Người Việt hướng về quê hương qua các hoạt động văn hoá
Nhiều bà con Việt kiều tại Pháp khi xem những bộ phim về Việt Nam đã rưng rưng nước mắt, cảm động khi nghĩ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trong không khí sôi động chuẩn bị đón Tết Canh Dần, Trung tâm Văn hóa Việt Nam (TTVHVN) tại Pháp đang tích cực chuẩn bị các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, hình ảnh Việt Nam đến với cộng đồng người Việt tại Pháp và các bạn Pháp. Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phạm Xuân Sinh nói về những chương trình mà Trung tâm đang và sẽ triển khai nhân dịp này.
PV: Thưa ông, trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Văn hóa sẽ có những hoạt động gì để góp phần làm cho không khí đón Tết tại Pháp thêm sinh động?
GĐ Phạm Xuân Sinh: Chúng tôi chuẩn bị trình chiếu đợt phim giới thiệu về những sự kiện lịch sử của đất nước, như phim giới thiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Bác Hồ, về các danh lam thắng cảnh, Thăng Long - Hà Nội. Nhiều bộ phim được bà con Việt kiều rất thích như phim "Hồ Chí Minh- nhìn về thế kỷ 21", hay những phim khám phá du lịch Hà Nội, về đất nước con người Việt Nam: Hoài niệm về Sài gòn, Lễ cưới ở Nam Bộ, Chiếu Cà Mau, Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An, Ấn tượng Hà Nội, Giải phóng Sài Gòn, Rừng đen...
Chúng tôi còn kết hợp mời đoàn nghệ thuật trong nước như cải lương (thuộc Nhà hát cải lương Trung ương) sang biểu diễn phục vụ người nước ngoài, bà con, thanh thiếu niên, sinh viên… Chúng tôi còn mời các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sang kết hợp dàn dựng chương trình đón Tết tổ chức ngày 6/2 tại Trụ sở UNESCO ở Paris, quy tụ rất đông bà con cô bác cũng như các thế hệ người Việt tại Pháp để đón Xuân.
Trưng bày sách báo giới thiệu về Việt Nam tại Hội báo Xuân cũng là điểm nhấn trong dịp này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Hội báo Xuân ở Pháp. Các họa sĩ của trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM cũng đưa sang đây trưng bày bộ tuyển tập tranh vẽ sơn dầu, các loại bút pháp để giới thiệu với công chúng Pháp và bà con (hơn 50 tác phẩm). Trong dịp này còn có triển lãm tranh thiếu nhi Việt Nam (với 153 tác phẩm). Chúng tôi cùng với các bạn Pháp, như ông Tissier, giới thiệu triển lãm ảnh: Việt Nam dưới góc nhìn của một người Pháp. Qua triển lãm này, công chúng sẽ thấy cuộc sống rất chân thực, sự đổi thay của đất nước, sự hòa nhập của Việt Nam với thế giới. Chúng tôi cố gắng tổ chức nhiều hình thức và nhiều hoạt động để có thể quảng bá hơn nữa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với công chúng ở đây..
PV: Thưa ông, năm 2010 có rất nhiều sự kiện trọng đại với đất nước ta. Vậy TTVHVN sẽ tập trung vào những hoạt động nổi bật gì trong năm nay?
GĐ Phạm Xuân Sinh: Các hoạt động dịp này đều hướng về những đợt kỷ niệm lớn của đất nước (1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ngày sinh Bác Hồ, Quốc khánh 2/9, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước), và nhiều hoạt động sẽ xen kẽ. Đây sẽ là bức tranh tổng thể giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại Pháp. Chúng tôi đang mong muốn phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trong nước để có thể tổ chức rộng rãi các sự kiện không chỉ ở TTVHVN mà ở cả các địa phương của Pháp, nối dài sự quảng bá về Việt Nam. Nhiều bạn bè và bà con Việt kiều tại các nước châu Âu khác cũng mong muốn được tham gia những hoạt động này. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu cách thức để mở rộng thêm những hoạt động văn hoá ý nghĩa này.
GĐ Phạm Xuân Sinh
PV: Đối tượng chính mà TTVHVN hướng tới là cộng đồng bà con người Việt tại Pháp. Vậy trong năm 2010, TTVH sẽ phối hợp thế nào với các hội đoàn tại Pháp để phục vụ công tác giới thiệu về Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ thế hệ hai và ba?
GĐ Phạm Xuân Sinh: Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội người Việt tại Pháp tìm ra loại hình thích hợp với các đối tượng người Việt tại Pháp. Hơn nữa, hiện nay nhiều người Việt tại Pháp có nhu cầu tổ chức các lớp học tiếng Việt, các lớp dạy múa, dạy hát, dạy võ cho các cháu thanh, thiếu niên. Chúng tôi đang nghiên cứu đề án để tổ chức được những hoạt động đó trong thời gian sớm nhất.
Trong xu thế hội nhập, chúng ta khẳng định vị thế của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt, thông qua văn hóa. Chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ về kinh tế, thương mại, ngoại giao, và các lĩnh vực khác với các đối tác của Pháp và châu Âu.
PV: Qua các hoạt động văn hoá vừa giới thiệu, ông có cảm nhận như thế nào về tình cảm, sự quan tâm của bà con Việt kiều với quê hương, đất nước?
GĐ Phạm Xuân Sinh: Bà con rất chăm chú quan tâm theo dõi các bộ phim chúng tôi trình chiếu. Nhiều người rưng rưng nước mắt, cảm động khi nghĩ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ thèm một bát bún ốc của Hà Nội hoặc nem cuốn, bánh tôm hồ Tây, một bát bún riêu Sài Gòn, một bát hủ tiếu Nam bộ.
Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, vì thế quảng bá văn hoá Việt Nam là dịp để bạn bè quốc tế, bà con Việt kiều hiểu thêm những sự kiện đó. Nhiều người bắt đầu quan tâm đến các sự kiện trong nước như Festival Huế, Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
PV : Xin cảm ơn ông./.