Ký ức về Bác với người Việt xa xứ

Những ký ức về Bác Hồ vĩ đại luôn là niềm tự hào và động lực vô giá với các thế hệ con cháu người Việt, trong đó có kiều bào sống xa Tổ Quốc.  

Nhiều gia đình Việt Kiều cho đến giờ vẫn cố gắng gìn giữ những kỷ vật về quê nhà, về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và truyền lại cho con cháu. Kỷ vật đôi lúc có thể đơn giản chỉ là một tờ báo. Nhưng hàng chục năm lưu lạc mà vẫn nâng niu gìn giữ được một tờ báo viết về Bác từ năm 1975 – ngay sau ngày đất nước thống nhất- để bây giờ trao lại cho con cháu, lại là một câu chuyện rất đáng được nói tới.

PV VOV thường trú tại Pháp đã có may mắn gặp gỡ và trò chuyện với gia đình bác Nguyễn Lan Phương- người đã giữ tờ báo Nhân dân có bài viết «Thời thanh niên của Bác Hồ» từ 36 năm qua.

Bác Nguyễn Lan Phương

Thật bất ngờ và xúc động khi trong một cuộc trò chuyện, anh Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp - lật dở trong cặp làm việc lấy ra tờ báo Nhân dân ngày 02/ 06 /1975 mà mẹ anh mới trao lại. Tờ báo có bài «Thời thanh niên của Bác Hồ» do cố nhà báo Hồng Hà viết, ghi lại những ngày tháng Bác tới nước Pháp tìm đường cứu nước.

Trên tờ báo có nét bút gạch chân dưới cái tên Nguyễn Duyên (hay còn gọi là Tư Duyên)- chính là ông ngoại của anh Nam, một thợ ảnh người Việt tại Pháp từng nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những ký ức được ông bà cha mẹ kể lại tràn về đầy ắp và thật tự nhiên giữa anh với chúng tôi – đều là những người con đất Việt thế hệ sinh ra sau chiến tranh, những ký ức dù không đầy đủ và chi tiết vì đã qua nhiều thế hệ.

Tìm tới nhà anh Nam, chúng tôi được nghe mẹ anh- bác Nguyễn Lan Phương kể lại chuyện bà gìn giữ tờ báo và nay trao lại cho con trai- một nhân vật có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Câu chuyện được bác kể lại rất mộc mạc vì ký ức đã từ hàng chục năm, lúc nhớ lúc quên. Và cũng vì đó là niềm tự hào riêng của gia đình nhiều năm qua mà bác chưa thổ lộ với ai.

 «Lúc đó tôi đang ở Sài gòn, có được tờ báo và giữ làm kỷ niệm, tình cờ tự nhiên đọc hay xem báo Nhân dân, giữ luôn đến giờ, mới chuyển cho con trai. Vì cụ sinh ra các chị em thường cụ hay nhắc nói chuyện đến Bác Hồ, mọi người cũng để ý; nghe thấy rất phấn khởi và giữ đấy»- Bác Nguyễn Lan Phương chia sẻ.

Bác Nguyễn Lan Phương kể, thân sinh của bác là cụ Tư Duyên, khi đó là một thợ ảnh trong nhóm người Việt Nam tham gia phong trào yêu nước đã nhiều lần được gặp Bác Hồ khi Người tham gia hoạt động cách mạng tại Pháp những năm 1917 - 1923 sau khi trở về từ Mỹ, Anh. Nhà cụ Tư Duyên vừa là nơi làm ảnh, vừa là chỗ ăn ở của những người bạn Việt Nam tham gia phong trào ái quốc, trong đó có chí sỹ Phan Chu Trinh. Cụ cũng thường mời Bác Hồ cùng với ông Phan Văn Trường đến nhà chia sẻ kinh nghiệm làm ảnh và nghệ thuật chụp ảnh cũng như tâm sự nỗi nhớ quê hương.

Theo lời kể của cụ Tư Duyên được gia đình thuật lại, sau những lần gặp Bác Hồ, ông đã bị thu hút bởi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc sâu đậm của của người thanh niên tuổi rất trẻ nhưng có tư tưởng và hoài bão lớn lao. Còn Bác Hồ thì quý sự cần cù, bản tính ít nói, tình cảm thân thiện của người bạn Tư Duyên với tâm sự : "Tôi chỉ biết rửa ảnh và chụp ảnh thôi, nhưng sẽ tích cực giúp đỡ những người hoạt động cách mạng như anh, ông Trinh và ông Trường".

Bác Lan Phương nhớ lại : «Gia đình có tới 11 chị em, tôi là cả, lúc đó khoảng 17-18 tuổi; tất cả nghe bố nói chuyện, các em cũng nhớ hết. Bao nhiêu lần, cụ nhớ kỷ niệm cụ ngồi cụ nói. Lúc cụ sang Pháp là 17 tuổi. Cụ bảo cụ ở Paris, cụ sang học tiếng và nghề ảnh. Cụ có căn nhà nhỏ, ở cùng cụ Phan Chu Trinh, có gặp bác Phan Vân Trường và Bác Hồ. Cụ kể Bác Hồ rất thân thiện, rất quý. Cụ bảo là thích làm ảnh, bằng không thì theo chính trị nhưng không có khiếu».

Thuộc thế hệ con cháu sinh sau chiến tranh, anh Nguyễn Hải Nam luôn trân trọng và tâm niệm phải gìn giữ những ký ức đã nuôi dưỡng và tạo động lực cho anh từ khi còn nhỏ : «Những kỷ niệm đó mẹ đã nói khi đó mình chỉ ghi nhận lúc trước không chú ý mấy nhưng ký ức lúc nào cũng tiềm ẩn trong thâm tâm, có sự kiện nào về Bác Hồ tôi lại nhớ đến. Trong xây dựng cộng đồng, tôi cũng thấy Bác Hồ luôn là động lực thúc đẩy cho người Việt ở xa quê hương.

Tôi đã đi xa Việt Nam hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy rời xa Việt Nam. Mỗi khi có các sự kiện diễn ra, mình lại nhớ nguồn gốc gia đình tự hào từng có mối liên hệ với Bác. Một tờ báo nho nhỏ, mình muốn giữ lại. Mình cũng muốn đi xa hơn, mẹ có nói là có vài cuốn sách, ảnh. Gia đình sẽ cố gắng tìm lại những kỷ vật, mình cố gắng tìm lại; ngoài sự kiện lịch sử; đó còn là nguồn gốc của chính mình».

Anh Nam cũng cho biết, mới đây bất ngờ có một người bạn Pháp bày tỏ với anh nguyện vọng nghiên cứu về Bác Hồ và thời gian Người hoạt động ở Pháp. Anh sẽ cố gắng tìm lại và cung cấp cho người bạn đó những gì gia đình có được để phục vụ cho việc gìn giữ những ký ức về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc- Người vẫn luôn là nguồn động viên và đoàn kết những người con Việt Nam đang sống xa Tổ Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên