Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp trong nước hợp tác cùng với doanh nghiệp của kiều bào ở nước ngoài đưa hàng Việt xuất khẩu thường hướng tới những dự án ăn xổi. Doanh nghiệp nội rất ngại "hao công tốn sức” vào dự án cần đầu tư chất lượng dài lâu.
Yếu thế vì thiếu tự tin
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNVVN) diễn giải thực trạng đáng buồn, các dự án đưa hàng Việt qua kênh kiều bào thường là dự án nhỏ, ăn xổi. Trong cộng đồng DNVVN thường không có dự án hàng hóa nào quy mô. Kể cả việc doanh nghiệp (DN) kiều bào hợp tác với ngành hàng để đưa hàng xuất khẩu cũng không có nhiều đột phá.
Hạn chế được chỉ ra do doanh nghiệp nội yếu và thiếu thông tin, yếu và thiếu đầu tư. Các DN nội địa khi làm hàng để xuất khẩu không tin rằng sản phẩm của mình làm ra cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Ông Nam dẫn chứng, "tôi đi khảo sát các doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp nói rằng, với sức mạnh công nghệ mà họ có thì sản phẩm khó có thể đứng vững trên thị trường nước ngoài. Do vậy, họ giữ tâm lý "ngại ngùng” khi hợp tác dài lâu với doanh nghiệp kiều bào để đưa hàng ra nước ngoài.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp các doanh nhân tiêu biểu Chương trình
Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II (tháng 8-2013)
|
Ngay cả như những doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động có nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông sản, dệt may cũng không tính đến "se duyên bền vững” với doanh nghiệp kiều bào để quảng bá hàng Việt. Tâm lý tự ti đã làm giảm đi sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, kìm đà lan tỏa của hàng Việt tại nước ngoài, mặc dù chất lượng hàng hóa có thể không thua kém gì hàng ngoại.
Việt Nam đang có nguồn lực to lớn là 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong số này hàng ngàn người là doanh nhân sở hữu các doanh nghiệp do chính mình làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo. Thế nhưng các doanh nghiệp nội vẫn chưa biết kết nối, khai thác mạnh những lợi thế đó để đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Cái yếu của DN nội là họ chưa nắm được rõ tại thị trường nước A, người tiêu dùng cần những mặt hàng nào, chất lượng tiêu chuẩn mặt hàng ra sao, thiết kế mẫu mã như thế nào thì phù hợp, đặc biệt là luật pháp nước sở tại A ra sao để doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa vào đó.
Trong khi những yếu tố căn cốt đối với thành bại kinh doanh trên rất khó đối với doanh nghiệp nội địa thì các kiều bào, đặc biệt là doanh nhân kiều bào nắm rất chi tiết. Họ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thủ tục thuế quan, hải quan để đưa hàng Việt đặt chân trên đất Mỹ, trên đất Châu Âu, hay Canada.
Ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nêu quan điểm, Hiệp hội sẵn sàng bảo lãnh giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng như cung cấp thông tin để cho doanh nghiệp nội địa tự giới thiệu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. 300 hội viên doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài với mạng lưới rộng khắp chắc chắn sẽ làm tốt công tác kết nối này.
Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã từng hợp tác thông tin để đưa vải thiều Bắc Giang ra nước ngoài. Hay đưa công nghệ sấy khô quả vải, làm nước dứa ép về để doanh nghiệp nội áp dụng, từ đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu là những dẫn chứng cụ thể – ông Dĩnh nhấn mạnh.
Tại Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II vừa diễn ra tại Lâm Đồng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế ngày càng sâu rộng, mang đến nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều cạnh tranh, việc đoàn kết, liên kết lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt ở trong và ngoài nước là một đòi hỏi cấp thiết. Đến nay, tại hầu hết các địa bàn đều có Hội Doanh nghiệp của người Việt. Ở nhiều nước, cộng đồng người Việt đã góp phần quan trọng đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, nhiều tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành, nghề. Nhiều Hội doanh nhân người Việt đã liên kết, tổ chức tốt các hoạt động, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp và tạo uy tín ở nước sở tại, tạo thế và lực cho cộng đồng người Việt, do vậy tập hợp được cộng đồng, góp phần làm cầu nối xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các nước.
Bởi vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mong muốn tại Hội thảo này, cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước cùng thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nhân Việt Nam trong và nước ngoài có một môi trường pháp lý đồng bộ, đem lại lợi ích và hiệu quả, thiết thực trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam./.