Mùa xuân trên quê hương

Cảnh sắc giao hòa của trời- đất trong ngày Tết Nguyên Đán đã mang lại cho mỗi người những xúc cảm thật đặc biệt, nhất là đối với những người xa xứ.

Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam thường đến muộn hơn Tết Tây khoảng 1 đến 2 tháng. Đó là dịp tất cả những người con xa quê mong ngóng được trở về xum họp, đoàn tụ trong không khí đầm ấm, yên vui bên gia đình, người thân. Ông Nguyễn Văn Đường hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Nga bộc bạch:  “Tết năm nay tôi về được tận hưởng cái không khí Tết rất là vui, thoải mái và hạnh phúc. Tình cảm của mình với quê hương rất là tha thiết. Mình muốn nói một điều rằng, du đi xa nhưng tình cảm của người Việt nói chung, và bản thân mình nói riêng bao giờ cũng hướng về quê hương

Hai chữ “Nguyên Đán” theo chữ Hán - Việt có nghĩa là sự khởi đầu, là buổi sớm trong lành. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết cổ truyền Việt Nam chính là dịp tất cả mọi người đều hướng lòng mình về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ông Nguyễn Văn Hồng, 75 tuổi hiện đang sống cùng gia đình cô con gái ở CHLB Đức xúc động nói: “Ở nước ngoài cũng vui, nhưng cũng có cái buồn. Ở quê có cái ấm cúng của quê mình,  có cha ông, mồ mả, mà thực tình mình nhớ quê quá. Về quê vui quá”.

Việt kiều Ba Lan thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN

Với những người có cuộc sống ổn định thì việc đi - về không phải là vấn đề quá lớn, nhưng cũng có rất nhiều người vì hoàn cảnh cuộc sống, vì công việc ở nước sở tại mà nên không phải lúc nào cũng có thể trở về. Và vì thế, Mùa xuân càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc và trọn vẹn khi họ được trở về đón xuân trong lòng đất mẹ.

Thả bộ ngắm chợ hoa ngày Tết, chị Phan Bích Thiện, người Việt ở Hungaria chia sẻ: “Mặc dù ngày Tết Nguyên Đán ở bên kia chúng tôi cũng làm đầy đủ hoa đào, bánh chưng, mứt tết nhưng không thể nào được bằng mình được đứng ở đây giữa quê hương mình, được thở hơi thở, hưởng cái không khi tết ở quê mình. 25 năm rồi, chợ hoa tết cũng có nhiều thay đổi nhưng không khí chợ hoa tết, không khí tấp nập, rồi mọi người quan tâm đến nhau, mọi người chúc tết, tôi nghĩ mình lại sống lại cái không khí tết vẫn giữ trong tôi từ xưa đến nay”.

Trong số rất nhiều những người con xa quê trở về, mỗi người một tâm trạng. Người thì về với mong ước giản đơn: về để sum họp gia đình, người thì về để được cảm nhận Hơi thở mùa xuân mới nơi quê nhà, người thì về với hành trang mang theo là những nghiên cứu khoa học, những tác phẩm nghệ thuật, hay với những nhạc sĩ, ca sĩ người Việt ở Hải Ngoại thì về để cảm nhận được không khí của mùa xuân trên quê hương để khơi nguồn cảm xúc sáng tạo.

Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, Nghệ sĩ công huân Liên Bang Nga, tâm sự: “Tôi không thể không về Việt Nam hàng năm, tuy rằng đối với tôi rất khó khăn, nhưng cái không khí của Tổ quốc không thể không có đối với một người nghệ sĩ như tôi. Ở nước ngoài mình có thể nghe nhạc, xem tin tức để có thể hiểu và viết về quê hương, nhưng nó khác hẳn khi về ở nước nhà”.

Còn với nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, người vinh dự được Chính Phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh chia sẻ: “Đối với tôi, một Việt kiều sống xa Tổ quốc hàng ngàn dặm, khi đặt chân đến nước Pháp đã tìm đến Hội người Việt Nam yêu nước là Hội kế thừa nhóm người An Nam yêu nước do Bác Hồ sáng lập từ năm 1919. Truyền thống đó cứ tuôn chảy cho tới bây giờ. Từ lúc ra đi ở phố Tràng Tiền, từ thủ đô Hà Nội yêu dấu, nhất là mấy thập niên đầu, tôi vẫn cứ canh cánh với Chùa Trấn Quốc, cầu Thê Húc, vớiTháp Rùa, hồ Gươm. Bản thân tôi chỉ thấy rằng tình yêu này nó gắn liền với văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”.

Mỗi người một tâm trạng, một ước vọng về mùa xuân với những dự cảm tốt lành trong năm mới. Mặc dù tết này được trở về vui xuân đón tết trên chính mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên, được hưởng trọn vẹn không khí mùa xuân nơi quê nhà, nhưng chị Phan Bích Thiện vẫn có một chút chạnh lòng bởi cả gia đình chỉ không thể cùng về quê ăn tết, và cũng còn biết bao nhiều người tết này lại đón tết ở quê xa.

Chúng tôi muốn mượn bài thơ Tết nhớ quê của chị thay cho lời kết, như món quà xuân gửi tới những người con Việt nơi xa xứ.                  

“ Đã bao lần con đón Tết xa quê,

  nhưng vẫn nghẹn ngào chiều Tất niên hối hả.

  Người trên phố, dường như tường vội vã

  Ngày mai năm mới sẽ bước qua.

Bao cái Tết con ở xa nhà,

vẫn nghẹn ngào nhớ thời thơ trẻ.

Con ngủ gật, suốt đêm bên mẹ

Đón trông chờ, chiếc bánh Chưng xanh.

 

Phút này đây chắc ở quê mình

Ấm cúng quay quần nâng ly rượu mới

Tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới tới

Có giọt rượu nào dành cho người ở xa.

 

Dịp Tết này ở đâu mở chợ hoa

Con nhớ lắm nét đào Hàng Lược

Xao xuyến quá nhành hoa Cẩm Chướng

Trong gió xuân cành đào vẫn rung rinh

 

Ở bên này con chẳng có hoa Đào

Cắm lọ hoa Hồng cho vơi đi nỗi nhớ!

Hương Trầm, xôi thơm, ngạt trong hơi thở

Tết về trĩu nặng nỗi quê hương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên