Người cứu hộ bên dòng sông Sêrêpôk

(VOV) -Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ông Lê Văn Hiệu luôn giúp đỡ những người hoạn nạn, không đòi hỏi bất một điều kiện nào cả.

Trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc cách đây hơn 3 tháng tại cầu Sêrêpôk, giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông khiến 34 người chết và 21 người bị thương, nhiều người dân địa phương đã có mặt kịp thời xử lý, đưa người bị thương đi cấp cứu.

Một trong những người có công lớn cứu hộ trong vụ tai nạn là ông Lê Văn Hiệu ở xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Với những đóng góp trong phong trào đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Hiệu vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc cách đây hơn 3 tháng tại cầu Sêrêpôk

Sống gần hiện trường vụ tai nạn nhất, ông Lê Văn Hiệu ở thôn 6, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột là người đầu tiên tiếp cận chiếc xe khách bị nạn. Như một phản xạ có điều kiện, ngay khi nghe tiếng chấn động lớn, ông và gia đình đã chạy nhanh lên cầu thì thấy một cảnh tượng hãi hùng: chiếc xe khách lớn bị rơi xuống vực và lật ngửa. Không kịp suy nghĩ, ông và con trai lao nhanh xuống con đường dốc, lởm chởm đá nhọn trong đêm tối để cứu hộ, cứu nạn.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là một cháu bé đang vẫy vùng dưới nước, cất tiếng gọi mẹ thảm thiết. Sau khi cứu được đứa trẻ, gia đình ông tiếp tục đưa những người đang mắc kẹt trong xe ra ngoài. Thấy còn nhiều người bị nạn, ông nói vợ về nhà lấy đèn và xách hết mọi thứ có thể đập xe cứu người, đồng thời hô hào bà con hàng xóm đến ứng cứu. Giữa đêm tối, nước lạnh, ông Hiệu cùng nhiều người dân đã băng mình xuống sông để cứu người và trục vớt xe bị nạn lên bờ nhanh nhất.

Ông Lê Văn Hiệu kể: “Lúc đó, ở dưới vực tối, tôi nói vợ về nhà lượm lặt dép, củi và tất cả những gì có thể cháy được để đốt thành một đống lửa lớn, rồi nói con trai về kéo điện cho sáng để nhanh chóng phục vụ cho việc cứu người.

Tuy nhiên, khi có ánh sáng rồi, thì việc đưa người bị thương lên trên đường đi cấp cứu cũng rất khó khăn vì độ cao từ cầu xuống chỗ vực bị nạn là khoảng 20m. Tôi cũng nói vợ con lấy xẻng, xà beng làm thành một con đường để chuyển người bị thương lên dễ dàng hơn.

Nhìn cảnh tượng khi đó rất đau lòng, thương tâm và xót xa, tôi và bà con nhân dân lúc đó đều cố gắng hết sức mình để cứu giúp những người bị nạn”.

Với ông Lê Văn Hiệu, việc cứu người đã trở thành một phản xạ có điều kiện. Từ năm 1987, khi đưa gia đình từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk lập nghiệp, suốt 25 năm, ông đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn và trực tiếp cứu sống hàng chục người trên dòng sông Sêrêpôk.

Ông Hiệu tâm sự, nhiều người tìm đến sông Sereepôk để tự tử nhưng khi được cứu lên, họ còn đánh mắng hai vợ chồng ông. Tuy nhiên, chưa khi nào ông để bụng và cũng không đòi hỏi ở họ một lời cám ơn.

Ông Hiệu cho rằng, mình làm việc thiện chỉ đơn giản vì lương tâm mách bảo.

“Gia đình ở gần sông nên chỉ cần nghe tiếng kêu cứu, tôi không quản ngày đêm, vác thuyền chạy xuống cứu người bị nạn. Sau đó, tôi đưa họ về nhà xoa dầu, cho ăn, rồi cho mượn quần áo để mặc và đưa họ về gia đình. Tôi làm việc này không phải để mong người ta cám ơn, nên những năm qua không thể đếm được đã cứu bao nhiêu người, chỉ biết đó là lương tâm của mình nên phải cố hết sức lực, khả năng có thể để cứu người” – ông Hiệu tâm sự.

Ông Trần Văn Thụy, Trưởng thôn 6, xã Hòa Phú cho biết: “Gia đình ông Lê Văn Hiệu là tấm gương tiêu biểu để người dân trong thôn học tập, noi theo. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ trông chờ vào nghề chài lưới nhưng ông Hiệu luôn giúp đỡ những người hoạn nạn, không đòi hỏi bất một điều kiện nào cả. Gia đình ông Lê Văn Hiệu rất xứng đáng được tuyên dương  bởi vì không chỉ đã cứu hộ, cứu nạn trong vụ tai nạn xe khách vừa qua, mà còn vì nghĩa cử cao đẹp rất nhiều lần cứu người bị nạn trên sông”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên