Hội người Việt Nam tại Pháp:

Kết nối người Việt trong và ngoài nước

Hội người Việt Nam tại Pháp không chỉ là cầu nối giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, với bạn bè Pháp mà luôn có các hoạt động hướng về cội nguồn như: dạy tiếng Việt, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai…

Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp hiện nay có khoảng 300.000 người gồm nhiều thành phần, như: thương gia, công nhân, trí thức... trong đó có khoảng 5.000 sinh viên từ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu khoa học. Một bộ phận bà con định cư từ trước những năm 60-70 và đã có nhiều thế hệ tiếp theo đang sinh sống tại Pháp. Một bộ phận bà con sang sau năm 1975, phần lớn là để đoàn tụ gia đình. Hầu hết bà con có tình cảm gắn bó với quê hương, đều mong muốn được về thăm đất nước. Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết như vậy trong trả lời phỏng vấn VOVNews.

PV: Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là một trong những cộng đồng có nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc. Là đại diện cho bà con kiều bào ở Pháp, xin ông cho biết vài nét về Hội người Việt Nam tại Pháp?

Ông Bùi Thanh Tùng: Hội người Việt Nam tại Pháp đã có từ rất lâu, qua nhiều tên gọi khác nhau. Kế thừa và phát huy truyền thống của Hội, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng nước sở tại; thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền về tình hình thực tế, luật pháp của nước sở tại, đồng thời thông tin về tình hình trong nước đến với bà con.

Chúng tôi làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với đồng bào ngoài nước, với bạn bè Pháp thông qua các hình thức liên hệ kết nghĩa giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Pháp. Hầu hết bà con Việt Nam tại Pháp được đối xử bình đẳng như những người gốc Pháp, có rất nhiều người Việt Nam thành đạt. Có thể nói, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là có đội ngũ trí thức tương đối mạnh, tham gia và giữ vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực tại Pháp.

Ông Bùi Thanh Tùng

PV: Thưa ông, Hội đã phát huy thế mạnh này như thế nào trong việc huy động trí thức kiều bào về xây dựng quê hương, đất nước?

Ông Bùi Thanh Tùng: Chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ, hội thảo với các trí thức kiều bào. Phần lớn trí thức kiều bào đều phấn khởi trước sự phát triển của đất nước và có nguyện vọng được về đóng góp xây dựng quê hương. Thực tế, đã có nhiều kiều bào làm việc trong nhiều ngành nghề khoa học thường xuyên về Việt Nam giảng dạy tại các trường Đại học, một số bác sĩ tham gia vào các chương trình nhân đạo tại Việt Nam, nhiều trí thức đã về nước tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị để trao đổi, tìm hiểu thông tin trong nước…

Chúng tôi cũng có những hoạt động khuyến khích sinh viên kiều bào tại Pháp chăm lo học hành, đào sâu kiến thức, vừa để tìm được việc làm phù hợp tại nước sở tại và khi có điều kiện có thể đem tri thức của mình về đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

PV: Dạy tiếng Việt cho thế hệ Việt kiều trẻ đang là hoạt động được nhiều cộng đồng quan tâm. Hội người Việt Nam tại Pháp đã có những hoạt động gì để giúp thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, trong đó có việc dạy tiếng Việt? 

Ông Bùi Thanh Tùng: Ở Pháp có nhiều thế hệ thứ 2, 3, 4 và hầu như đối với các cháu, cội nguồn phần lớn được hình thành từ sự giáo dục của bố mẹ, ông bà. Chúng tôi rất mừng là các thế hệ cha mẹ, ông bà trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đại đa số rất gắn bó và có tình cảm sâu nặng với quê hương, nên họ đều hướng con cháu họ gần gũi với bản sắc văn hoá Việt Nam, với cội nguồn dân tộc. Điều này thể hiện trước hết ở tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó với nhau trong cộng đồng người Việt. Trong nhiều gia đình Việt Nam tại Pháp chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt…

Về phía Hội, chúng tôi tổ chức lớp học tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho thanh niên. Tại các trung tâm sinh hoạt của người Việt, thường xuyên có các lớp học học múa, võ dân  tộc… để các cháu có dịp được giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, đồng thời hiểu hơn về văn hoá Việt Nam. Nhìn chung, thế hệ trẻ sinh ra tại Pháp đều mong muốn được tìm hiểu cội nguồn, bản sắc dân tộc.

PV:  Được biết, trong nhiều năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động chia sẻ với bà con gặp thiên tai, lũ lụt trong nước, đặc biệt là ủng hộ chương trình “nước ngọt cho Trường Sa”?

Ông Bùi Thanh Tùng: Hưởng ứng lời kêu gọi của Báo Thanh niên về giúp đỡ bà con khó khăn ở Trường Sa, bà con kiều bào tại Pháp có muốn làm việc gì đó biểu lộ tình cảm của mình. Chúng tôi đã đóng góp cho chương trình “nước ngọt Trường Sa” là 10.000 euro để mua máy lọc nước bằng năng lượng mặt trời và bằng sức gió. Chúng tôi cũng tiếp tục vận động bà con kiều bào đóng góp tiền ủng hộ chương trình. Việc làm này đang trở thành phong trào tại Pháp.

Song song với đó, Hội đã có nhiều hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Trước hết là phản đối phán quyết của Toà phúc thẩm Hoa Kỳ về việc họ bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; thông tin tới người dân Pháp về hậu quả của chất độc da cam/dioxin của Mỹ và những nỗi đau mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Hội cũng phát động nhiều đợt quyên góp ủng hộ các nạn nhân.

Năm ngoái chúng tôi ủng hộ được khoảng 250 suất học bổng, dự kiến năm nay sẽ ủng hộ khoảng 350 học bổng cho các trẻ em nghèo, khó khăn. Mỗi chương trình học bổng sẽ hỗ trợ tiền ăn, học cho các cháu trong khoảng 2 năm. Hội cũng hỗ trợ mở lớp đào tạo, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ tàn tật tại các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, với số tiền hỗ trợ khoảng 500.000 euro/năm….

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên