Gửi hồn vào những bức tranh quê
Vũ Kim Thanh sinh năm 1952 ở Hải Phòng, hiện định cư tại Anh Quốc. Những tác phẩm tranh, ảnh và thơ của anh được biết tới ở nhiều diễn đàn trên mạng.
* Sống xa quê hương, những sáng tác nghệ thuật của anh, như được thấy trên mạng, đã thể hiện lòng nhớ quê, tha thiết với quê, làm xúc động những người xem, nhất là những người xa xứ (như lời tâm sự của họ)…
Vâng, những người xa quê ai cũng có một nỗi niềm nhớ thương quê hương đất nước. Tôi cũng là một trong những người như vậy, nên rất xúc cảm và ảnh hưởng tới những tác phẩm hội họa cũng như thơ ca của tôi.
Quê hương hai tiếng sao nặng nghĩa
Thương nhớ ngàn đời dẫu cách xa
Rừng thu trút lá bay tơi tả
Còn ta nào dễ đã phôi pha…
Những ngày tháng ít cầm cọ vẽ thì tôi lại viết những vần thơ chắt lọc từ thực tế trong những năm tháng dài xa quê. Với tôi, quê hương luôn có những ân tình và là đề tài vô tận trong những sáng tác thơ ca và hội họa.
Tôi đã về thăm quê hương vài lần, lần nào cũng định mang màu bút về đi vẽ thực tế một số nơi. Nhưng rất tiếc là chưa làm được việc đó, bởi vì những lần về toàn rơi vào lúc nhà có việc, thời gian thì có hạn, rồi việc nọ,việc kia chen lấn hết cả. Chỉ dành được chút ít thời gian giao lưu thơ ca với các bạn thơ Hải Phòng và Bắc Giang mà thôi.
![]() |
Sông quê (sơn dầu) |
![]() |
Trời lại mưa (ký họa chì) |
![]() |
Hoa súng (sơn dầu) |
![]() |
Hoa sen (sơn dầu) |
![]() |
Tháp Rùa |
![]() |
Sông trăng (sơn dầu) |
* Con đường đến với hội họa của anh có thuận buồm xuôi gió?
Tôi đến với hội họa rất tự nhiên. Ngày ấy… thời trai trẻ tôi say mê âm nhạc, chỉ chú trọng vào học nhạc và luyện chơi đàn ghi ta. Nhưng tôi cũng rất thích tranh ảnh, thích trong nhà mình có những bức tranh gốc để treo nhằm trang trí và thả tâm hồn mình vào đó để thư giãn.
Ngày ấy không có nhiều tranh bày bán như bây giờ. Tôi có mời một họa sĩ ở Hải Phòng, tên là Hoàng Linh, nhờ anh vẽ giùm cho một bức tranh biển cả vào một khung đã làm sẵn trên tường ở cửa tiệm cắt tóc của tôi (lúc đó tôi vừa làm nghề dạy nhạc, vừa làm nghề cắt tóc để mưu sinh).
Ngày anh vẽ, tôi cũng không sao làm việc được. Chỉ chăm chú coi anh pha màu và cách thức thể hiện ra sao… tôi đã cảm xúc và viết tặng anh một bài thơ để kỷ niệm.
Tôi rất thích hội họa nhưng lúc đó không có điều kiện học vẽ, bèn tự nhủ: Hay là mình cứ tập vẽ thử?. Thế là tôi mua sơn mầu và bút về, rồi vẽ ngay lên tường nhà một bức tranh phong cảnh bằng sơn dầu khổ 200cm x 120cm. Cả nhà ngạc nhiên và lo lắng, vì chưa thấy tôi vẽ bao giờ, bây giờ vẽ to như thế này thì chỉ có mà hỏng hết cả tường nhà!.
Bất chấp những lời chê bai, ban ngày tôi làm việc và ban đêm tôi cặm vụi vẽ tranh. Lúc đó chỉ là bức tranh phong cảnh ven biển mà tôi sao chép lại, chứ không phải tranh tự sáng tác. Thế rồi qua những ngày cặm cụi, tôi cũng chép xong bức tranh tương đối hoàn chỉnh. Mọi người ngạc nhiên. Và tôi thấy vui vui vì hy vọng mình sẽ vẽ được tiếp những tranh khác nữa.
Rồi tôi tìm những sách vở viết về hội họa và tự học. Bức tranh thứ hai tôi không vẽ lên tường nữa mà vẽ vào bìa để lồng trong khung kính. Một bức tranh biển cả và con thuyền buồm lộng gió giữa biển khơi. Vừa vẽ xong bức này đã có người tới hỏi mua. Tôi không muốn bán. Nhưng người ấy tới hỏi nhiều lần nên tôi cũng nể và bán đi để lấy tiền mua thêm nguyên liệu làm những bức tranh khác…
Thế rồi bức thứ 3, thứ 4 ra đời cũng đều có người hỏi mua và đặt tôi vẽ lại những bức tranh nào họ thích, vì thấy tôi chép giống quá. Tôi vừa tự học, vừa luyện tập theo lối vẽ cơ bản, vừa sao chép tranh cổ điển, vừa vẽ ảnh truyền thần, vừa vẽ trang trí phông cưới và ai đặt vẽ tranh nào tôi đều nhận làm hết và làm thật cẩn thận, ai cũng vui lòng... Nghề vẽ tranh vào cuộc đời tôi rất giản đơn như vậy.
* Trong những bức tranh của anh, có những tranh tả thực mà thực đến nỗi có người xem trên mạng còn đặt câu hỏi phải chăng đấy chính là ảnh chụp, cho đến khi được chứng mình rằng đó là tranh vẽ… Tuy nhiên anh cũng sáng tác nhiều tranh siêu thực. Anh có thể cho biết quan niệm của mình về sáng tác nghệ thuật?
Với tôi, nghệ thuật hội họa luôn biến chuyển, không dừng lại ở một giới hạn nào cả. Trong nhiều thế kỷ qua, hội họa đã phát huy nhiều sáng tạo, nhiều trường phái của các thiên tài hội họa đã khắc ghi sự văn minh, tiến bộ cũng như sự thưởng lãm văn hoá tinh tế của nhân loại.
Cho nên người nghệ sĩ không cho phép mình vội vàng hoặc ngơi nghỉ khi trái tim còn rung động. Tôi luôn coi hội họa là người bạn đồng hành của tâm hồn, tôi không vội vã hoàn thành khi bức vẽ chưa vừa ý, cũng chẳng nản lòng khi phải làm những công việc khác mà sao nhãng trau dồi kiến thức hội họa cho mình. Tôi đi dần từ những bậc thang thật thấp theo năm tháng dài để trưởng thành.
Khi ra nước ngoài, tôi bỏ nhiều thời gian đi thăm thú nhiều bảo tàng mỹ thuật, tìm hiểu về lịch sử và các trường phái hội họa, tiếp cận với nhiều bức tranh chính gốc của các danh họa trên thế giới ở bào tàng Luân Ðôn, ở Mỹ, ở Ý, ở Pháp.v.v… để thưởng thức và học hỏi. (Tôi cũng xin theo học những khoá dạy mỹ thuật tại Anh quốc, nhưng mấy giáo viên tôi gặp không nhận dạy, thậm chí có người nói thẳng với tôi là: Tôi đã xem tranh của ông và tôi không có khả năng nào hơn để dạy ông thêm được…)
Tôi luôn ngưỡng mộ Leonardo Da Vince, danh họa thời phục hưng Ý. Tôi đã từng đứng hàng buổi trước những tranh gốc của ông trong Bảo tàng Luân Ðôn. Ðặc biệt cả những ký họa chì của ông vẽ nghiên cứu về người và hoa lá, cây cỏ...
Những gì tôi ngưỡng mộ ảnh hưởng tới phong cách vẽ của tôi rất nhiều. Tôi muốn mình phải vẽ được cực thực, vẽ nghiêm túc và nhìn thực tế vẽ được chính xác những hiện vật. Tuy nhiên nhiều lúc tôi cũng muốn vẽ thật “phá phách” theo nhiều thể loại khác nhau. Tôi hiện vẫn còn đang trên con đường tìm kiếm và học hỏi. Rất tiếc cuộc sống của tôi phải bộn bề với những công việc khác nên dành thời gian cho hội họa không được là bao.
Nơi đây không dễ dàng gì mà mua được nhà hoặc mở một căn phòng gallery để ngồi vẽ và bán tranh…
Vì hoàn cảnh gia đình ở Việt Nam có nhiều khó khăn nên tôi phải làm thêm nhiều nghề khác để giúp đỡ gia đình và nuôi nấng con cái, cho nên nghề vẽ lại trở thành nghề phụ. Tôi làm nghề quay phim đám cưới, làm nghề thiết kế và xây dựng sửa chữa nội ngoại thất… Thậm chí có những lúc làm cả nghề phụ bếp, không liên quan gì tới mỹ thuật cả…
![]() |
Dừa (sơn dầu) |
![]() |
Thuở ấy |
![]() |
Một bức tranh đang được vẽ dở |
Bắt đầu từ năm 2008, tôi làm quen với Photoshop để thu nhỏ tranh, đưa lên mạng và chỉnh sửa ảnh chụp. Rồi tôi dùng bút vẽ của Photoshop tạo ra những bức tranh một nửa là ảnh và một nửa là vẽ. Rồi tôi không vẽ vào ảnh nữa, mà dùng bút và màu của Photoshop để vẽ tranh siêu thực và ấn tượng. Tôi đã thể nghiệm và vẽ một số tranh theo lối sáng tác này, cũng được một số họa sĩ và bè bạn tán đồng.
![]() |
Yêu đời (Photoshop) |
![]() |
Piano và đàn guitar (Photoshop) |
Cho dù có bận rộn với bao công việc nhưng trong tôi vẫn không xa rời hội họa những khi rảnh rỗi. Tôi là hội viên của một câu lạc bộ hội họa và nhiếp ảnh ở Luân Ðôn, nên thường đi triển lãm tranh ảnh đây đó cùng với các bạn đồng nghiệp.
Năm 2000, tôi có triển lãm ở Luân Đôn cùng với những bức tranh của người bạn đã quá cố là Tăng Nga Sơn. Năm 2002, tôi về Việt Nam triển lãm tranh tại Hải Phòng cùng với 50 họa sĩ của Hải Phòng và Hà Nội. Lần đó tôi được sự đón tiếp nồng nhiệt của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng và các bạn bè họa sĩ.
Đợi chờ Em cứ ngủ ngon (bút chì) Lá thu (bút chì)
* Gần đây anh có thường xuyên về thăm quê ? Anh có cảm nhận gì về sự thay đổi ở Việt Nam không ?
Tôi mới về thăm quê vào cuối năm 2009. Tôi thực sự vui mừng khi thấy đất nước mình thay đổi quá nhiều, tới đâu cũng thấy kiến thiết xây dựng nhà cửa khang trang, phố phường sầm uất, nhộn nhịp. Hàng hoá tràn ngập, thể hiện sự hưng thịnh của quê hương đất nước. Tuy nhiên cũng vẫn còn những gia cảnh nghèo khó mà mọi người đang cố gắng khắc phục.
Tôi được các đoàn thể, chính quyền đón tiếp trân trọng và tràn ngập tình người đằm thắm. Tôi tự do viết, vẽ, đi lại các nơi thăm viếng các danh lam thắng cảnh, các đền chùa miếu mạo, tự do tín ngưỡng, không có gì cản trở trong những ngày tháng ở Việt Nam. Cho nên tôi, cũng như nhiều Việt kiều khác, rất thoải mái về du lịch hoặc thương mại làm ăn ở Việt Nam.
Tôi xin chân thành cám ơn quê hương đất nước đã cho tôi nguồn cảm xúc để viết và vẽ. Xin cám ơn các bạn bốn phương đã cổ vũ và khích lệ tôi trên con đường nghệ thuật. Cám ơn báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam đã dành cho tôi thời gian quí báu cho cuộc phỏng vấn này./.