Lễ Vu Lan của cộng đồng người Việt tại Hungary

Rạng sáng 27/8 theo giờ Việt Nam, tại Thành phố Budabest - Hungary diễn ra đại lễ Vu Lan báo hiếu 2011.  

Đến dự có bà Trần Thị Ngọc Liễu, Tham tán công sứ - Đại sứ Quan Việt Nam tại Hungary; Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TWGHPGVN, cùng Đoàn Hoằng Pháp TWGHPGVN, Đại đức Thích Trí Chơn, Ủy viên Hội đồng trị sự TWGHPGVN, Cố vấn phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Czech và Ba Lan, trụ trì chùa Giác đạo tại Thành phố Cheb (Czech) cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức của người Việt Nam tại nước bạn.

Đây là lần thứ 2 Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu. Buổi lễ thu hút hàng trăm phật tử không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả những người theo đạo Phật ở nước sở tại tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Ngọc Liễu nhấn mạnh: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một Việt Nam thu nhỏ. Danh dự và uy tín của chúng ta sẻ được thể hiện qua cuộc sống, sinh hoạt, qua tất cả hoạt động thể hiện tình yêu thương đoàn kết lẫn nhau trong cộng đồng. Mong rằng bà con tiếp tục phát huy tinh thần này”.

Cộng đồng người Việt ở Hungary có khoảng trên 3.500 người. Bà con chủ yêu theo đạo Phật, chăm chỉ làm ăn, sinh sống đoàn kết và được nước sở tại đánh giá cao.

Ông Nguyễn Kim Anh, Việt kiều tại Hungary cho biết: “Cả nhà tôi đến đây dự Lễ Vu Lan báo hiếu và đóng góp công đức. Đạo hiếu và thờ bố mẹ khiến những thế hệ làm ông bà như chúng tôi rất cảm động”.

Bà Trần Thị Thanh Sơn, cũng sống tại Hungary chia sẻ: “Bà con rất mong muốn có ngôi chùa và có Thầy trụ trì để giúp bà con tu tập. Bởi vì Phật giáo Việt Nam có cái riêng biệt và khác Phật giáo Hungary. Chúng tôi muốn Phật giáo Việt Nam sẽ được phát triển để giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam”.

Hiện Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary cũng đang đàm phán với các nhà chức trách quận 18, Thủ đô Budapest (Hungary) để mua lại khu đất 10.000m2 để xây dựng một trung tâm văn hóa người Việt, trong đó sẽ xây ngôi chùa.

Nơi đó, bà con đến sinh hoạt tâm linh và hướng về nguồn cội với những hoạt động mang đạm bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam mà bấy lâu bà con luôn bảo tồn và lưu giữ ở một nơi xa Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên