Một kỷ vật thú vị của người Việt ở Đức năm 1984

Triển lãm ở Bremerhaven về thời hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đông Đức sau khi kêu gọi giúp đỡ đã tìm được một chiếc quần bò cũ do chính tay những công nhân Việt Nam may vào năm 1984.

Mới đây, Trung tâm dành cho những người di cư tại thành phố Bremerhaven đã kêu gọi người dân giúp họ tìm kiếm một chiếc quần bò may nhái các hãng hiệu phương tây của công nhân Việt Nam lao động tại Đông Đức trước đây. Vào thời đó, những chiếc quần nhái này được bán rộng rãi trên thị trường.

Một gia đình ở Sallmannshausen đã tìm thấy chiếc quần bò như thế trong tủ quần áo của mình.

Solveg Sharr đã mua chiếc quần bò do công nhân Việt Nam may này bằng nửa tháng lương của mình năm 1984, ảnh: zgt.de.
Tim được một kỷ vật như vậy 20 năm sau khi nước Đức thống nhất quả là một điều không hề đơn giản. Bởi, chẳng có lý do gì để người ta giữ lại thứ rẻ tiền cũ kỹ trong khi người ta có thể mua đồ mới hơn, đẹp hơn. Hơn nữa, ít ai lại cất giữ một chiếc quần đến 25 năm. Nghe thật là kỳ lạ, nhưng nó đã được tìm ra.

“Hôm nay tôi vừa đọc được bài báo tìm kiếm quần bò. Chúng tôi còn giữ một chiếc quần bò như vậy. Chồng tôi để nó trong tủ quần áo suốt bao nhiêu năm nay”, bà Scharr ở Sallmannshausen viết trong email.

Bà Scharr cho biết, ngày ấy vợ chồng bà làm việc trong một nhà máy ở Eisenach. “Hàng ngày, sau giờ làm việc, chúng tôi đi tàu về nhà. Trên chuyến tàu đó thường xuyên có một nhóm người trẻ tuổi đi cùng. Trong nhóm đó có một người đàn ông có quan hệ rất tốt với người Việt Nam chuyên may và buôn bán quần bò khá quy mô ở Eisenach”, bà kể. Vào khoảng giữa năm 80, khi ở Đức rộ lên mốt quần bò hiệu, người đàn ông này đã mang những chiếc quần bò của người Việt Nam đi bán. “Một lần trên tàu, trong phòng chúng tôi ngồi không có ai, vậy là vợ chồng tôi đã quyết định thử quần bò ngay trong khoang của mình” -bà Scharr nhớ lại. Khi đó, giá một chiếc quần bằng nửa tháng lương của một kế toán kỹ thuật.

Công nhân Việt Nam may rất giỏi, ảnh: Bundesarchiv.
“Tiếc là ngày ấy tôi chỉ có thể mua một chiếc”, bà nói. Lương của bà, một kế toán kỹ thuật lúc đó mỗi tháng được  400 Mark. Trong khi đó người đàn ông kia bán cho bà chiếc quần bò Montana với giá 260 Mark. Bà đã không tin rằng số tiền lớn này sẽ đến được tay những người công nhân Việt Nam.

"Chất liệu vải rất tốt, may với dáng kinh điển, những đường chỉ và cả khóa vẫn giữ nguyên được đến bây giờ,“ bà Scharr đánh giá về chiếc quần trị giá nửa tháng lương của mình ngày ấy và có ý sẵn sàng tặng lại cho triển lãm”.

Theo chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Đông Đức, thập niên 80 có khoảng 70.000 người Việt Nam đã sang Đông Đức cũ lao động. Nhiều công nhân Việt thời đó đã tranh thủ kiếm tiền bằng nghề may, nhất là khi ở Đức rộ lên mốt quần bò hiệu như Levis hay Wrangler-Schnitt.

Người Việt ở Đông Đức vào thập niên 80, ảnh: Bundesarchiv
Nhiều khu nhà trọ của công nhân Việt Nam ngày đó không khác gì một cơ sở sản xuất. Để cạnh tranh được với những chiếc quần bò “xịn“ trong các cửa hàng của người Đức bán, thợ may Việt Nam cũng phải có được chất vải bò thật và tốt. Họ cũng tạo thành dây chuyền sản xuất khá khoa học. Một số người chịu trách nhiệm tìm kiếm vải và các phụ tùng phục vụ cho việc may quần bò như đinh, cúc và các loại mác. Còn những người biết may vá sẽ cho ra đời những chiếc quần bò. “Trong mỗi phòng trọ có ít nhất là một cái máy khâu và những chiếc quần bò nhái đã ra đời tại đây,“ một người gửi email đến chia sẻ./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên