Người chiến sĩ công an phá nhiều vụ án mua bán người

(VOV) -Đối với Trung úy Hạ Mí Chứ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là đem lại bình yên, sự đoàn tụ cho các gia đình bị mất người thân.

Trong những năm qua, lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã tổ chức giải cứu hàng nghìn phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài được trở về quê hương. Góp phần cùng đồng đội phá hàng trăm vụ án mua bán người, đem lại bình yên và sự đoàn tụ cho nhiều gia đình, có thể kể đến gương chiến sĩ công an tiêu biểu-Trung úy Hạ Mí Chứ, dân tộc H’Mông, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm và trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Giang.

Cuộc trò chuyện với Trung úy Hạ Mí Chứ diễn ra ngay tại nơi làm việc. Bên cạnh anh là chồng hồ sơ dày cộp về các vụ án mua bán người. Anh cho biết, đằng sau mỗi tập hồ sơ kia là sự vất vả, hy sinh thầm lặng và hiểm nguy của những người lính hình sự để đem lại sự đoàn tụ cho biết bao gia đình.

Trung úy Hạ Mí Chứ

Trực tiếp tham gia nhiều chuyên án đấu tranh với tội phạm buôn bán phụ nữ và chiếm đoạt trẻ em, Trung úy Hạ Mí Chứ đã không ít lần phải rơi lệ trước nỗi đau mất người thân của các gia đình. Điển hình như vụ bắt cóc trẻ em ở xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc để bán qua biên giới năm 2010. Xảy ra vào mùa mưa lũ, đường bị sạt lở nên anh và đồng đội phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới tới được hiện trường vụ án.

Những tiếng kêu khóc, những giọt nước mắt của gia đình nạn nhân khiến các anh quên đi sự mệt mỏi của bản thân để lao vào phá án. Rõng rã bám suối bám rừng, không ít đêm thức trắng tìm manh mối và nhiều lần đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm, anh và đồng đội đã đưa được các em nhỏ trở về đoàn tụ với gia đình trong niềm hạnh phúc ngập tràn.

Trung úy Hạ Mí Chứ cho rằng, mỗi vụ án xảy ra không chỉ là trách nhiệm của công an nhân dân, mà anh luôn đặt mình vào vị trí người thân của các nạn nhân, con em của bà con dân bản để phá án.

“Ở cương vị là người chiến sĩ công an đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, tôi luôn coi bản thân mình là anh em với bà con dân bản, coi mình là người nhà của nạn nhân để thấu hiểu nỗi đau xót của họ. Khi mình nói bằng tình cảm thì người dân sẽ sẵn sàng hợp tác và cung cấp thông tin để phá án. Ngoài việc đi phá án, chúng tôi cũng phải đến thăm hỏi, nói chuyện với nhân dân, để người dân hiểu và mình cũng hiểu hơn về họ; để không còn khoảng cách giữa chiến sĩ cảnh sát với nhân dân” - Trung úy Hạ Mí Chứ tâm sự.

“Cứu một người phúc đẳng hà sa” - đó là điều Trung úy Hạ Mí Chứ và đồng đội luôn tâm niệm. Nhưng phía sau mỗi vụ án được khám phá thành công là những cuộc đeo bám lặng thầm, đấu trí nghẹt thở, có những chuyên án mà mỗi người cảnh sát hình sự phải đơn thương độc mã hóa thân thành nhiều nhân vật để xác định danh tính đối tượng.

Theo Đại tá Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm và trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Giang: Trung úy Hạ Mí Chứ là người dân tộc H’Mông, sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Yên Minh, nên có lợi thế trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc, tạo thuận lợi cho quá trình phá án.

Đại tá Vũ Trường Giang cho biết: “Trong những năm qua, nhiều chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, đồng chí Hạ Mí Chứ luôn được chọn là những “cây công” của phòng. Tôi cho rằng, với người cảnh sát hình sự đòi hỏi phải có tâm huyết, nhiều vụ không phá được thì phải trăn trở. Có khi nhiều đêm, tôi sang phòng thấy đồng chí Hạ Mí Chứ đang lật đi lật lại những trang hồ sơ để nghiên cứu. Qua đó, tôi đánh giá đồng chí là người ham học hỏi, có trách nhiệm trong đấu tranh với tội phạm”.

Ở với bà con dân bản nhiều hơn gia đình

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, Trung úy Hạ Mí Chứ tâm sự, công việc yêu cầu người chiến sỹ như các anh luôn phải sẵn sàng chiến đấu, bất kể ngày đêm, lễ tết… Khi có lệnh điều động là anh em lại nhanh chóng lên đường. Nhiều khi có chuyên án nguy hiểm, anh còn không dám chia sẻ với gia đình vì sợ người thân lo lắng.

Trung úy Hạ Mí Chứ kể: Các anh em trong đội thường đùa nhau rằng, họ ở với bà con dân bản và gia đình các nạn nhân còn nhiều hơn ở nhà mình. Những vất vả, hiểm nguy không thể kể hết, nhưng anh và đồng đội chưa bao giờ chịu lùi bước trước bọn tội phạm mua bán người.

Trung úy Hạ Mí Chứ chia sẻ, nhìn cảnh người mẹ vật vã vì mất con, nhiều người thân đứng ngồi không yên khiến các anh càng thêm động lực để sớm tìm ra manh mối phá án.

Kể về quá trình phá án của đồng đội, anh Hạ Mí Chứ cho biết: “Khi vụ án xảy ra, anh em lên đường ngay. Nhiều vụ án xảy ra vào mùa mưa lũ, đường sạt lở nên anh em đi làm vất vả, khó khăn, phải đi bộ, rồi ăn không đúng bữa, ngủ nhờ nhà dân. Nhiều nhà dân không có giường nên anh em đành phải ngủ tạm dưới đất để tránh mưa gió rồi hôm sau lại lên đường đi làm tiếp. Vất vả vậy nhưng động lực của chúng tôi là được lãnh đạo rất quan tâm. Chúng tôi luôn mong muốn phá được án, bắt được đối tượng, giữ gìn sự bình yên cho dân, bà con yên tâm thì lúc đó mới thấy tự hào”.

Trung úy Hạ Mí Chứ đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm và nhiều lần được vinh danh. Thành tích, bằng khen là sự ghi nhận những đóng góp, những nỗ lực của người chiến sĩ công an ngày đêm lăn lộn chiến đấu với tội phạm để mang lại niềm vui cho nhân dân. Trong câu chuyện với anh Hạ Mí Chứ, tôi hiểu được rằng, niềm vui ý nghĩa nhất đối với anh là phần thưởng từ nhân dân, từ niềm vui đoàn tụ của các gia đình nạn nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người cựu quân y hơn 20 năm chữa bệnh cho đời
Người cựu quân y hơn 20 năm chữa bệnh cho đời

(VOV) - Chữa trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với cựu quân y Đặng Cát.

Người cựu quân y hơn 20 năm chữa bệnh cho đời

Người cựu quân y hơn 20 năm chữa bệnh cho đời

(VOV) - Chữa trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với cựu quân y Đặng Cát.

Người công nhân vệ sinh ưu tú
Người công nhân vệ sinh ưu tú

(VOV)-Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, chị Nguyễn Thị Hiền luôn vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề.

Người công nhân vệ sinh ưu tú

Người công nhân vệ sinh ưu tú

(VOV)-Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, chị Nguyễn Thị Hiền luôn vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề.

Sẻ chia hạt gạo nghĩa tình
Sẻ chia hạt gạo nghĩa tình

(VOV)-Đối với ông Trần Thành Long, làm việc thiện không phải để được tuyên dương, mà là để sẻ chia, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn

Sẻ chia hạt gạo nghĩa tình

Sẻ chia hạt gạo nghĩa tình

(VOV)-Đối với ông Trần Thành Long, làm việc thiện không phải để được tuyên dương, mà là để sẻ chia, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn

Người Việt đầu tiên được  Hungary phong Giáo sư
Người Việt đầu tiên được Hungary phong Giáo sư

Tổng thống Hungary Áder János ký quyết định phong GS cho TSKH Ðỗ Văn Tiến, trường Ðại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest.

Người Việt đầu tiên được  Hungary phong Giáo sư

Người Việt đầu tiên được Hungary phong Giáo sư

Tổng thống Hungary Áder János ký quyết định phong GS cho TSKH Ðỗ Văn Tiến, trường Ðại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest.

Những người gốc Việt từng nhận giải "Thiên tài" của Mỹ
Những người gốc Việt từng nhận giải "Thiên tài" của Mỹ

 Giải MacArthur Fellowship hay còn có tên Genius Grants - một trong những giải cao quý của Mỹ đã từng vinh danh 3 người gốc Việt.

Những người gốc Việt từng nhận giải "Thiên tài" của Mỹ

Những người gốc Việt từng nhận giải "Thiên tài" của Mỹ

 Giải MacArthur Fellowship hay còn có tên Genius Grants - một trong những giải cao quý của Mỹ đã từng vinh danh 3 người gốc Việt.

Ông Trịnh Đình Năng với sáng chế bảo vệ môi trường
Ông Trịnh Đình Năng với sáng chế bảo vệ môi trường

(VOV) -Hệ thống lò đốt rác thải y tế do ông sáng chế ra đã góp phần giảm nguy cơ lây truyền bệnh, bảo vệ môi trường sống.

Ông Trịnh Đình Năng với sáng chế bảo vệ môi trường

Ông Trịnh Đình Năng với sáng chế bảo vệ môi trường

(VOV) -Hệ thống lò đốt rác thải y tế do ông sáng chế ra đã góp phần giảm nguy cơ lây truyền bệnh, bảo vệ môi trường sống.