Ký ức người xa xứ

Lần đầu tiên, đoàn 30 kiều bào thuộc 3 thế hệ ở 14 quốc gia đã trở về thăm Côn Đảo và dự Đại lễ Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đây là một trong nhiều hoạt động của ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm gắn kết Việt kiều với cộng đồng và hướng về quê hương.

Ký ức ngày giải phóng

Ký ức về đại thắng mùa xuân năm 1975 luôn khắc ghi trong lòng những người dân đất Việt, đặc biệt là những người xa xứ. Ông Nguyễn Quốc Trường, người Việt ở Cộng hòa Czech, nghẹn ngào kể lại: “Chúng tôi theo dõi qua làn sóng điện của Đài TNVN từng ngày, từng giờ và cuối cùng là tin chiến thắng của ngày 30/4. Lúc ấy, khi nghe tin chiến thắng, chúng tôi không nói nổi thành lời và ôm chầm lấy nhau mà khóc, thực sự trong lòng tôi mỗi khi nhớ lại vẫn rất nghẹn ngào”.

Ông Nguyễn Hữu Nhiệm ở Slovakia nhớ lại một kỷ niệm khó quên. Ngày giải phóng miền Nam cũng là ngày ông và nhiều đồng đội khác đang phải nằm điều trị tại một bệnh viện của nước ngoài. Khi nghe tin chiến thắng, tất cả mọi người ôm nhau khóc, có bộ quần áo nào đẹp nhất là mang ra mặc, gào khản cả cổ suốt mấy ngày liền. “Là những người con ở xa Tổ quốc, đối với chúng tôi lúc bấy giờ cảm thấy rất thiêng liêng. Chúng tôi, trong đó có anh Lương Văn Giao là thương binh nặng nhưng vẫn cố đứng lên chào cờ và reo hò mừng chiến thắng” - ông Nhiệm nói. Sau 34 năm, khi trở lại Côn Đảo, ông đã bật khóc, phần vì nhớ lại ngày xưa, phần vì thấy được sự đổi thay của Côn Đảo.

Kiều bào hát trước mộ anh hùng Võ Thị Sáu.

Với ông Đoàn Văn Cát, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật, kiêm Phó chủ tịch vùng Ostrava và Bắc Morava Cộng hòa Crech, ngày 30/4/1975 là ngày thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi người lính, nó đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Trong niềm xúc động, ông Cát nói: “Chúng tôi rất tự hào vì giờ đây khi nhắc đến Việt Nam, người ta đều nhắc đến “Việt Nam anh hùng”. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi trong học tập, công tác ở nước ngoài, nhưng lúc nào cũng mang trong tâm tư mình hình bóng của quê nhà”.

Trở về để được tri ân

Ý nghĩa khi trở về nguồn lần này của kiều bào thật sâu sắc, bởi địa điểm được lựa chọn là Côn đảo. Côn Đảo là địa danh nổi tiếng trên thế giới, nổi tiếng không chỉ vì vẻ đẹp mà nó còn được biết tới là một “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm kể từ thời kỳ thực dân Pháp xâm lược. Với mỗi người Việt xa xứ, chuyến trở về nguồn lần này là chuyến đi mang đầy tình cảm quê hương, nhưng cũng là trách nhiệm của những người sống xa quê hương, đất nước, hướng về nguồn cội, dân tộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, Việt kiều ở Pháp, người vinh dự được đại diện cho đoàn kiều bào đọc bài phát biểu tại Đại lễ cầu siêu. Ông xúc động nói: “Trước tiên phải nói tới sự biết ơn rất lớn đối với Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là sự biết ơn to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chúng ta có được ngày hôm nay. Đại diện cho hơn 30 kiều bào về từ 14 quốc gia và cũng là đại diện cho hơn 3,5 triệu kiều bào sống trên khắp thế giới luôn luôn khắc ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ và nguyện luôn hướng về Tổ quốc và làm cho đất nước có cuộc sống ấm no, thanh bình. Với cá nhân tôi, sau khi về đến đây, tôi thật ngỡ ngàng trước phong cảnh đẹp, nơi có một dư âm vang vọng sâu thẳm của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này, tất cả đã cho tôi những rung cảm sâu sắc và chắc chắn sẽ thôi thúc tôi sáng tác một tác phẩm về một Côn Đảo huyền thoại”.

Ông Nguyễn An Ninh, kiều bào ở Ba Lan, không khỏi ngỡ ngàng khi nhớ lại 33 năm về trước. Năm 1976, ông đã tới Côn Đảo trong một chuyến công tác. Với ông lúc ấy, Côn Đảo thật gian khó, còn ngày nay Côn Đảo như một thiên đường. Ông đã rất xúc động khi nhận thấy nghĩa trang Hàng Dương được tu sửa chu đáo, trang trọng và sự  thay đổi nhanh chóng của Côn Đảo. “Tôi tin rằng kiều bào Việt Nam ở Ba Lan biết được điều đó cũng rất vui mừng” - ông Ninh nói.

Là thế hệ thứ 3 người Việt Nam sống ở nước ngoài, anh Trần Thiện Phú Sĩ ở Campuchia bộc bạch: “Sau bao nhiêu năm sống ở nước ngoài, nay được về thăm quê hương, được đến Côn Đảo, tôi thật sự xúc động. Đây là cơ hội hiếm có để tôi được tận mắt chứng kiến về một Côn Đảo huyền thoại mà trước kia chỉ nghe qua sách vở và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi nghĩ, qua chuyến về nguồn này, mình sẽ có nhiều điều thú vị để kể lại cho người thân, bạn bè”.

Ông Nguyễn Hữu Nhiệm, Việt kiều Slovakia cho biết: “Tâm nguyện của người Việt ở Slovakia nói riêng và người Việt trên khắp thế giới là phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Mặc dù ở nước ngoài nhưng bản sắc văn hóa của dân tộc vẫn phải gìn giữ và phát huy ở nước sở tại. Chúng tôi luôn có các cuộc vận động hướng về quê hương như quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, các đợt lũ lụt hay các cuộc vận động vì người nghèo…”.

Đất nước đang từng ngày đổi mới, hội nhập và phát triển nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử sẽ mãi khắc ghi trong lòng mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng./.    
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên