Hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang Ba Lan: “Sẽ không một ai bị bỏ rơi”
VOV.VN - Quan điểm của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan là tất cả những người sống ở Ukraine và sang lánh nạn sẽ không một ai bị bỏ rơi, sẽ được tổ chức trợ giúp đến mức có thể nhất.
Trước tình hình chiến sự tại Ukraine, đại sứ quán cũng như cộng đồng người Việt tại Ba Lan, Rumani, Slovakia, Belarus…đều đồng lòng và chung tay chuẩn bị nhiều phương án để trợ giúp người Việt tại Ukraine sang lánh nạn. Đặc biệt trong số đó, cộng đồng người Việt tại Ba Lan với số lượng đông đảo và hoạt động cộng đồng có tổ chức mạnh, đã có những hoạt động rất sớm và bài bản trợ giúp người Việt từ Ukraine sang Ba Lan lánh nạn, bao gồm cả thông báo sớm và cụ thể danh sách những số điện thoại hỗ trợ của Hội.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, con số ước tính đến tối 2/3, đã có khoảng 160 người Việt (quốc tịch Việt Nam) sang tới Ba Lan, chưa kể những người có quốc tịch Ukraine. Ông Tuấn cùng các thành viên hội đoàn vừa đón tiếp một đoàn người Việt từ biên giới Ukraine – Ba Lan.
PV: Thưa ông Trần Anh Tuấn, ông có thể cho cho biết những thông tin về tình hình hỗ trợ người Việt từ Ukraine về Ba Lan?
Ông Trần Anh Tuấn: Ngày đầu tiên xung đột Nga Ukraine chính thức nổ ra, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp gấp để tìm cách trợ giúp người Việt Nam mình. Chúng tôi cũng đoán được chắc chắn chiến sự nổ ra thì người Việt Nam ở Ukraine sẽ sang Ba Lan rất đông. Và chúng tôi đã ra thông báo ngay trong ngày đầu tiên có chiến sự.
Ngày hôm sau, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cũng đã tổ chức cuộc gặp chung với cộng đồng để tìm cách phối hợp giúp bà con ở Ukraine. Quan điểm của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan là tất cả những người sống ở Ukraine và sang lánh nạn sẽ không một ai bị bỏ rơi. Chúng tôi sẽ tổ chức trợ giúp đến mức có thể nhất.
Chúng tôi đã có kế hoạch vì biết rằng lượng người Việt Nam sang đây càng ngày càng đông, nhất là sau khi Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận mở hành lang nhân đạo để người tị nạn sang. Chúng tôi đã tổ chức những điểm tiếp nhận tạm thời. Tất cả bà con sang đây chúng tôi gửi đến tất cả những ngôi chùa, các trung tâm thương mại, một số trường học, những địa điểm lớn tiếp nhận để bà con tại đấy, sau đó sẽ gửi bà con về những gia đình hảo tâm hoặc những điểm khác. Chủ trương của chúng tôi là như vậy.
Thực tế dự định ban đầu chúng tôi có thể tiếp nhận được 80 đến 100 người, nhưng thực ra đến ngày hôm nay con số đã lên gần gấp đôi. Ngay tối 2/3 chúng tôi đã nhận được thông tin đề nghị trợ giúp đoàn Việt Nam sang Ba Lan 100 người một lúc. Vấn đề đấy cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Vì họ sang đây không biết tiếng, không có gì, từ biên giới về đến Warszawa 600 km đi cũng 6 -7 tiếng, phương tiện từ biên giới, tàu xe cùng khó khăn, với một lượng người đông như vậy không phải dễ dàng. Do đó, ngay từ ngày 2/3 chúng tôi đã triển khai thuê xe buýt to để có thể đưa bà con về Warszawa. Bà con làm xong thủ tục qua biên giới Ba Lan là chúng tôi đón về điểm tập kết và từ đấy chúng tôi phân ra.
PV: Như vậy là đông hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Với tình hình đông người sang như vậy, riêng Hội người Việt Nam tại Ba Lan, cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan không thể đủ sức tiếp nhận. Ngay ngày 2/3 này. chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chính quyền của địa phương để yêu cầu trợ giúp. Tất cả những cơ quan chính quyền địa phương ở Warszawa này đã sẵn lòng cùng phối hợp, cùng đồng lòng trợ giúp người tị nạn từ Ukraine nói chung cũng như người Việt Nam nói riêng sang Ba Lan. Hiện nay họ đã đồng ý trợ giúp cho chúng tôi chính thức được khoảng 30 người. Và chúng tôi cũng xin tiếp tục đề nghị họ hỗ trợ. Thực tế việc làm của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan phần nào cũng giảm bớt áp lực về người tị nạn cho chính quyền của nước sở tại. Vì nếu chúng tôi không đón tiếp thì theo Công ước LHQ về Người tị nạn, chính quyền địa phương cũng phải tìm cách đón tiếp.
Ngoài ra, hiện nay ở Ba Lan không chỉ Hội Người Việt nam mà còn rất nhiều các nhóm thiện nguyện khác. Một số bạn có lòng trắc ẩn đã thành lập những nhóm nhỏ lên biên giới hỗ trợ người Việt mình ở biên giới, hỗ trợ bước đầu như làm phiên dịch viên, hỗ trợ làm thủ tục vào Ba Lan, hỗ trợ mua vé tàu, và các phương tiện khác ban đầu, hướng dẫn người ta để về đến Warszawa. Và một nhóm khác cung cấp những vật dụng cần thiết: thức ăn, đồ uống, chăn màn... cho những người hiện nay vẫn đợi ở biên giới. Tôi nghĩ rằng trong lúc khó khăn này thấy tình cảm người Việt mình đúng là không có gì để nói hơn, rất tuyệt vời.
PV: Cách thức vận hành hỗ trợ của Hội lần này cụ thể như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi thành lập một Ban cứu trợ người Việt Nam từ Ukraine sang lánh nạn chiến tranh tại Ba Lan. Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có khả năng gì, có thế mạnh nào đều tập trung vào tham gia vào Ban. Sau đó chúng tôi phân ra từng nhóm một. Có nhóm mỗi khi nhận được thông tin người Việt mình đang ở biên giới chuẩn bị sang Ba Lan tị nạn, thì nhóm có trách nhiệm giúp đỡ về dịch thuật, những khó khăn từ biên giới, những hỗ trợ cần thiết để làm sao người ta mua vé tàu được, làm gì để lên được Warszawa. Sau đó lên Warszawa tập trung tại nhà ga nào, chúng tôi tổ chức nhóm đến đấy đưa người ta về điểm tiếp nhận chính thức. Tại điểm đó chúng tôi phân ra nhóm đưa người đến những nơi ở theo gia đình, theo nhóm.
Ngoài ra, chúng tôi dùng các Hội đồng hương, các Câu lạc bộ để đón tiếp hội viên của mình. Ví dụ Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh ở Ba Lan chẳng hạn, là hội rất lớn. Cũng rất nhiều bà con Nghệ An, Hà Tĩnh sang đây, thì chúng tôi nhờ Hội đồng hương Nghệ Tĩnh bố trí ăn ở, lo cơm nước...trước mắt như vậy. Chúng tôi phân ra từng công đoạn rõ ràng. Và hiện nay chúng tôi đang tập trung kêu gọi toàn thể cộng đồng về Việt Nam tại Ba Lan mỗi người một tay, người có sức người có tiền tất cả cùng giúp đỡ.
PV: Ông nói lập Ban hỗ trợ, nghĩa là hôm nay mới thành lập hay ngay từ đầu?
Ông Trần Anh Tuấn: Không, chúng tôi chủ trương ngay từ đầu. Ngày cuộc chiến nổ ra, chúng tôi đã dự đoán được là sẽ rất nhiều người sang, nếu không phân ra thì không thể nào đảm đương được. Mỗi nhóm mỗi người một công đoạn, sau đó nếu đông quá thì sẽ dùng các hội đồng hương, các câu lạc bộ. Ví dụ vừa rồi có một nhóm đầu tiên sang 12 người thuộc Hội thánh Tin lành Ukraine, sang đây có Hội thánh Tin lành ở Ba Lan đón tiếp và lo tất cả nơi ăn nơi ở, sau đó chúng tôi sẽ giúp đỡ về các vấn đề làm thủ tục pháp lý, người nào có nguyện vọng về Việt Nam chúng tôi đăng ký danh sách để gửi Đại sứ quán Việt Nam, người nào có nguyện vọng tị nạn ở Ba Lan thì được hướng dẫn thủ tục ở lại.
PV: Như ông nói là ở Ba Lan đang có nhiều nhóm thiện nguyện trợ giúp từ biên giới. Tôi cũng thấy có những nhóm bà con hoạt động rất mạnh trên mạng xã hội…
Ông Trần Anh Tuấn: Các nhóm thiện nguyện, chúng tôi rất ủng hộ và động viên người ta. Nghĩa là người nào có thế mạnh của người đấy, trợ giúp được gì thì trợ giúp. Thậm chí Hội người Việt Nam tại Ba Lan chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ từ những nhóm nhỏ như vậy, chúng tôi không thể làm hết việc được. Và những nhóm như vậy giúp được những vấn đề thực tiễn, trước mắt, phiên dịch, trợ giúp về thủ tục khai báo biên giới, mua vé tàu xe hoặc là một số trợ giúp về y tế vv... Còn vấn đề lo nơi ăn chốn ở, lo các bước sau này hầu như là phải kết hợp cùng Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Hầu như người nào có nhu cầu về ở lâu dài hoặc nhóm lớn thì họ cho số điện thoại để người đấy trực tiếp gọi điện cho Hội người Việt Nam cùng phối hợp. Tất cả đều tập trung vào một điểm chính là Hội người Việt Nam tại Ba Lan.
Thực tế cho thấy, phải có những nhóm như vậy trợ giúp được rất nhiều cho Hội về mọi mặt trợ giúp ban đầu, về thông tin. Ví dụ hôm nay có một nhóm 20 người chỗ anh Phan Châu Thành trợ giúp đã về đến Warszawa. Về gần đến Warszawa họ đã gọi cho chúng tôi đề nghị trợ giúp về ăn ở và các bước tiếp theo. Tôi thấy có một sự phối hợp rất cần thiết và có ích.
PV: Hội có dự trù kế hoạch tới đây như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Thực tế tùy thuộc vào cuộc chiến xảy ra đến mức độ nào. Những yêu cầu đặt ra của chính quyền nước sở tại đối với việc trợ giúp người Việt mình, việc họ đặt ra đầu tiên là mình dự định thuê điểm trợ giúp thì thời gian lâu dài không. Câu hỏi chúng tôi rất khó trả lời. Chúng tôi chỉ nói, trước mắt tạm giúp cho nhóm này trong vòng một tháng. Chứ bây giờ không nói được điều gì. Còn một nhóm muốn về Việt Nam, có danh sách thì chúng tôi đăng ký. Còn một nhóm cũng muốn đi các nước khác, có bạn bè ở các nước khác. Còn một nhóm nữa thì muốn ở lại tị nạn tại Ba Lan. Nghĩa là nhóm này đi thì nhóm khác đến.
PV: Xin cảm ơn ông./.