Người đàn ông có rất nhiều con trai…

Ông sống độc thân, nhưng lại có một đàn con đông đúc tới 53 đứa, nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 18 tuổi.

Nếu kể cả những cậu con trai đã lớn, rời gia đình ra sống tự lập, thì số con của ông Nguyễn Đức Mạnh khoảng hơn 100 người. Mỗi cậu một hoàn cảnh éo le: đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì mồ côi cả cha lẫn mẹ và người thân còn lại quá khó khăn không thể lo được cho chúng.   

Nghe nói về một ngôi nhà mở toàn trẻ trai, nghĩ con trai thường nghịch ngợm, quậy phá… nên chúng tôi thật sự bất ngờ khi đến thăm mái ấm Sơn Kỳ ở TP HCM. Ngôi nhà sạch sẽ, khang trang. Mấy đứa trẻ thấy khách đến, mở cổng, khoanh tay cúi đầu chào, rồi lấy ghế: “Mời cô chú ngồi để chúng con đi gọi bố”.

Mồ côi tội lắm ai ơi…

Một lần người ta đưa đến mái ấm Sơn Kỳ hai cậu bé, anh em cùng mẹ khác cha. Đứa bé anh bị sang chấn tâm lý nặng nề sau khi chứng kiến cậu ruột đốt nhà, rồi kề dao suýt cắt cổ mình. Cứ trời nóng là cậu nổi cơn điên. Ba cậu bé thì chết vì ung thư gan.

Khi đứa bé được đưa đến mái ấm, ông Mạnh mang nó đi chữa trị ở bệnh viện tâm thần Biên Hoà. Bác sĩ cho thuốc rồi khuyên đưa cháu về, tạo môi trường ôn hòa để điều trị. Ban đầu, tưởng như vô vọng vì cậu bé rất thất thường. Thế rồi với sự kiên trì chăm sóc của ông Mạnh và mọi người trong mái ấm, cậu đã dần bình phục và nay trở thành một thiếu niên lanh lợi, lém lỉnh. Mặc dù khá nghịch ngợm nhưng cậu lại dễ gây được cảm tình của người tiếp xúc và như lời ông Mạnh nói: “Có khiếu thúc đẩy người khác, giống như là tố chất của người lãnh đạo”. 

Một cậu bé khác, có gương mặt hiền, buồn buồn, sinh ra đã bất hạnh. Người mẹ lầm lỡ, không muốn nuôi con. Một sản phụ khác trong bệnh viện vì thương đứa trẻ vô tội đã nhận về nuôi cùng con trai mới sinh của mình. Sau này, gia đình ấy nghèo khó quá, nên gửi đưa con nuôi vào mái ấm, hy vọng sẽ đỡ khổ hơn.

Mỗi đứa bé một hoàn cảnh éo le…  Cũng có những bé đến đây mà chưa có tên tuổi, sau đó được khai sinh theo họ Nguyễn Đức của ông Mạnh.

Thuở nhở ông Mạnh mồ côi cha. Người mẹ đi làm phu lục lộ trên Sài Gòn, lấy tiền gửi về cho gia đình, lâu lâu mới về thăm con một lần. Cậu bé Mạnh sống với ông bà ngoại, nên thấm thía cảnh thiệt thòi, thiếu vắng tình thương cha mẹ của đứa trẻ mồ côi.

Vì thế sau này, khi trưởng thành, ông có lòng thương cảm với những đứa trẻ ấy. Trong lần đi phiên dịch cho đoàn mổ tim từ thiện của Đức, ông thấy có những trẻ vừa mồ côi vừa bị bệnh, nên đã nhận nuôi. Ban đầu ông có 2,3 rồi 4,5 đứa con nuôi. Đến năm 2007, nhờ sự giúp đỡ tài chính của người anh họ sống ở nước ngoài, ông có thể nhận nuôi nhiều trẻ hơn. Sau này, một người hảo tâm đã giúp để mua được ngôi nhà cho mái ấm. Ông bỏ tiền túi và quyên góp thêm, sửa sang cho các con có nơi ở khang trang, quy củ.


Cho trẻ thấy là mình thực sự yêu thương chúng

Đang nghỉ hè, hàng ngày các cậu bé dậy sớm, chơi thể thao như đá banh, đá cầu, rồi học chữ và học làm thủ công dưới sự bảo ban nhắc nhở của người hộ trực hoặc các anh lớn trong nhà. Tối về, theo quy định, mỗi cậu bé ngồi vào bàn viết 1 bài luận hoặc tập chép.

Bắt nguồn việc này là vì ông Mạnh “thấy các cháu học văn ở trường kém quá, viết sai chính tả nhiều. Việc chép lại hoặc tự viết đoạn văn vừa rèn chữ, vừa rèn cách hành văn. Chép xong còn trả lời câu hỏi về đoạn mới chép. Hay có em chưa thạo tiếng Anh mà đã chép 400 trang tiếng Anh, rồi cũng học được nhiều qua đó…”

Mái ấm thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận theo chủ đề, là những điều thiết thực, để giúp các cháu định hướng được điều tốt, điều xấu. Ví dụ: Ghiền game có hại không? Hay thảo luận về những điều trong nội quy của gia đình.

Việc làm thủ công giúp các cậu bé làm quen với lao động, rèn sự khéo léo và một khả năng tiếp thu tốt.

Dù gia đình toàn con trai, chỉ có cô nấu ăn là nữ, nhưng các em sống rất nền nếp, sạch sẽ và vệ sinh; thương yêu nhau, biết sống có trách nhiệm.

Trong một gia đình nhỏ, nhiều khi các cậu con trai làm cha mẹ mệt mỏi, nhất là với tuổi mới lớn. Ở gia đình lớn này, ông Mạnh tâm sự, khó khăn lớn nhất cũng là làm sao nắm được tâm tính của các con. Ông bảo có những trường hợp mình đã thất bại, khi không đối thoại được với những cậu bé quá khó bảo hoặc nhất là những cậu bị nghiện game. Trước mặt người lớn, cậu ta có thể giả bộ ngoan nhưng sau đó lại quậy phá, làm ảnh hưởng đến các anh em khác. Sau này, ông chỉ nhận những trẻ thật bé, chưa có khả năng tự kiếm sống. Nuôi dạy đến 13-14 tuổi là đủ tin cậy để giao quản lý các em nhỏ hơn, bảo ban và kèm các em học.

Khi trẻ mắc lỗi thì sao? Ở mái ấm Sơn Kỳ, không có những hình phạt bạo lực. Trẻ hư phải ăn cơm một mình, phải lau sàn, không được cha hỏi han vui vẻ, nặng hơn nữa thì không được ăn bánh kẹo... Nếu liên tục vi phạm thì phải đổi môi trường.

Vốn là nhà giáo nên ông rất cẩn trọng và có phương pháp trong cách dạy các con. “Tác động trên tư duy, cảm nhận, cách sống cùa trẻ, mục tiêu chính là giúp các cháu thành người tốt. Kế tiếp mới là rèn kỹ năng. Phương pháp của tôi là làm các cháu tin rằng mình thực sự yêu thương chúng”.

Các bé trai cũng khéo tay

Vì một tương lai tốt đẹp

Một điều đặc biệt là ở mái ấm Sơn Kỳ có nhiều em bé nói tiếng Anh thành thạo. Thuận lợi ban đầu là nhờ ông bố của gia đình là giáo viên, biết 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Ý, đã dạy cho các con. Sau đó, có những sinh viên nước ngoài sang Việt Nam du lịch, cũng tìm đến để tình nguyện dạy cho các em.

Học ngoại ngữ với sự hướng dẫn của các chị sinh viên tình nguyện

Gia đình trọng sự học, nên có nhiều cháu đua nhau học rất giỏi. Như em Nguyễn Ngọc Thanh, đã được một công ty tài trợ để sau này học đến tiến sĩ.

Riêng năm nay, ông Mạnh liên hệ xin được 3 học bổng học Đại học cho các con với mức học bổng khá cao.

Mái ấm chỉ có con trai, không có con gái để tránh nhiều sự phức tạp tế nhị. Nhưng ông Mạnh cho biết sau này xây được thêm một chái nhà sẽ nhận nuôi những trẻ gái nhỏ dưới 1 tuổi, dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở địa phương.

Ngày xưa lúc còn thiếu thốn, trẻ được ăn 2 bữa, nay thì các em được ăn đầy đủ 3 bữa. Tiền ăn cho mỗi cháu tương đương 1,4 -1,5 triệu đồng/ tháng, một phần do gia đình các cháu đóng góp. Bà con xung quanh cũng chia sẻ với mái ấm, thường xuyên mang cho gạo, rau, thực phẩm... “Làm được việc này không chỉ có mình mình, mà có sự ủng hộ của anh em, ban bè, bà con lối xóm”- ông Mạnh cho biết. Mỗi năm, dịp Tết Nguyên Đán có đại diện của chính quyền đến thăm, chúc Tết.

Mỗi tháng mái ấm tổ chức 1 sinh nhật chung cho các cháu sinh cùng tháng, có bánh ga-tô, có thổi nến. Đây là quà tặng của một nhà hảo tâm, để trẻ có được niềm vui như những trẻ em khác.

Nhiều cậu con trai đã trưởng thành, ra ngoài đi học đại học, đi làm, vẫn về thăm mái ấm. Mới đây một cậu học và làm về trang trí nội thất, cần có máy tính, rụt rè hỏi mượn bố 12 triệu đồng. Mái ấm mãi là gia đình, người cha vẫn tiếp tục dõi theo giúp đỡ các con mình trong cuộc sống.

Trước khi chia tay, người cha bắt nhịp, bọn trẻ đã đàn và hát cho chúng tôi nghe. Những bài hát thiết tha, giai điệu hiền hòa… Mong sao trên đời bớt đi những cảnh bất hạnh, mong những đứa trẻ sinh ra thiếu may mắn có được một nơi nương tựa như ở mái ấm này.

  • Guillaume Lannes, sinh viên người Pháp:
    Tôi biết được thông tin về mái ấm Sơn Kỳ qua mẹ mình, nên trong kỳ nghỉ 2 tháng ở Việt Nam, tôi đến để dạy tiếng Anh và tiếng Pháp cho các em ở đây. Các em rất ham học…
 
  • Em tên là Đại,
    Em đến đây đã được 5 năm rồi… Em sẽ gắn bó với cha và ngôi nhà này lâu dài để cùng giúp cha dạy dỗ các bé trai khác. Đã có một số anh, sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã quay lại đây cùng cha dạy dỗ các em bé hơn và em cũng muốn làm như vậy.
 
Những tin bài khác:
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên