Gặp gỡ các nhà Vật lý quốc tế: Từ Blois đến Việt Nam

(VOV) - "Gặp gỡ Blois" được xem là một sự kiện lớn, uy tín trên thế giới suốt 25 năm qua và do một nhà khoa học Việt Nam khởi xướng.

Từ 26 đến 31/5, tại thành phố Blois xinh đẹp cách Paris khoảng 200 km, diễn ra cuộc «Gặp gỡ Blois» hàng năm về "Vật lý hạt và Thiên văn", sự kiện hàng năm thu hút hàng trăm nhà vật lý hàng đầu thế giới.

Điều đặc biệt là người sáng lập cuộc gặp gỡ Blois có uy tín lớn trên thế giới trong 25 năm qua là một nhà khoa học Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân. Ông là người châu Á thứ 3 trên thế giới được nhận Huy chương PATE của Viện Vật lý Mỹ dành cho các nhà lãnh đạo vật lý xuất sắc nhất thế giới. Và từ "Cuộc gặp gỡ Blois", ông đã sáng tạo ra "Cuộc gặp gỡ Việt Nam", đưa các nhà vật lý, trong đó có những người từng được nhận giải thưởng Nobel, về gặp mặt và đóng góp ý tưởng cho Việt Nam.

Năm nay là cuộc "Gặp gỡ Blois" lần thứ 25 với sự tham dự của 144 nhà vật lý đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Xuất phát từ cuộc gặp trao đổi về chuyên môn giữa các nhà vật lý vốn là bạn bè thân của Giáo sư người Việt Trần Thanh Vân từ 25 năm trước, "Gặp gỡ Blois" nay đã trở thành khuôn khổ quen thuộc và hiệu quả để các nhà vật lý hàng đầu thế giới, đặc biệt trong đó có nhiều nhà vật lý trẻ, cùng thảo luận những vấn đề lớn đang gây tranh cãi nhiều trên thế giới trong vật lý hạt và thiên văn. Nhiều ý tưởng quan trọng gợi mở lời giải cho nhiều bài toán khó trong ngành khoa học này đã được đưa ra từ những cuộc trao đổi tại Blois trong 25 năm qua.

  Giáo sư Trần Thanh Vân trò chuyện tại Cuộc gặp gỡ Blois

Giáo sư Klima Boaz, thuộc Trung tâm nghiên cứu Fermilab của Mỹ đánh giá các cuộc gặp gỡ Blois rất hiệu quả và ngày càng có uy tín trong ngành vật lý thế giới.

  Giáo sư Klima Boaz trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Ông nói : “Tôi không dám nói rằng Gặp gỡ Blois là cuộc gặp uy tín nhất, vì trong ngành vật lý chúng tôi không xếp hạng. Nhưng nếu bạn hỏi những người làm trong ngành, cả người trẻ và già, họ đều bày tỏ mong muốn và hãnh diện khi được tham dự cuộc gặp gỡ được xếp vào hạng đầu thế giới này. Thông thường tại "Gặp gỡ Blois", chúng tôi có cuộc họp toàn thể với sự tham dự của những nhà khoa học hàng đầu về những chủ đề lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi có hai buổi chiều chia thành những nhóm nhỏ, nơi những người trẻ tuổi có cơ hội trình bày những gì họ làm, những vấn đề họ gặp phải, và rất thú vị qua đó thấy bức tranh rộng lớn về những con đường khởi nghiệp của các nhà khoa học, từ những bước đi chập chững đầu tiên và sau đó dần dần là những thành công".

Đặc biệt, trong cuộc “Gặp gỡ Blois” lần thứ 25 này, ban tổ chức dành một buổi giới thiệu về Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành sẽ được khánh thành vào tháng 8 tới tại Quy Nhơn nhờ đóng góp của Giáo sư Trần Thanh Vân và các bạn bè của ông, cùng sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam. Tại buổi gặp, nhiều nhà khoa học bày tỏ quan tâm và mong muốn đến làm việc, cộng tác tại Việt Nam nói chung, tại Trung tâm sắp được khánh thành tại Quy Nhơn nói riêng. Được biết, 8 nhà khoa học từng được giải Nobel đã nhận lời mời của Giáo sư Trần Thanh Vân sang Việt Nam dự cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 và khánh thành trung tâm tại Quy Nhơn vào tháng 8 tới.

Phát biểu tại Blois lần này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao hiệu quả của “Gặp gỡ Blois” và tiếp đó là “Gặp gỡ Việt Nam” đều là những ý tưởng của Giáo sư Trần Thanh Vân cùng các bạn bè của ông là những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, trung tâm sắp khánh thành tại Quy Nhơn sẽ là một địa điểm quan trọng thu hút chất xám quốc gia và thế giới đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước Việt Nam.

  Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại cuộc Gặp gỡ Blois

Đại sứ Dương Chí Dũng cũng đánh giá cao những đóng góp không mệt mỏi của Giáo sư Trần Thanh Vân cho Việt Nam, từ việc hỗ trợ trẻ em nghèo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên hiếu học của Việt nam, cho đến việc sử dụng uy tín và tình bạn để đưa những nhà khoa học lớn trên thế giới về đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam.

Thế nhưng khi trò chuyện với PV VOV thường trú tại Pháp, Giáo sư Trần Thanh Vân chỉ giản dị cho rằng sở dĩ ông làm được những điều này đều là nhờ tình nghĩa, tình nghĩa với quê hương, đất nước; tình bạn thân thiết lâu năm với nhiều nhà khoa học trên thế giới.

  Giáo sư Trần Thanh Vân trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Giáo sư Trần Thanh Vân nói: “Các giáo sư mà chúng tôi mời về là những người tôi đã quen 30-40 năm rồi. Họ đã có dịp nói chuyện với tôi về Việt Nam hàng trăm lần. Lúc tôi mời họ về là họ nhận lời ngay. Dù một số người đã lớn tuổi, đến 80 tuổi, chúng tôi thường mua vé hạng thương gia mời các giáo sư về. Nhưng khi tôi viết thư, nhiều giáo sư còn bảo không cần, chỉ cần mua cho tôi vé thường thôi. Bên Việt Nam thì đặt thuê khách sạn rẻ nhất thôi. Có những người như vậy. Thành thử là tôi nghĩ rằng mình phải dùng cơ hội đó để nâng cao hình ảnh của Việt Nam lên, đưa họ về Việt Nam, để các em sinh viên ở Việt Nam có cơ hội, cũng như để chứng minh rằng Việt Nam có thể mời những nhà khoa học hàng đầu về, đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới”.

  Đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng Vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân gặp gỡ, trao đổi với Thị trưởng thành phố Blois

Cũng trong khuôn khổ tham dự cuộc “Gặp gỡ Blois”, Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng đã gặp trao đổi với Thị trưởng thành phố Blois ông Marc Gricourt; gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư và giải đáp những thắc mắc của cộng đồng người Việt, người Lào gốc Việt sinh sống và làm ăn tại Blois./.

  Đại sứ trò chuyện và nghe tâm tư của bà con người Việt, người Lào gốc Việt tại Blois
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên