Mái ấm tình thương nơi cửa thiền

(VOV) - Chùa Huống thuộc xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là nơi tiếp nhận nhiều mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Cách đây hơn 3 năm, sư thầy Thích Chúc Tiếp tới trụ trì ở chùa Huống thuộc xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ đó đến nay, chùa Huống đã trở thành gia đình, nơi nương tựa của những em nhỏ lang thang, có hoàn cảnh khó khăn. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng sự chăm sóc của thầy Tiếp đã giúp các em nhỏ cảm nhận sự quan tâm, tình thương gia đình. Đây là một hành động cao đẹp của  người tu hành đối với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Qua cây cầu treo rồi theo con đường bê tông nhỏ chạy dọc sông Cầu xanh mát, chúng tôi đến chùa Huống, tọa lạc trên ngọn đồi cao thuộc xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
 

Thầy Thích Chúc Tiếp - trụ trì chùa Huống cùng lãnh đạo xã Huống Thượng trao quà Tết cho những người nghèo trên địa bàn xã

Sư thầy Thích Chúc Tiếp trụ trì chùa Huống chia sẻ: Trước khi về chùa, thầy là giảng viên của trường Trung cấp Phật học tỉnh Ninh Thuận. Năm 2010, nhận lời mời của Hội đồng trị sự phật giáo tỉnh Thái Nguyên, thầy thấy đây thực sự như là một nhân duyên nên quyết định về Thái Nguyên trụ trì tại chùa.

Với tấm lòng nhân hậu, cùng mong muốn có thể giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh được học hành và có cuộc sống no ấm, thầy Tiếp đã thu nhận 15 em nhỏ về nuôi dưỡng, trong đó có những em còn rất nhỏ.

“Ở nhà nuôi một đứa trẻ đã khó, trong khi chùa nuôi nhiều em, mỗi em ở một vùng miền với văn hóa khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc các em còn vật vả gấp bội phần. Chính vì vậy, tôi dùng phương pháp động viên, gần gũi với các em. Nhiều lúc, các em cũng có tâm lý chán nản nên tôi đến chia sẻ, xem các em cần, mong ước gì. Khi gần gũi, tôi kịp thời động viên các em, để các em có niềm vui và gắn bó với chùa”.

Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ đang nô đùa trước cổng chùa thì chẳng ai nghĩ rằng, đằng sau những nụ cười đó là những mảnh đời bất hạnh. Mỗi em có một cảnh ngộ khác nhau, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em cha mẹ còn nhưng gia cảnh quá nghèo, không hạnh phúc hoặc cha mẹ tù tội...

Ở Chùa, các em được sống trong một gia đình thực sự với tình thương của thầy Tiếp và các bạn cùng cảnh ngộ. Tới ở chùa được hơn 2 năm, em Trần Hải Long cho biết, mặc dù còn cả cha và mẹ nhưng gia đình nghèo, không có điều kiện cho em đi học. Khi em lên chùa,  thấy cảnh chùa thanh tịnh, hỏi xin thầy ở lại, được thầy Tiếp đồng ý. Từ bữa ăn giấc ngủ, đến việc học hành, thầy Tiếp đều chăm sóc các em chu đáo, tận tình.

Em Trần Hải Long kể: “Thầy Tiếp lo lắng cho chúng em đủ mọi thứ. Em cảm nhận trong lòng thầy muốn chăm sóc chúng em nhiều hơn. Những gì chúng em thiếu, thầy đều mua sắm để giúp chúng em vui trong sinh hoạt hàng ngày. Thỉnh thoảng, thầy cho chúng em đi chơi. Mùa Đông, thầy mua áo ấm, chăn gối cho bọn em. Thầy luôn an ủi, động viên chúng em. Với bàn tay chăm sóc, mỗi câu nói của thầy làm em cảm thấy vui và yên tâm hơn”.

Là một phật tử sống gần chùa, hàng ngày chứng kiến những hành động cao đẹp của sư thầy Thích Chúc Tiếp, ông Dương Văn Minh cho biết: “Tất cả người dân ở đây đều hưởng ứng hành động này của thầy, trẻ sa cơ lỡ vận, hoàn cảnh éo le đến trình bày là thầy nhận tất. Đến thời điểm này, chùa đã tiếp nhận hơn chục cháu. Ở đây, thầy Tiếp chăm nom từng miếng ăn giấc ngủ cho các cháu như một người cha,. Người dân ở đây đều rất yêu mến thầy”.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng có lẽ, niềm an ủi lớn nhất đối với thầy Tiếp chính là những em đang sống ở chùa được vui vẻ, học hành giỏi giang. Thầy mong muốn cơ sở vật chất ở chùa tốt hơn nữa để có thể cưu mang, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho những mảnh đời khó khăn, vất vả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên