Tết xa xứ đầu tiên

Tết là ngày đoàn tụ, quây quần bên gia đình, bên những người thân. Nhớ lắm cái không khí Tết ở quê nhà!

Mỗi năm Xuân sang lòng tôi lại muốn được trở về bên mái ấm gia đình, được cùng gia đình ăn bữa cơm Tất niên. Có xa nhà mới hiểu hơn sự ấm cúng thiêng liêng của những điều giản dị ấy đến chừng nào. Tết là ngày đoàn tụ, quây quần bên gia đình, bên những người thân. Nhớ lắm cái không khí Tết ở quê nhà!

Tết với bánh chưng xanh, cành đảo đỏ nơi xứ tuyết

Nhớ cái cảm giác se lạnh của mùa Đông miền Bắc, nhớ cảnh chợ búa ngày giáp Tết với đào và hoa. Nhớ dáng mẹ gầy tất bật cho những ngày Tết, nhớ cảnh xóm làng rộn ràng tổng vệ sinh, hò nhau ra đình kéo cờ. Có lẽ dù ở phương trời nào thì tôi cũng không thể quên được những ngày ấy. Nhớ những điều rất đơn giản và giản dị nhất. Nhớ mùi hương thoang thoảng khắp xóm làng, nhớ cảnh người dẫn nhau đi chúc Tết. Vui nhất là đêm Giao thừa, tất cả thanh niên trong làng tụ tập ngoài đền chờ đón Giao thừa để lấy lửa cho ba ngày Tết, rồi rủ nhau đến các nhà chúc Tết. Cả đêm đầu năm ấy chúng tôi không ngủ. Đó là ngày đầu năm vui vẻ nhất. Tết được ở bên gia đình, bên bè bạn đó là điều thật hạnh phúc!

Tôi sang Nga bắt đầu những cái Tết xa nhà đầu tiên, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, nhớ nhà nhiều nhất là những ngày trước Tết. Đó cũng là những ngày chúng tôi vào internet nhiều nhất, lang thang trên những trang web chờ đọc tin tức ở nhà, đâu đâu cũng thấy đào và hoa. Những trang tin điện tử cũng không làm nguôi đi nỗi nhớ nhà. Bạn bè hò hẹn nhau chờ ngày về quê ăn Tết, lòng tôi lại rạo rực bồi hồi. Dù vẫn biết là không thể nhưng sao chúng tôi vẫn mong đến thế? Mong được về bên gia đình với người thân, bạn bè. Được cùng lũ bạn hào hứng chen chúc nhau ra bến xe trở về quê, được cùng với các em đi chợ sắm Tết.

Giao thừa mọi người cùng hướng về cội nguồn

Một điều thật may mắn, chúng tôi - 29 sinh viên đầu tiên của ngành Năng lượng hạt nhân, những người chủ tương lai của Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận - được ở cùng ký túc xá tại thành phố nhỏ Obninsk, tỉnh Kaluga, cách Moscow 100 km. Đây là thành phố khoa học đầu tiên của Nga, thành phố của những nhà khoa học và những công trình khoa học vĩ đại về năng lượng điện hạt nhân. Nơi đây cũng có cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống. Trước khi chúng tôi đến, vẻn vẹn có 15 gia đình Việt. Nhưng chỉ trong chưa đầy 3 năm, thành phố đã đón chào gần 200 sinh viên Việt Nam. Người Việt ở Obninsk là một cộng đồng vững mạnh, luôn bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc. Những ngày Tết là những ngày mọi người kề cận bên nhau đón chung một cái Tết Việt đậm đà bản sắc dân tộc cùng những người thầy, người bạn Nga.

“Nhờ có Tết khoảng cách giữa thầy trò chúng tôi như được xóa nhòa”

Tết đầu tiên thật đáng nhớ, tất cả đều còn bỡ ngỡ, 29 con người ấy lần đầu tiên được đặt chân tới một vùng đất hoàn toàn mới, với cái Tết đầu tiên cũng nhiều điều bất ngờ. Là những sinh viên nước ngoài đầu tiên tại thành phố, chúng tôi được nhà trường tổ chức “Bữa cơm tất niên” cùng với các món ăn Việt mà nhà trường đã thuê hẳn một đầu bếp từ Moscow về chuẩn bị cho chúng tôi. Chúng tôi quây quần tại tầng năm của tòa nhà với những hương vị của quê hương: bánh chưng xanh, nem, giò lụa... Đặc biệt có cả câu đối đỏ đã được thầy Hiệu trưởng của chúng tôi tự tay làm. Bữa cơm tất niên tuy giản dị nhưng đầy phong vị quê hương trong vòng tay bạn bè Nga đã giúp chúng tôi vơi đi rất nhiều nỗi nhớ nhà. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng hậu và sự quan tâm chân thành của bạn bè Nga, của nhà trường, đặc biệt là của thầy Hiệu trưởng đối với những sinh viên xa nhà chúng tôi. Chúng tôi tự nhủ mình sẽ phải cố gắng thật nhiều để học thành tài, không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, của Tổ quốc, sau này trở về xây dựng quê hương và tiếp tục đóng góp xứng đáng cho tình hữu nghị Việt – Nga./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên