Cùng đất nước nhìn lại và hướng tới

Những người đang mang dòng máu Việt phải làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước, chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng sóng dữ.

Trong bức tranh nhiều sắc mầu này có một phần không nhỏ được tạo nên bởi một bộ phận không thể tách rời đó là hơn 4 triệu kiều bào đang sống, lao động, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lực lượng này đã góp phần không nhỏ vào nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Lượng kiều hối hàng năm chuyển về Việt Nam (từ 6 tỷ USD đến 10 tỷ USD/năm) tương đương với vốn ODA hàng năm. Không những thế dòng đầu tư chất xám cũng không ngừng nghỉ để tiếp cận với thị trường nội địa đang phát triển, đầy tiềm năng.
 


Để theo kịp sự chuyển biến với tốc độ chóng mặt của thế giới và trong nước, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều quyết định quan trọng với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Đáng kể nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với NVNONN và nhiều điểm mới trong chính sách bảo hộ công dân, thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh, hồi hương, mua bán nhà và khuyến khích ưu đãi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam... Điều này đã tạo dựng được niềm tin cho đại đa số bà con kiều bào, góp phần quan trọng vào hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa mờ ranh giới nghi kỵ, thù hận của những người ra đi sau năm 1975 vì lý do chính trị. Tiếp đó, năm 2009 Hội nghị NVNONN lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội do Uỷ ban Nhà nước về NVNONN chủ trì kết hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đã thành công tốt đẹp. Và cuối tháng 9 năm nay, Hội nghị NVNONN lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tổng kết, đánh giá một cách trung thực nhất những gì đã đạt được và những gì tồn đọng cần giải quyết nhằm nâng tầm cao mới để Hội nghị thực sự trở thành điểm đến và niềm tin của bà con kiều bào cũng như bà con trong nước gửi gắm.
 
 Khu nghỉ dưỡng DaLat Edensee lake Resort & Spa do ông Tiêu Như Phương
(kiều bào Đức) làm chủ đầu tư

Bên cạnh những gì chúng ta đã đạt được, còn không ít những vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ và xử lý nghiêm túc để thực sự đưa các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ra nước ngoài du lịch hay công tác khi gặp sự cố (mất hộ chiếu, bị trộm cắp…) tìm đến Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại để được giúp đỡ vẫn còn gặp vướng mắc về thủ tục. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư của kiều bào về trong nước, khi gặp kiện tụng tranh chấp với các đối tác tại Việt Nam, kiều bào còn mang nặng tâm lý lo lắng phần thua rơi về mình mặc dù họ thực hiện đúng và nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật và các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Kể cả khi thắng kiện thì việc thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ theo phán quyết của Tòa án cũng kéo dài và khó lấy lại được những gì đã mất.

Thời điểm này- năm 2012 - cả dân tộc ta, đất nước ta, bà con kiều bào xa xứ và hơn 80 triệu người Việt Nam đang sống trong nước hơn lúc nào hết cần đến sự đồng lòng, đồng sức, đồng tâm và nhìn lại chính mình xem đã thực sự làm được gì cho Tổ quốc, cho quê hương. Cùng chung tay vì đất nước và cùng với quyết tâm chúng ta sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn hiện nay về kinh tế cũng như những thách thức trong bảo vệ biên cương hải đảo, kiên quyết bảo vệ và sẽ bảo vệ được từng mét đất biên cương, từng hải lý trên biển đã từng thấm đẫm máu xương của cha anh để gìn giữ cho đến hôm nay.

Nhìn lại thực tế của 10 năm qua, những thành công của Việt Nam trên trường quốc tế là đáng tự hào vì trên chính trường đã có nhiều quốc gia biết đến có một Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy trong phát triển kinh tế và kết nối bang giao với hơn 180 quốc gia. Trong mười năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%, xoá đói, giảm nghèo thành công theo chuẩn qui định của thế giới với các nước đang phát triển, bùng phát làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân tăng lên với mức độ chóng mặt… Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém trong phát triển kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; nợ công, nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn... Ẩn sâu hơn nữa đó là mô hình phát triển kinh tế với hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng.
 
 Đoàn kiều bào thăm xưởng cắt may tự động của Công ty Đông Tài tại Hải Dương do ông Phạm Minh Nam (kiều bào Anh) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Những bài học, những cái giá phải trả cho những năm tháng qua đã đủ để chúng ta tự soi lại mình và lớn khôn. Nhìn gần, nhìn xa, người viết muốn chia sẻ một vài nét cùng bạn đọc.

Nhìn người bên cạnh ta là Đài Loan. Trong những năm 60 của thế kỷ 20, xuất phát điểm của Đài Loan cũng là một nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, dân trí lại thấp, thiên tai nhiều... Để có thể đạt được mong ước đưa nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ cao và công nghệ điện tử bán dẫn, bên cạnh việc đổi mới tư duy, Đài Loan đã tập trung tạo đột phá thành công trong giáo dục-đào tạo để mỗi người dân hiểu và tiếp cận được những gì họ phải học và phải làm. Điều đó dẫn đến họ làm chủ được những gì họ muốn làm. Và hiện nay Đài Loan trở nên giầu có, thịnh vượng và có ảnh hưởng lớn trong nền công nghệ và sản xuất các sản phẩm bán dẫn. Chỉ cần họ ngưng sản xuất và cung cấp các thiết bị bán dẫn (chip điện tử) một thời gian ngắn thôi, cả thế giới công nghệ IT sẽ thế nào? Thật khó tưởng tượng bởi vì trên thế giới ngày nay mỗi người ít nhất cũng sử dụng một lần sản phẩm do Đài Loan sản xuất.

Xa hơn nữa với chúng ta là Canada, một đất nước rộng lớn với diện tích đất đai nhất nhì trên bản đồ thế giới. Dân số 32 triệu người, nằm cạnh một siêu cường thế giới là Hoa Kỳ. Trong quá khứ Canada từng phải đối mặt với không ít thách thức từ Hoa Kỳ, nhưng Canada đã vượt qua được những thách thức đó và ngày nay là một quốc gia phát triển-một thành viên của G7, kinh tế đứng hàng thứ 6, thu nhập bình quân 24.000 USD/năm. An sinh xã hội 7 năm liên tiếp đứng đầu thế giới. Để có được như ngày hôm nay, Chính phủ Canada định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước này là giáo dục và đào tạo chuyên về tiềm năng mà họ vốn có như thủy điện, viễn thông, nông nghiệp công nghệ cao (nhớ rằng sản lượng lúa mỳ của Canada cung cấp 30% cho thế giới).
 
 Công ty IQLink tại Hải Dương do ông Nguyễn Hoài Bắc là chủ đầu tư

Nhìn lại Việt Nam, sau 10 năm phát triển, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục, đầu tư dàn trải và chưa bền vững. Phải chăng chúng ta có quá nhiều thứ để làm, để phát triển dẫn đến những “mũi nhọn kinh tế” nhiều, khắp nơi mà nhiều nhà kinh tế ví von như hình hài của quả mít. Trên mặt bằng của 64 tỉnh, thành phố đâu đâu cũng thấy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nở rộ, thậm chí nhiều khu công nghiệp chiếm một vùng ruộng đất đắc địa rộng lớn. Điều này có phần xuất phát từ những yếu kém trong việc tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, nhưng cũng có nguyên nhân của việc chưa thoát hẳn khỏi tư duy của cơ chế xin-cho như một sự rơi rớt của tư tưởng thời còn bao cấp đã kéo chậm sự hội nhập và các chính sách mở của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Chính phủ.

Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, với những bài học được đúc kết và trải nghiệm bằng thực tế của 10 năm qua, đặt ra những đòi hỏi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã chỉ ra: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối. Những người đang sống, đang mang dòng máu Việt Nam phải phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước, với lịch sử, để chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng sóng dữ. Hào khí non sông, sinh khí của tiền nhân và bản lĩnh nghị lực đã được tô thắm bằng mồ hôi, nước mắt và những giọt máu của cha ông để giữ gìn và dựng xây đất nước này. Nhân dân ta, đất nước ta quyết không sợ hãi bất cứ trở lực nào từ quốc nội đến quốc ngoại. Chúng ta sẽ tìm ra một định hướng chiến lược thập toàn để xây dựng và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên