Ngày xuân đi lễ chùa Việt Nam ở Bangkok
Đi lễ chùa là hoạt động du xuân đầu năm của cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Tuy xa quê nhưng họ vẫn cảm giác có một cái Tết như ở quê nhà.
Đã thành thông lệ, ngày đầu năm mới cộng đồng người Việt Nam tại Bangkok cũng như bà con Việt kiều thường đi lễ chùa cầu an cho bản thân, gia đình và đất nước.
Ngày mồng một Tết, cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cùng với gần 40 sinh viên Việt Nam và các nước Nga, Thái Lan, Nhật, Lào, Campuchia, Thụy Sĩ, Mynamar đang theo học thạc sĩ tại các trường đại học có tên tuổi của Thái Lan như Chulalongkorn, Assumtion, King Mongkud và Học viện công nghệ châu Á (AIT) đã thực hiện một chuyến đi lễ 4 chùa Việt Nam ở Bangkok. Đó là các chùa: Phổ Phước (tên Thái Lan là chùa Kusol Samakhorn), Chùa Cụ Ba, Khánh Vân (tên Thái Lan là chùa Upai Ratchabumrung) và chùa Cảnh Phước (tên Thái Lan là chùa Sommananam Bhodihan).
Hòa Thượng Thích Minh Ân - chùa Khánh Vân ban lộc đầu năm cho Phật tử Việt Nam |
Khi đến chùa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng tụng kinh Việt Nam cầu an năm mới của các sư chùa Phổ Phước dành cho các phật tử Việt Nam đến lễ chùa nhân dịp năm mới Nhâm Thìn. Ngôi chùa này là trụ sở của phật giáo phái An Nam Tông tại Thái Lan. Tại đây, đoàn đã dâng hương lễ phật, đảnh lễ và chúc thọ Hòa thượng Thích Kinh Chiếu – trưởng môn phái An Nam Tông tại Thái Lan. Hòa Thượng Thích Kính Chiếu bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp một đoàn lớn phật tử người Việt đến chùa trong ngày đầu năm mới.
Bạn Đỗ Phan Anh, người Đà Lạt, đang học bậc thạc sĩ chuyên ngành Đông Nam Á học tại trường Chulalongkorn lần đầu tiên xa nhà trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc cho biết, đầu năm mới, Phan Anh đi chùa cầu mong sức khỏe, học tập tiến bộ, thuận lợi. Phan Anh cũng cầu mong cho mọi người trong gia đình của mình một năm mới khỏe mạnh, vạn sự như ý, đất nước ngày càng đổi mới và văn minh hơn.
Phan Anh nói: “Đây là dịp tốt để sinh viên Việt Nam có một cái Tết xa nhà đầm ấm. Được tìm hiểu về cộng đồng người Việt Nam và các ngôi chùa Việt Nam tại Bangkok. Đây là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đi lễ chùa đầu năm cầu an cho gia đình, bản thân. Hoạt động này làm cho cộng đồng sinh viên tuy xa quê nhưng vẫn có một cái Tết như ở bên nhà”.
Anh Khap – Người Thái Lan từng tham gia đi lễ đầu năm cầu an của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan cho biết: “Tôi là người theo đạo Phật. Phật giáo của Việt Nam là dòng đại thừa. Có thể tôi không hiểu hết nội dung và ý nghĩa của bài tụng kinh, nhưng khi tôi được hòa mình vào trong bầu không khí như thế này làm cho tâm hồn của tôi tĩnh lại, hạnh phúc được đắm mình trong bầu không khí phật giáo trang nghiêm của Việt Nam. Qua chuyến đi này, tôi còn được làm quen với nhiều người Việt Nam vì ngày Tết của Việt Nam là khoảng thời gian mọi người đi lễ cầu phúc, cầu an lành. Đây là cơ hội đối với tôi một người Thái Lan yêu quý Việt Nam được làm quen với người Việt Nam trong mùa đẹp nhất của năm”.
Hòa thượng Thích Kính Chiếu, người Thái gốc Hoa, trụ trì tại chùa Phổ Phước 55 năm, ông đi tu từ năm 4 tuổi. Khi ông bắt đầu đi tu theo phái An Nam Tông của Việt Nam lúc đó tại Thái Lan chỉ có 9 chùa Việt Nam, trong đó 7 chùa ở thủ đô Bangkok. Hiện số chùa Việt Nam ở Thái Lan tăng lên thành 19 chùa, rải rác ở các tỉnh của Thái Lan như Yala, Hatyai, các tỉnh Đông Bắc…
Hòa thượng Thích Kính Chiếu năm nay đã 86 tuổi, nói chuyện bằng tiếng Việt rất sõi. Trước đây, chùa Việt Nam, sư trụ trì là người Việt Nam, nhiều người Việt thường đi lễ chùa nhưng do hoàn cảnh lịch sử hầu như các chùa Việt Nam ở Thái Lan không còn sư trụ trì là người Việt mà thay vào đó là người Thái, hoặc người Thái gốc Hoa. Hòa thượng Thích Kính Chiếu cho biết, ông muốn gìn giữ và phổ biến đạo phật phái An Nam Tông cho người Việt Nam.
Các chùa mà đoàn đến đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử, trong đó, chùa Ông Ba (theo cách gọi của bà con Việt kiều) là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan Bác Hồ đã dừng chân trong quá trình hoạt động tại Thái Lan. Hiện tại Bangkok còn một chùa có sư trụ trì là người Việt Nam đó là chùa Khánh Vân (tên Thái Lan là chùa Upai Ratchabumrung)./.