Một việc làm thiết thực và ý nghĩa

Làm việc tại một hãng thiết bị y tế của Đức, chị Lan Trần-Seifert, một kiều bào Việt Nam đã phát động quyên góp để mua và nâng cấp 6 máy sinh hiển vi khám mắt, đưa về Việt Nam tặng cho các bệnh viện ở những tỉnh nghèo

Chiều 23/2, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Hãng thiết bị y tế Carl Zeiss (Đức) thông qua tổ chức CBM (Christofffel Blindenmission) đã trao tặng 6 máy sinh hiển vi khám bệnh (trị giá khoảng trên 700 triệu đồng) cho 6 đơn vị gồm Bệnh viện mắt TW và Bệnh viện đa khoa các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Kon Tum, Đắc Nông- là những tỉnh khó khăn, thiếu các trang thiết bị nhãn khoa.

Tại buổi lễ, PGS TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện mắt TW cho biết, 6 chiếc máy sinh hiển vi này gồm những seri khác nhau, trong đó có những máy rất hiện đại, có thể phục vụ đắc lực cho việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ ở địa phương.

Đây chỉ là sự hỗ trợ bước đầu của Hãng Carl Zeiss đối với ngành nhãn khoa Việt Nam. Theo thỏa thuận giữa các bên, trong thời gian tới, Bệnh viện mắt TW và Carl Zeiss, CBM sẽ khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương trên cả nước để tiếp tục có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh khó khăn thiếu trang thiết bị nhãn khoa.  

CBM là tổ chức phi chính phủ, liên tục trong suốt 26 năm qua (1982-2008), đã giúp đỡ ngành mắt Việt Nam từ những giai đoạn còn khó khăn thiếu thốn. Tính tới năm 2008, tổng giá trị nguồn viện trợ từ CBM cho các dự án chăm sóc mắt toàn diện tại Việt Nam ước tính 4.814.890DM (1982 - 1999) và 3.154.700 EUR (2000 - 2008) cho nhiều lĩnh vực như đào tạo bác sĩ Việt Nam ở nước ngoài, đào tạo phẫu thuật viên trong nước, đào tạo chăm sóc mắt ban đầu cho CB y tế cơ sở, cung cấp thuốc, trang thiết bị, phương tiện đi lại (ô tô và xe máy) phục vụ công tác khám phát hiện và mổ lưu động, hỗ trợ kinh phí mổ cho nhiều bệnh nhân nghèo bị mù loà do đục thể thủy tinh… 
Hàng năm, nhờ sự hỗ trợ của CBM, có khoảng hơn 1.000 cán bộ y tế cơ sở được đào tạo về chăm sóc mắt và hàng nghìn người nghèo bị mù lòa do đục thể thuỷ tinh được phẫu thuật, lấy lại thị lực.
Vì những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam, tháng 11/2008, CBM đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao Huân chương Hữu Nghị và Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe     nhân dân”  cho bà Margreet Hogeweg - Cố vấn Y tế của CBM.

Tại buổi trao tặng thiết bị, PGS TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới các vị đại diện tổ chức CBM và Hãng Carl Zeiss. Ông cũng cho biết, đợt hỗ trợ 5 máy sinh hiển vi này có được là nhờ nỗ lực rất lớn của chị Lan Tran-Seifert, một kiều bào Việt Nam ở Đức, hiện làm việc tại Hãng Carl Zeiss.

Khi những máy sinh hiển vi được trao cho đại diện Bệnh viện 5 tỉnh còn nhiều khó khăn, Trần Lan cảm động không nói lên lời. Chị kể lại, khi tham gia một triển lãm ngành nhãn khoa ở Đức chị nảy ra ý định quyên góp để tặng máy sinh hiển vi về Việt Nam. Tháng 7/2007, gặp được ông Giám đốc tổ chức CBM và có hướng thực hiện dự định, chị rất vui: “Tôi đã viết trong nhật ký rằng điều này như một giấc mơ”.
Trần Lan phát động cuộc quyên góp ở nơi mình làm việc, được Ban giám đốc và toàn thể đồng nghiệp hơn 300 người trong Hãng hết sức ủng hộ. “Không cần nói nhiều, thuyết phục nhiều, bởi ở Đức nhiều người biết đến Việt Nam từ quá khứ, có cảm tình với Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ vì hiểu rằng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn...”. Và thế là, hơn nửa năm sau, những chiếc máy đã có mặt ở Việt Nam, góp phần vào việc khám bệnh cho những người nghèo.

Chị Trần Lan cho rằng thành công lần này sẽ thuyết phục nhiều Việt kiều muốn giúp đất nước nhưng đang tìm con đường nào cho hiệu quả.


Chị Trần Lan tâm sự, người Việt Nam mình ở đâu cũng vậy, luôn hướng về quê nhà, mỗi người giúp bằng mỗi cách, tùy theo điều kiện. Với bản thân chị Lan, đây không phải là lần đầu tiên nỗ lực làm một điều gì đó cho Việt Nam. Chị và chồng chị là thành viên hỗ trợ xây dựng Làng SOS ở Đồng Hới. Mỗi tháng, họ đóng góp 150 EUR để xây dựng làng, kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành; và họ nhận được thông báo đều đặn để biết được hiệu quả những đồng tiền quyên góp của mình.
Năm 1986, chị Trần Lan sang Đức làm nghiên cứu sinh ngành Vật lý hạt nhân. Tình yêu đã nảy nở giữa chị và người đồng nghiệp cùng làm nghiên cứu sinh chung một thày hướng dẫn. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ, chị lập gia đình và ở lại làm dâu bên Đức.

Ở thành phố Jena nơi chị sống và làm việc, có khoảng 200 người Việt Nam. Tuy rằng cũng phải làm việc bận rộn hàng ngày, nhưng cộng đồng người Việt luôn giữ liên hệ với nhau. Mọi người luôn theo dõi thông tin từ quê nhà  qua mạng Internet, mỗi khi có thiên tai, bão lụt thì lại tổ chức các cuộc quyên góp nhằm giúp đỡ bà con trong nước.

Chị Trần Lan có 2 con, 17 tuổi và 13 tuổi. “Trong nhà tồn tại song song 2 cách giáo dục, 2 nền văn hóa Việt Nam và Đức. Chúng tôi luôn tại điều kiện để các cháu thấy được cái hay, cái đẹp và biết yêu, quý trọng 2 nền văn hóa ấy. Rất may là vợ chồng là đồng nghiệp, lại hiểu nhau ở nhiều phương diện. Chồng và các con tôi rất yêu quý Việt Nam...”

Chị khoe, cô con gái lớn (17 tuổi) của chị có ý định sang năm, khi học xong phổ thông sẽ về Việt Nam 1 năm để đi đây đi đó, làm việc, tìm hiểu về quê mẹ; sau đó mới trở lại Đức học đại học.../.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên