Người Việt ở Nga những ngày cuối năm

Năm nay, tròn ba chục năm người Việt xuất khẩu lao động sang Liên Xô. Mỗi năm khi Tết đến, lớp người ấy thường ngồi lại với nhau, ôn cố tri tân, mới thấy biết bao dâu bể, thương hải tang điền...

Tôi trở lại Nga vào cuối tháng 10/2011 sau một thời gian dài về Hà Nội. Giờ đây việc buôn bán đã khó khăn đi nhiều. Thời hậu chợ Vòm, người Việt tập trung bán ở ba chợ lớn, một là chợ Matxcơva nằm cạnh Metro Liublino, thường gọi là chợ Liublino, dân ta hay gọi là chợ Liu; chợ thứ hai là Xadovod, nguyên thuỷ là chợ bán động vật nuôi, nên dân ta gọi là chợ Chim cho tiện; còn chợ thứ ba là một Trung tâm lớn, nằm ở cây số 19 đường vòng tròn ô tô thành phố (MKAD), nên có tên là chợ 19.
 
Những năm làm chơi ăn thật đã lùi xa. Thay vào đó là những khó khăn trước mặt. Khó khăn về giấy tờ, về thời tiết, thậm chí nạn mãi lộ, cướp đường, trấn lột. Nhưng nhìn chung khó khăn về hàng hoá, là chuyện nan giải, nó quyết định sự sống còn, tồn tại hay không tồn tại.
Một trung tâm thương mại ở Nga. Ảnh: VBN
Thời nước Nga khan hàng, dân ta chuyển hàng trong nước sang, Balan về và hàng trăm doanh nhân chở hàng từ Trung Quốc sang bằng máy bay và tàu hoả. Sự gia tăng đột biến của hàng loạt xưởng may người Việt đủ các thể loại ở Nga cũng xuất phát từ sự chênh lệch cung cầu và bài toán tự cung, tự cấp tại chỗ, giá thành cao hơn. Mùa Đông này, hàng hoá ở Nga chững lại một cách bất ngờ. Sức bán hàng của người Việt giảm hẳn, trong khi đó thu nhập của người Nga không hề giảm sút, sức mua tăng lên bất chấp kinh tế thế giới khủng hoảng.
 
Lý do thì thấy rõ như sờ, nắm được. Đầu thế kỷ XXI ở Matxcơva chỉ có vài mươi siêu thị tiên phong, giá cả cao ngất trời, hàng hoá thì toàn đồ cao cấp và mỹ phẩm. Lúc đó, các doanh gia ngoài chợ Vòm "chiến thắng” siêu thị một cách ngoạn mục.
 
Dân Nga ra chợ mua hàng vừa rẻ, vừa với túi tiền, tha hồ chọn lựa, mặc cả. Còn bây giờ, với gần 400 siêu thị bậc khủng và bậc trung, trong đó có 20 đại siêu thị có diện tích từ 15 hecta đến 40 hecta, dân mua hàng vào đó có thể mua từ quần áo, đồ dùng gia đình, thực phẩm, hàng công nghệ, hàng văn phòng và dịch vụ đến ô tô, máy công nghiệp. Giá cả trong siêu thị hợp lý, ngang với giá ngoài chợ, lại không phải mặc cả, hàng lại đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc xuất xứ. Ai đưa trẻ em đi, có khu chơi cho trẻ con, có đủ các dạng nhà hàng phục vụ ăn uống năm châu! Tất cả các siêu thị đều có bãi xe ngầm an toàn tuyệt đối, có bảo vệ và thẻ từ kiểm soát. Đã vào siêu thị là không ai nói đến chuyện cảnh sát hỏi giấy tờ. Ai có đô la, euro đều được đổi, ai dùng thẻ cũng được. Thế là siêu thị trở thành lựa chọn số một của người tiêu dùng, và dân Nga trung lưu, thượng lưu dần dần quên mất chợ! Chợ chỉ dành chủ yếu cho tầng lớp dân có thu nhập thấp.
 
Thêm vào đó, giá thuê mặt bằng chỉ có tăng mà không hề giảm xuống. Tại chợ Liublino giá thuê một quầy bán hàng vẫn còn dao động ở mức 700 ngàn đến 900 ngàn một tháng, xấp xỉ 30 ngàn đô la, có nghĩa là mỗi một ngày, bằng cách nào đó, người thuê chỗ bán hàng phải lo cho đủ 1000 đô la để có chỗ kinh doanh, chưa kể tiền ăn, tiền đi lại, tiền giấy tờ và hàng chục khoản lo khác. Điều đó buộc những người bán hàng phải tăng giá lên để có lãi, từ đó tạo nên sự san bằng giá chợ và siêu thị. Như vậy chỉ có lợi cho hệ thống siêu thị đang làm chủ mọi tình thế trong cuộc chiến giành giật khách hàng. Còn có một vài lý do nữa như hạn ngạch lao động của Thành phố cho kinh doanh bán lẻ đang hạ xuống mức tối đa; hệ thống thu thuế ngày càng chặt chẽ, những yêu cầu về chất lượng hàng càng ngày càng cao... để thấy được người Việt đang gặp phải những khó khăn âm thầm, nhưng khốc liệt.
SV Việt Nam đón tết cổ truyền dân tộc tại Matxcova (Nga). (Ảnh: KT Internet)
Kể từ khi Hội Khoa học Kỹ thuật LB Nga ra đời đến nay đã ngót hai chục năm. Tiếp sau đó là hàng loạt hội vừa nghề nghiệp, vừa xã hội cũng ra đời, xuất hiện một cách trang trọng, đường bệ. Các hội viên hai thập kỷ trước, giờ đây mái đầu đã điểm bạc, đã lên ông, lên bác, thay vào đó là thế hệ thứ ba, bậc con, bậc cháu. Những gương mặt có tên tuổi, được đào tạo một cách bài bản, quy củ, đầy kinh nghiệm đã thưa vắng đi nhiều. Hình ảnh những buổi gặp mặt có Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh, Mai Quỳnh Nam, Nguyễn Bá Anh, Nguyễn Thăng Long, Nguyễn Văn Thạc, Trần Văn Cơ, Đoàn Anh Trung ... đã lùi về dĩ vãng.

Có những người đã vĩnh viễn ra đi; có những người về nước yên bề vui vầy thú điền viên; cũng có người về nước có cương vị, chức danh; cũng có những người cao tuổi sống bình an, lặng lẽ. Và ở lại vẫn còn một số người cũng đang vương vấn với thuở tráng niên, muốn góp phần chèo chống, tham gia các hoạt động xã hội như là một thứ nghiệp, một công việc chẳng thể dừng. Mới đây thôi, tôi và anh Lê Minh Dần, cán bộ Sứ quán phụ trách Công tác cộng đồng, ngồi thống kê lại số lượng người Việt tại Nga giúp cho các hoạt động sắp tới của Sứ quán và các Hội. Nếu lấy mốc năm 1981 có hơn hai trăm ngàn người sang lao động, thì vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ mới, con số đó chỉ còn lại chừng hơn một phần ba. Đa phần người Việt đều dùng hộ khẩu năm một.
 
Khái niệm hộ khẩu đã có chút thay đổi, những ai về nước vài ba năm, quay trở lại cũng hơi lạ với các danh từ mới. Năm qua, phía Nga mặc dù cấp hạn ngạch lao động ít hơn, nhưng trong số đó có hộ khẩu ba năm, thay vì chỉ một năm như trước. Hộ khẩu ba năm là bước quá độ để tiến lên thẻ xanh tạm trú. Nó chưa phải là hộ khẩu công dân, nhưng có thẻ xanh, hay ba năm là tốt lắm rồi. Bởi vì nếu hộ khẩu một năm thì các giấy tờ ăn theo như bằng lái xe, visa, bảo hiểm, thuê nhà đều phải một năm, hết mùa thì làm lại từ đầu, cực không tả xiết. Tuy Matxcơva khó khăn là vậy, nhưng những thành phố xa như Kraxnodar, Volgagrat, Ekaterinburg, người Việt đang tiệm cận tiến đến xu thế ổn định, đại đa số có hộ khẩu ba năm, thẻ định cư và hộ chiếu Nga, số ít đăng ký năm một. Đó là một kỳ tích của cộng đồng, mở ra một chương mới cho người Việt tại miền băng tuyết.
 
Mặc dù số lượng người Việt đang giảm đi so với trước, nhưng số hiệp hội lại tăng lên bội phần. Rộ nhất là các Hội Đồng hương. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm mà Matxcơva đã có thêm Hội Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hoá, Kinh Bắc và sắp tới sẽ có thêm một số hội nữa. Mỗi khi hội họp, mỗi khi tổ chức văn nghệ, các Hội đều mượn nhà hàng Trung Hoa nằm trong chợ, tuy giá cả có đắt, nhưng được cái tiện. Rời chợ, đi bộ chừng năm phút là vào nhà hàng luôn, khi xong thì ra xe chạy một mạch về nhà. Hy vọng dăm ba năm nữa, khi Trung tâm Hà Nội được khánh thành thì chắc sẽ chấm dứt cảnh Cộng đồng người Việt đi thuê nhà hàng ngoài khu chợ để tổ chức văn nghệ, lễ tết, vừa đắt đỏ, vừa phụ thuộc.

Năm nay, tròn ba chục năm người Việt xuất khẩu lao động sang Liên Xô. Những người sang từ thời ấy đã cao niên, người đã nghỉ ngơi, người vẫn từng ngày bươn chải, người tham gia tại các công ty, người làm oshin nuôi cháu. Họ vẫn là người Việt làm ăn ở Nga, vẫn chưa có một điều luật nào công nhận họ là người bản địa, phần lớn họ chưa phải là người Nga dù đã qua đi gần nửa cuộc đời. Mỗi năm khi Tết đến, lớp người ấy thường ngồi lại với nhau, ôn cố tri tân, mới thấy biết bao dâu bể, thương hải tang điền./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên