Gặp “ông hậu sự” ở Kharkov - Ucraine
17 năm liên tục làm cái việc không ai muốn làm, những gì ông nhận được sau gần ấy năm không phải là tiền bạc mà là tình cảm và danh hiệu “ông hậu sự” mà bà con cộng đồng trìu mến dành tặng riêng ông. Ông là Nguyễn Trọng Cơ, ở thành phố Kharkov - Ucraine.
Gặp tôi vào một chiều cuối thu se lạnh, ông thông báo ngay khi còn đang bận cởi chiếc áo khoác: “Cộng đồng mình lại bớt đi mất một người em ạ!”. Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu ông thông báo với mọi người cái thông tin ngắn gọn như vậy, song tôi vẫn thấy ông lặng đi một lúc. 17 năm làm cái việc ma chay cho những người xấu số trong cộng đồng, ông bảo “vẫn y như cái lần đầu tiên vào năm 1992, thương cảm và tội nghiệp lắm”.
Sinh ngày 19/4/1954 ở làng Kim Liên- Hà Nội, năm 1973 ông sang Nga du học. Lịch sử và số phận đã khiến ông định cư ở thành phố Kharkov. Là một trong những người Việt đầu tiên nhập quốc tịch Ucraine và với vốn hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa nước sở tại, liên tục từ thời điểm đó tới nay ông làm công tác cộng đồng. Chức vụ “to” nhất của ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov. Thế nhưng, riêng cái việc lo “hậu sự” cho bà con, ông bảo có lẽ đó là cái duyên tiền định.
Ông kể: 17 năm đi tới, đi lui từ nhà xác đến nhà hỏa táng ở cái thành phố lớn thứ hai Ucraine này, ông quen và trở nên thân thiết với tất cả nhân viên ở đây. Mỗi lần thấy ông xuất hiện họ đều chào và hỏi ông bằng cái tên Nga thân mật: “Kola, Việt Nam mày lại có người chết à!”.
Ở Ucraine, việc hỏa thiêu một tử thi không phải là điều dễ dàng. Trước hết phải có giấy xác minh của bệnh viện về nguyên nhân tử vong, rồi của cơ quan hành chính quận... Những thủ tục này một mình ông đứng ra giúp gia đình lo liệu. Làm nhiều, quen biết nhiều với các cơ quan chính quyền địa phương, công việc đến tay ông đều suôn sẻ. Mọi người nghĩ vậy còn ông thì lại nghĩ khác: “Mình làm việc thiện người chết phù hộ mình ấy mà!”
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Cơ (hàng đầu bên phải) trong Lễ truy điệu cố thủ tướng Phạm Văn Đồng do Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov tổ chức. Tháng 5/2000 |
Hơn 10 năm tiếp xúc với người chết có khi nào ông thấy sợ? Ông thật thà: “Nhiều lúc sợ lắm, đặc biệt là những hôm ở nhà một mình. Có hôm mình đi đổ rác, lật cái nắp thùng rác công cộng lên tự nhiên thấy gai hết người.” Thế nhưng, điều gì khiến ông không từ bỏ công việc này? Ông trầm tư một lúc rồi trả lời tôi: “Tình đồng hương, nghĩa đồng bào em ạ! Không biết anh nói thế có to tát quá không nhưng mỗi lần thấy bà con cần đến mình, nhất là cái “nghĩa tận” ấy thì lòng dạ nào mình từ chối được”. Chẳng thế mà không chỉ ở Kharkov, cả ở những tỉnh, thành phố khác có bà con người Việt sinh sống như: Kiev, Odessa, Crưm… khi có việc cũng nhờ đến ông.
Ông “hậu sự” cho biết: Đa số nhân viên ở nhà xác thành phố và nhà hỏa táng đều nghiện rượu. Nói rồi ông tự giải thích với tôi: không nên trách họ bởi lúc nào họ cũng tiếp xúc với những xác chết. Nếu không vì sự mưu sinh chắc không ai làm công việc ấy. Thế nhưng, ông bảo không phải lúc nào người ta làm cũng vì tiền. Ông kể: có lần một thi thể của bà con mình đã cứng không thể thay quần áo trước khi hỏa táng, người công nhân Tây đã làm cái việc mà ông không thể tưởng tượng được, đó là ôm thi thể người chết vào mình truyền hơi ấm, khi thi hài mềm ra họ tiến hành thay quần áo mới.
Khó khăn lớn nhất ông gặp phải trong 17 năm lo hậu sự cho cộng đồng chính là những khác biệt trong phong tục tập quán giữa phương Đông và phương Tây. Ví dụ như bà con mình xem ngày, giờ để hỏa thiêu. Có khi giờ đẹp lại vào ban đêm hoặc sáng sớm trong khi công nhân nhà hỏa táng làm việc theo giờ hành chính. Hay như việc đốt hương. Nếu không có uy tín, không linh hoạt trong ứng xử chắc những yêu cầu của gia đình sẽ không thực hiện được.
Ông có mong muốn gì sau gần ấy năm thầm lặng làm công việc không ai muốn làm? Tôi hỏi ông câu hỏi này pha chút ngập ngừng bởi không biết ông sẽ mong muốn điều gì vì: tiền bạc đã không, phần thưởng cũng không. Ông cười và tôi bất ngờ với câu trả lời của ông: “Tôi mong cộng đồng mình luôn khỏe mạnh. Nếu có ai qua đời cũng là do tuổi già hợp lẽ tự nhiên, chứ chứng kiến nhiều cái chết do tai nạn, bệnh tật, tự tử… thấy thương tâm lắm!”
Ông ngừng câu chuyện với tôi để nghe hai cuộc điện thoại. Cuộc thứ nhất ông bảo bên nhà xác họ gọi nhờ ông xem giúp một tử thi không có gia đình đến nhận là người Việt Nam hay người Trung Quốc? Cuộc điện thoại thứ hai là vợ ông, kết quả đẹp của mối tình lãng mạn cách đây gần 30 năm giữa ông và một cô gái Ucraine. Người đã luôn gần gũi, ủng hộ và động viên ông./.