Kiều bào về nước: Đi thật xa để trở về
VOV.VN - Bà con kiều bào, dù ra đi bằng cách này hay cách khác thì đa phần trong số họ vẫn đau đáu hướng về quê hương, xứ sở.
Những ngày này, không khí đón xuân trở nên chộn rộn hơn với hình ảnh hàng ngàn kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết. Sự quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất là điều không ai muốn nhưng cũng lại thấy mừng vì bà con dù sống ở xứ người với bao lo toan, vất vả, vẫn gác lại công việc, sắp xếp thời gian để trở về tổ quốc. Các cuộc gặp mặt, giao lưu giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, lãnh đạo các địa phương với kiều bào, đầm ấm, chân thành và cởi mở. Thế mới biết: Dù đi đâu, làm gì thì tổ quốc vẫn ở trong tim họ.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải vì thân nhân ra đón kiều bào. Ảnh: Dân trí |
Về để viếng mộ ông bà tổ tiên, để thăm họ hàng nội ngoại, để được đi lễ chùa, ăn bánh chưng, bánh tét. Về để thấy ngôi làng của mình, góc phố của mình và xa hơn là đất nước của mình đã đổi khác ra sao?
“Bản thân tôi không chờ mình giàu có, không chờ quá rảnh rang rồi mới giúp đỡ, cũng không chờ mọi việc tại Việt Nam thật tốt đẹp mới trở về vì lúc đó chắc đâu còn ai cần mình. Tôi tin, nhiều người trong cộng đồng kiều bào cũng nghĩ vậy”. Chia sẻ của TS.Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật rất đáng để suy ngẫm.
Chúng ta có 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn lực kiều bào là rất lớn. Nó không chỉ dừng ở hàng tỷ đô la kiều hối gửi về mỗi năm, không chỉ hiển hiện ở con số 2.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động hiệu quả tại 52 tỉnh, thành phố. Nguồn lực ấy còn là tri thức, trí tuệ, kinh nghiệm của các doanh nhân, trí thức Việt kiều, nếu như đất nước thật sự mở rộng cửa để đón họ về.
Không phải ngẫu nhiên, trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều gương mặt là chuyên gia trí thức kiều bào. Họ là những người đã thành danh trong các trường Đại học, các viện nghiên cứu của Mỹ, Pháp, Singapore, Nhật Bản… Chính phủ cần họ, cùng với các chuyên gia trong nước, giúp cho Thủ tướng về các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế trung và dài hạn.
Thủ tướng gặp gỡ bà con kiều bào về nước tham dự Chương trình Xuân quê hương |
Xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, thích ứng với những đòi hỏi mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta càng cần trân trọng nguồn lực kiều bào. Hơn 400.000 chuyên gia người Việt trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành như Tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, vật lý, quản lý kinh tế… là nguồn tài nguyên quý giá. Họ có thể giúp cho những người trẻ trong nước có điều kiện khởi nghiệp thành công, kết nối được trong nước và ngoài nước.
Mời họ về nước làm việc thực sự, cống hiến thực sự chứ không phải về nước giảng dạy hay nghiên cứu ngắn ngày. Cái họ cần cũng không chỉ là sự đãi ngộ về vật chất mà còn là môi trường làm việc thuận lợi, thông thoáng, mạnh dạn giao cho họ nắm giữ các vị trí quan trọng, để họ có thể phát huy được tài năng, trí tuệ của mình.
Mấy năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự trở về của bà con kiều bào ở nhiều lĩnh vực, rõ nhất là các văn nghệ sĩ. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, họ về nước, tiếp tục thành danh, sống “khỏe” bằng nghề, được nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu khác nhau. Có người vừa hoạt động nghệ thuật, vừa đầu tư kinh doanh, thậm chí định cư hẳn trong nước.
Bà con kiều bào, dù ra đi bằng cách này hay cách khác thì đa phần trong số họ vẫn đau đáu hướng về quê hương, xứ sở. Họ cũng buồn, cũng sót khi đất nước trải qua các trận thiên tai, bão lụt, cũng tự hào, rưng rưng khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở đấu trường khu vực…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ bà con kiều bào ngày 7/2 |
Cứ năm sau, số lượng Kiều bào về quê đón Tết lại đông hơn năm trước. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để chúng ta thấy rằng: Họ đã đi, đi thật xa để trở về!./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp kiều bào đón Xuân quê hương 2018
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết
Thủ tướng: “Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con Kiều bào“