Giữ tiếng Việt: Cần trách nhiệm ở mỗi gia đình
Trong khi nhiều gia đình, bố mẹ và con cái chỉ có thể hiểu nhau thông qua ngôn ngữ nước ngoài thì lại có những bạn trẻ không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng vẫn đọc thông viết thạo ngôn ngữ của quê hương...
"Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn, nước Nam còn", hầu như ai cũng thuộc lòng câu nói ấy của học giả Phạm Quỳnh những năm trước. Với người xa xứ, mọi người thường nói rút gọn hơn: "Tiếng Việt còn, nước ta còn". Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như những gì con người mong muốn. Nhiều gia đình Việt Nam ở nước ngoài, bố mẹ và con cái buộc phải nói chuyện bằng tiếng nước ngoài. Cũng có trường hợp bố mẹ nói tiếng ta, con nói tiếng Tây, vì bọn trẻ chỉ nghe mà không nói được tiếng Việt.
Một trong những nguyên nhân mà các bậc phụ huynh thường nói đến là thiếu các trung tâm dạy tiếng Việt, trong khi đó các vị lại quá bận bịu với công việc. Nhưng đó mới là một nửa của vấn đề. Khi gặp ông Đào Duy Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Văn Lang, nơi tổ chức một số lớp học cho con em người Việt tại thủ đô Vacsava - Ba Lan, ông Tiến cho biết, khi lớp học chuẩn bị khai trương, nhiều người sẵn sàng đưa con đến học, nhưng cũng có những trường hợp phải đi vận động.
Ông Tiến kể lại: "Ngày thường bọn trẻ phải đi học kín cả tuần, các lớp học tiếng Việt thường tổ chức vào ngày nghỉ, nhưng không ít vị phụ huynh sợ con mình tụt hậu so với bọn trẻ bản xứ, nên đưa con đi học đánh tennis, chơi thể thao, hoặc học thêm một số môn học khác chứ không phải đến lớp tiếng Việt. Không phải phụ huynh nào cũng coi trọng tiếng Việt như tiếng Anh, vì họ cho rằng để hội nhập thì tiếng Việt không cần thiết lắm".
Cũng giống như hầu hết các trung tâm tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, các lớp học tiếng Việt do Trung tâm Văn hoá Văn Lang tổ chức đều miễn phí, nhưng chuyện những nhà tổ chức "mời" người đi học không phải quá hiếm.
Trong khi có người sợ con cái "tụt hậu" so với những đứa trẻ cùng lứa bản xứ nếu dành nhiều thời gian học tiếng Việt thì lại có rất nhiều những bạn trẻ không cần đến trường học tiếng Việt ngày nào, nhưng vẫn đọc thông viết thạo tiếng Việt. Gần đây nhất, chúng tôi có trò chuyện với bạn Nguyễn Thị Diệu Hiền - Shihanouk Ville - Campuchia. Diệu Hiền sinh ra ở Campuchia, nhưng tất cả các chị em Diệu Hiền, cũng như những người bà con của Diệu Hiền đều nói tiếng Việt thông thạo. Ngay từ nhỏ, bố mẹ Diệu Hiền đã coi việc nói tiếng Việt trong gia đình là điều "bắt buộc". "Lúc nhỏ, em cũng thấy lạ, và cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng khi hiểu ra thì thấy quen dần. Đến khi về Việt Nam em mới thấy mình thật may mắn, vì nếu bố mẹ không "bắt" học tiếng Việt, em đã không thể nói chuyện với những người thân ở Việt Nam", Diệu Hiền cho biết.
Một cô gái người Việt khá nổi tiếng ở Hungary - Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh là Hoa hậu người Việt tại châu Âu năm 2008. Bảo Quỳnh là sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus (Budapest), đồng thời cũng là người mẫu. Cho dù phạm vi sử dụng tiếng Việt ở đất nước mà cộng đồng người Việt chỉ có vài ngàn này là rất hẹp. Bảo Quỳnh chỉ dùng tiếng Việt khi về nhà, nhưng không vì thế cô lại không thông thạo tiếng Việt. Bảo Quỳnh đến Hungary năm 2 tuổi, khi mới bập bẹ tiếng Việt, và cô đã học tiếng Việt trong gia đình trên đất châu Âu. Ở tuổi 20, cô khá thành công trên con đường học hành cũng như sự nghiệp. Ở lớp học đại học, đa phần cô được điểm xuất sắc, ngoài một vài môn được điểm giỏi, trong khi đó, cô là người mẫu được nhiều tạp chí mời gọi.
Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ dạy tiếng Việt được triển khai khá rộng rãi, Tạp chí Quê Hương (trang điện tử của Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài mở chuyên trang học tiếng Việt, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam... đều đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt. Trong đó, quan trọng hơn cả là Đề án "Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Ngoại giao - Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện). Năm 2008, Đề án đã cho dạy thử nghiệm hai bộ sách "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt". Dự kiến năm 2009, công tác hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được triển khai rộng rãi hơn. Việc triển khai đề án là bước đột phá lớn trong việc gìn giữ tiếng Việt nói riêng và văn hoá Việt nói chung, vì việc dạy tiếng Việt sẽ trở nên quy củ hơn, cả về tổ chức, nhân sự cũng như giáo trình giảng dạy. Bởi lâu nay, các lớp tiếng Việt chủ yếu được mở từ sự tình nguyện của cộng đồng như trước đây nên gặp khó khăn về nhiều mặt.
Tuy nhiên, như người Việt vẫn nói, một cái vỗ tay cần 2 bàn tay. Nếu vẫn còn những người chưa ý thức về tầm quan trọng của tiếng Việt như câu chuyện của ông Đào Duy Tiến ở Ba Lan, thì đề án chưa thể phát huy hết hiệu quả./.