“Một mình trên đường”- một phần của lịch sử dân tộc
Cuốn “Một mình trên đường" của nữ kiến trúc sư lưu lạc Lệ Tân Sitek tuy là câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân, nhưng dường như đã góp phần vào bức tranh lịch sử của dân tộc thời kỳ chống Pháp
Cảnh cả làng náo nức đón bộ đội về hay các cuộc đấu tố địa chủ làng Phố Đông, Nghệ An đã được bà mô tả chân thực và sinh động như nó mới xảy ra ngày hôm qua.
Đặc biệt, cô bé An (chính là tác giả) tuy thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, nhưng lại nhận được sự yêu thương đùm bọc vô cùng cảm động của bà nội và những người bà con.
“Đây sẽ là câu chuyện lịch sử vô cùng giá trị và hấp dẫn. Nó giúp cho thế hệ tôi ôn lại chuyện xưa và giúp cho thế hệ trẻ ngày nay thêm hiểu biết về những điều tuyệt vời mà thế hệ cha ông chúng đã trải qua. Giới trẻ hiện nay đang bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông hiện đại, ít quan tâm hơn tới những người xung quanh” họa sỹ Lê Huy Tiếp nhận xét về cuốn sách.
Buổi ra mắt cuốn “Một mình trên đường” đã diễn ra không ồn ào với sự có mặt của những người bạn tác giả: hoạ sỹ Phan Kế An, nhà thơ Vân Long, hoạ sỹ Lê Huy Tiếp. Đặc biệt người em cùng mẹ khác cha và một số người trong chi họ Bùi là những nhân vật trong câu chuyện cũng có mặt. Họ cho biết, ai nấy đều kìm được những giọt nước mắt khi đọc cuốn sách.
Nhà văn Đỗ Chu, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo cuốn sách phải thốt lên rằng, đọc cuốn sách mới thấy chị đúng là một người cực kỳ yêu nước. Những trang viết của chị đầy tình người, tình yêu quê hương đất nước.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Lịch sử gia đình góp vào lịch sử đất nước. Gia đình chị Lệ Tân có thể coi là một gia đình tiêu biểu đó. Chị có trách nhiệm viết tiếp phần tiếp theo của cuộc đời chị. Quãng thời gian chị bôn ba ở Ba Lan, Na Uy chắc hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị không kém.”./.