cho các con cháu gắn kết với nhau hơn, có dịp tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống Việt Nam.

Ông Trần Đình Lâm (bên trái) tại trụ sở VOV. (ảnh: Lê Trung)

PV: Việc đóng góp vào những quỹ nhân đạo trong nước là khá lớn so với lượng người cụ thể ở Kazakhstan...

Ông Trần Đình Lâm: Không chỉ là chuyện lá lành đùm lá rách, mà nhiều khi còn là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, vì không phải người lao động nào ở nước ngoài cũng giàu có, nhưng họ đã làm tất cả vì tình đồng bào ruột thịt. Cũng giống như những câu chuyện ở cộng đồng Việt nhiều xứ khác, anh chị em lao động đóng góp từng đồng xu mồ hôi nước mắt của mình, hay các cháu thiếu nhi đập từng con lợn đựng tiền tiết kiệm, để góp gạo gửi về giúp đỡ quê nhà vừa bị thiên tai tàn phá. Có những người bên ấy làm ăn rất khó khăn, không có tiền, nhưng vẫn ủng hộ, như có những chú công nhân đóng góp 5-10 USD mà chúng tôi rất quý…

Và vì sống xa đất nước, nên bà con cũng gắn kết, đùm bọc lẫn nhau. Ở bên đó có một trường hợp hoàn cảnh tương đối đặc biệt. Gia đình họ trước đây có một kios bán hàng dọc đường, nhưng cách đây nửa năm chính quyền không cho đặt những kios ấy ở dọc đường nữa nên họ không còn nguồn sống nào. Anh em liền tạo điều kiện đưa họ vào guồng máy của những người đi trước, cụ thể là có một nhóm làm dịch vụ vận tải đã thu nhận họ vào nhóm để có công ăn việc làm. Và một cháu trong gia đình đó năm vừa rồi cũng được về nước tham gia trại hè Việt Nam.

PV: Được biết trong nhiều việc có liên quan đến hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan có sự đóng góp rất nhiệt tình của bà con cộng đồng?.

Ông Trần Đình Lâm: Đúng là như vậy. Có việc gì chỉ cần Sứ quán điện thoại, ví dụ như việc đóng góp vào Quỹ Trái tim cho em, chỉ cần kêu gọi là anh em sẵn sàng đóng góp, giúp đỡ.

Năm 2007, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan được thành lập, những người Việt trong cộng đồng đã có những đóng góp tích cực trong những công việc sự vụ ban đầu khi mới hình thành Sứ quán. Hoặc lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Kazakhstan, thì một số thành viên cộng đồng cũng tích cực giúp Sứ quán trong việc phiên dịch, làm các thủ tục…

PV: Cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên