“Ngôi nhà” thân thuộc của kiều bào xa xứ
(VOV) - Nơi đó là Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan được thành lập năm 2006, tiền thân là Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, mặc dù là một tổ chức tự nguyện nhưng hoạt động của Hội luôn dựa trên những nguyên tắc đã được đề ra, có mục đích phù hợp với quyền lợi của chị em. Mỗi hội viên đều xác định tham gia bằng tình cảm và tấm lòng, phục vụ cộng đồng, chăm lo đời sống tinh thần của kiều bào ở xa Tổ quốc. Vì vậy, các hoạt động của Hội luôn phong phú, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt và người dân bản xứ.
Hoạt động của cộng đồng người Việt tại Ba Lan luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của bạn bè, người dân nước sở tại. |
Khó có thể kể hết những đóng góp của Hội trong việc chăm lo tinh thần cho cộng đồng người Việt tại Đông Âu trong hơn 10 năm qua. Nhưng với những người con đất Việt đã từng sống và làm việc tại đây chắc chắn không bao giờ quên những kỷ niệm, niềm xúc động khi nhận được lời thăm hỏi, động viên từ các thành viên của Hội khi ốm đau, hoạn nạn. Có những người không may qua đời lại không người thân thích, Hội đã đứng ra quyên góp để tổ chức tang lễ và hỏa táng đưa tro cốt về quê nhà.
Với hơn 100 hội viên, nhiều hoạt động thường xuyên của Hội đã trở nên quen thuộc và thành một sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt như hoạt động nhân ngày Quốc khánh 2/9, Giải phóng Thủ đô 10/10, Tết cổ truyền dân tộc, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Phụ nữ Việt Nam 20/10, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, những ngày văn hóa Việt Nam... Trong đó, Hội đã cố gắng tổ chức những chương trình sinh động, ý nghĩa với nhiều tiết mục phong phú và có sự chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm, theo dõi của người Việt và bạn bè Ba Lan. Qua những sự kiện đó, thành viên của Hội luôn nhận được những tình cảm của các cơ quan đại diện, các tổ chức cộng đồng, những người phụ nữ Ba Lan có cảm tình với Việt Nam. Vào dịp hè, Hội còn tổ chức lớp múa dành cho các cháu từ 6 đến 15 tuổi do một nữ nghệ sĩ múa chủ trì, thu hút được nhiều con em trong cộng đồng tham gia. Nhờ đó, trong các sự kiện của Hội luôn có nhiều tiết mục biểu diễn của các diễn viên nhí hết sức sôi động và đầy màu sắc. Nhằm đa dạng hoạt động và tăng cường kiến thức cho chị em người Việt, Hội đã tổ chức những buổi nói chuyện về sức khỏe của phụ nữ có sự tham gia của bác sỹ Ba Lan, khám sức khỏe cho chị em hay tổ chức tọa đàm về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ cũng kết hợp chặt chẽ với Hội Người Việt, đặc biệt với Đại sứ quán, đề nghị cảnh sát Ba Lan can thiệp trong một số vụ chồng bạo hành vợ, hoặc đề nghị công an Việt Nam xử lý các vụ lừa đảo, chiếm dụng tài sản của phụ nữ người Việt...
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan vui đón Tết Quý Tỵ |
Điều trăn trở của ban lãnh đạo Hội hiện nay là việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con em thế hệ thứ hai và thứ ba ở Ba Lan nói riêng và nước ngoài nói chung đang gặp nhiều khó khăn về chương trình, nội dung, tài liệu giảng dạy, thậm chí cả cơ sở vật chất, trường lớp. Do đó, mong muốn của bà con là được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, để nghiên cứu soạn thảo chương trình, tài liệu phù hợp. Thực tế, việc dạy tiếng Việt không đơn thuần là dạy cho thế hệ trẻ biết đọc, biết viết mà thông qua đó còn để các cháu hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của người Việt. Trong nhiều hoạt động của mình, Hội luôn cố gắng lồng ghép các tiết mục để qua đó giúp các cháu hiểu biết thêm nhiều về cội nguồn văn hóa dân tộc.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hoạt động của Hội luôn được đánh giá cao, đã thực sự trở thành địa chỉ gắn kết tình cảm của kiều bào ở xa Tổ quốc. Đến nay, Hội đã có tư cách pháp nhân khi được Nhà nước Ba Lan công nhận. Do những đóng góp xây dựng cộng đồng trong những năm qua, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã nhận được bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam./.