Kiều bào tại Thái Lan: “tiếng Việt còn, người Việt còn”
VOV.VN - Xuyên suốt bề dày gần 100 năm hiện diện tại Thái Lan, cộng đồng kiều bào ta, với khoảng 200.000 người, đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, song trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bà con luôn tâm niệm một điều: “Tiếng Việt còn, người Việt còn”.
Trong những ngày tháng 9 cách mạng, chúng tôi có chuyến công tác đến tỉnh Udon Thani, thủ phủ của người Thái gốc Việt với hơn 60.000 kiều bào, và may mắn được gặp những người thầy đặc biệt đã gieo vần chữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp kiều bào ở Thái Lan gìn giữ được ngôn ngữ và bản sắc văn hóa riêng.
Năm nay đã 103 tuổi, thầy Phạm Văn Tuấn (tên thường gọi là thầy Diệm), vẫn sang sảng chia sẻ những câu chuyện từ khi thầy bắt đầu nhận nhiệm vụ truyền dạy tiếng Việt cho kiều bào tại Thái Lan: “Sau đợt kiều bào hồi hương vào năm 1962, các bác ở lại động viên tôi là thôi ông đừng đi làm thợ may nữa, đi dạy học cho trẻ con đi. Thế là từ đó tôi đi dạy. Tôi học nhiều, học để còn dạy, nó cũng giống như là gió vậy, lên dần dần. Tôi tự học để mà dạy. Tôi học theo sách bổ túc ở bên Việt Nam gửi sang, học hết, học suốt ngày suốt đêm”.
Mặc dù chưa được qua trường lớp đào tạo nào về phương pháp giảng dạy, nhưng với mong muốn các thế hệ người Việt tại Thái Lan vẫn duy trì được tiếng mẹ đẻ thân thương, bằng nghị lực phi thường, thầy Tuấn cùng nhiều bác lão thành trong cộng đồng khi đó đã nỗ lực gây dựng phong trào dạy và học tiếng Việt. Những “đốm lửa” nhỏ chỉ vài ba học trò trong những ngày đầu đã được nhóm lên mạnh mẽ, lên tới hàng chục rồi hàng trăm người tham gia học tiếng Việt.
Thầy Tuấn cho biết: “Chúng tôi cũng không ngờ việc tổ chức dạy học của Việt kiều Udon Thani khi đó lại lớn mạnh như vậy. Ban đầu chỉ là lớp bổ túc cho những người đứng tuổi khi mới tản cư sang, về sau thế nào không biết, các địa phương mới tổ chức thành các lớp học 7 em một lớp. Chúng tôi kê bàn ngay trong bếp để dạy ở đó luôn. Số giáo viên dần lên tới 30 người trong khi học sinh toàn tỉnh lên tới 300-400 em”.
Chương trình giảng dạy của các lớp học tiếng Việt lúc bấy giờ thu gọn lại chỉ còn các môn chính là Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra còn có thêm hai môn mà chỉ có Việt kiều Thái Lan mới có và tự soạn bài giảng, đó là môn Công dân và Đạo đức hay còn gọi là Đức dục. Hai môn này được đưa vào giảng dạy nhằm mục đích giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu Bác Hồ, hiểu biết thêm về Tổ quốc và con người Việt Nam.
Trong những năm tháng gian khó, việc dạy và học tiếng Việt vẫn luôn được duy trì nhờ nỗ lực và quyết tâm bền bỉ, cùng tình yêu tiếng Việt tha thiết của các thầy cô kiều bào. Nhiều học trò của thầy Tuấn như cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, cô Hằng, cô Tuất, chỉ sau một thời gian rất ngắn cũng trở thành những giáo viên để cùng với thầy, vừa học vừa truyền dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt tại Thái Lan.
Cô Oanh chia sẻ: “Thiếu giáo viên, thầy Diệm đến nói với mẹ cô, xin cho cô đi dạy, lúc đó cô mới 14 tuổi thôi. Thầy rất lo, vì cô bé quá, sợ cô không biết đường dạy. Sáng sớm trời rét thầy đội mũ len áo cổ lọ bế con lớn của thầy sang lớp ngó xem cô có dạy được không. Bảng thì nhỏ, lớp khoảng độ 7-8 học sinh, thầy cứ đứng ngó 1 tuần rồi sau đã yên tâm thì không sang nữa. Rồi hàng xóm cũng sang ngó, cứ bảo trẻ con đi dạy học”.
Với các thầy cô, tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam và nơi chôn nhau cắt rốn đã thấm vào da thịt và trở thành một lẽ sống, lý tưởng sống trong mọi suy nghĩ và hành động. Các thầy cô luôn tự nhủ mình phải là một hạt nhân tốt để giữ gìn tiếng Việt, giữ được con chữ mới giữ được truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước.
Tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô cũng nhận được sự hưởng ứng, đùm bọc, giúp đỡ của biết bao kiều bào. Dù khó khăn, song các gia đình kiều bào đều xung phong tình nguyện góp công, góp của hỗ trợ các giáo viên, sắp xếp địa điểm tổ chức lớp học hay đóng góp đồ dùng học tập.
Thầy Tuấn cho biết: “Kiều bào rất tốt, cũng muốn cho con em mình biết chữ nên giúp đỡ nhiều, sẵn lòng cung cấp cả chỗ ăn ở, bàn ghế, sách vở, chép viết tay hàng chồng, không phải là ít công, ít của”.
Những năm gần đây, chứng kiến những thay đổi tích cực về điều kiện kinh tế của các thế hệ Việt kiều tại Thái Lan, các thầy cô, các bác lão thành trong cộng đồng, những người phụ trách công tác các hội đoàn kiều bào đều hết sức vui mừng. Các thế hệ kiều bào đều cho rằng sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Thái Lan hôm nay đi cùng với sự lan tỏa của phong trào dạy tiếng Việt kể từ những năm 1960. Xúc động nhắc lại chuyện xưa, thầy Nghĩa và cô Oanh cùng ôn lại một đoạn trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu:
Hôm nay ôn lại quãng đường dài...
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm…
…Nửa đêm thuế thúc trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy…
Thời gian trôi đi, các thế hệ Việt kiều thứ 1, thứ 2 đang ngày một trăn trở, băn khoăn khi số lượng con em Việt kiều thế hệ thứ 3, thứ 4 và thứ 5 hiện nay học tiếng Việt ngày càng ít. Phát huy vai trò quy tụ, tập hợp để củng cố, xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan vững mạnh, đoàn kết, Hội người Việt Nam toàn Thái (Tổng hội) đã và đang triển khai những kế hoạch thiết thực để duy trì tiếng Việt trong cộng đồng.
Chủ tịch Tổng hội Nguyễn Ngọc Thìn chia sẻ: “Một vấn đề nan giải hiện nay là thời giờ của con em mình để học tiếng Việt không có. Do đó, Tổng hội đã phát động phong trào về nhà nói tiếng Việt để giữ gìn văn hoá tiếng Việt của mình. Biết nói tiếng Việt thì mọi vấn đề trong cộng đồng đều sẽ trôi chảy, suôn sẻ, góp phần tiếp nối sự nghiệp của ông cha để lại”.
Nhiều bác Việt kiều lão thành cho biết tỉnh Udon Thani, vốn là cái nôi gây dựng và phát triển phong trào học tiếng Việt từ những năm 1960, đang có những điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, hướng tới là hình mẫu để nhân rộng mô hình ra toàn Thái Lan.
Với sự hỗ trợ từ các cơ quan trong nước và chính quyền các địa phương Thái Lan, cùng những nỗ lực của Tổng hội, các hội đoàn người Việt tại Thái Lan, nhiều lớp học tiếng Việt sẽ được hình thành và ngày một nhân rộng, góp phần tạo ra sự gắn kết các thế hệ người Việt với quê hương, đất nước cũng như giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc tại Thái Lan.