Người Việt dù ở đâu cũng hướng về Tổ quốc
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn ông Lê Công Phụng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ về tình hình bà con Việt kiều tại đây
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và bà con Việt kiều tại Mỹ nói riêng trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Tại Mỹ, với số lượng gần 2 triệu người, bà con người Việt đã góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.
** Thưa Đại sứ, Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp của cộng đồng bà con Việt kiều tại Mỹ cho quan hệ 2 nước và cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua?
Đại sứ Lê Công Phụng: Với con số khoảng 2 triệu người, cộng đồng Việt Nam tại Mỹ là cộng đồng lớn nhất trên thế giới, trên tổng số gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Có rất nhiều lý do hình thành cộng đồng người Việt Nam lớn ở Mỹ, lý do chiến tranh, lý do di tản và lý do đoàn tụ. Đến bây giờ có những người sang đây 30, 40 năm; có những người 10 năm và có những người mới sang, nhưng đặc điểm chung nhất trong cộng đồng người Việt, là dù đi lâu hay mới đi, đều trăn trở và một lòng một dạ hướng về Tổ quốc. Có lẽ đây là cái tâm, cái tình cảm của những người con đất Việt ở nước ngoài.
Trong quá trình phát triển quan hệ, ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt tại Mỹ là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nhất quá trình bình thường hóa, quá trình phát triển giữa hai bên. Ngày nay, cộng đồng tương đối ổn định, cơ bản bà con hội nhập với cuộc sống ở Mỹ, đã đoàn kết với nhau cùng hướng về quê hương. Đây cũng là 2 đặc điểm nổi bật nhất của cộng đồng bà con kiều bào Việt Nam tại Mỹ.
** Do một số nguyên nhân khác nhau, vẫn còn có những người thiếu hiểu biết về tình hình Việt Nam và có những hành động thiếu tính xây dựng, vậy chúng ta đã phản ứng trước hành động đó như thế nào?
![]() |
Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn phóng viên VOV |
Đại sứ Lê Công Phụng: Có một số người với lý do khác nhau, còn thiếu hiểu biết, thậm chí còn giữ những suy nghĩ hận thù, chống đối. Đất nước biết, đồng bào trong nước biết, nhưng chúng ta không bực tức, không cáu giận bởi đấy là thực tế cuộc sống đang diễn ra đối với họ như vậy. Chúng ta đang làm hết sức để triển khai những chính sách của Đảng và Chính phủ, những đường lối đối ngoại với nước sở tại, với cộng đồng, để giúp cho bà con hiểu hơn về đất nước, để bà con giữ được bản sắc của người Việt Nam.
Phải nói là trong số những người chống đối có những người nói rất mạnh, nhưng qua theo dõi, những người nói nhiều lại là những người xin visa vào Việt Nam nhiều nhất. Họ không thể không về Việt Nam, họ không thể quên Việt Nam, dù họ có quốc tịch Mỹ hay quốc tịch nước nào. Do đó có thể nói rằng, người Việt Nam bất kể thành phần nào, chính kiến như thế nào cũng đều mong muốn được trở lại Việt Nam thăm, đầu tư, hoặc sống tại Việt Nam.
Cho nên, như tôi đã nói, chúng ta không cáu giận, không thù hằn cộng đồng bà con vì hoàn cảnh, điều kiện của người ta như vậy. Mình chấp nhận hỗ trợ để làm sao để người có suy nghĩ đúng tác động vào người có suy nghĩ chưa thật đúng. Và quan trọng hơn, chúng ta thấy mừng bởi mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp, đất nước càng phát triển, thì sự chống đối của một số phần tử trong cộng đồng ngày càng ít đi, đó là điều đáng mừng.
** Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt ở nước ngoài. Cho đến nay công tác này đã đạt được kết quả như thế nào và theo Đại sứ tiếp theo cần phải làm gì để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới?
Đại sứ Lê Công Phụng: Nghị quyết 36 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hơn 6 năm triển khai Nghị quyết này, công tác vận động, thu hút, và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở người ngoài đã đạt được những kết quả rất lớn. Để triển khai Nghị quyết 36, trong 6 năm qua, chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, nhưng chúng tôi cho rằng như vậy cũng chưa đủ. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo để làm sao triển khai Nghị quyết 36 này hiệu quả hơn, đồng thời xem xét kiến nghị Bộ Chính trị để Trung ương và Nhà nước có những chính sách mới.
Đảng, Nhà nước luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng năm 2011, chắc chắn các cơ quan liên quan sẽ phải suy nghĩ tiếp để đề ra những biện pháp xác thực và hiệu quả hơn trong việc vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
** Nhân dịp năm mới, Đại sứ muốn chuyển tới bà con cộng đồng người Việt lời chúc gì?
Đại sứ Lê Công Phụng: Chúng tôi muốn chuyển mong muốn của đồng bào trong nước, của Chính phủ đến cộng đồng bà con ở nước ngoài, trong đó có bà con đang sống tại Mỹ, mong bà con đoàn kết và thương yêu lẫn nhau; Sống cho đúng luật, sống cho đúng tính nhân văn của người Việt Nam; và luôn ghi nhớ giữ gìn bản sắc của quê hương, đất nước mình. Cầu chúc cho tất cả các bà con một năm mới vui vẻ hạnh phúc, hòa đồng và ngày càng thịnh vượng.
** Xin cảm ơn Đại sứ!