"Nhà hạnh phúc” của nhiều người Việt ở Sydney

Tại Sydney, Australia có một ngôi nhà thường được mọi người gọi với cái tên "Lovely Vietnamese House” (Nhà hạnh phúc). Chủ sở hữu ngôi nhà này là một người Australia.

Nghe kể rằng ngôi nhà gần 100 năm tuổi của ông chủ Richard Turnell đã và đang là chỗ trú chân của không ít lớp du học sinh Việt Nam. Ông Richard đồng ý cho mọi người vào ngôi nhà sống không phải vì tiền bạc mà xem đó là niềm vui, nhằm tạo ra bầu không khí vui vẻ, đầm ấm trong ngôi nhà để giúp ông đỡ hiu quạnh. Ông Richard kể: "Tôi làm kỹ thuật viên tại trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và trước đó chỉ sống một mình trong căn nhà này tại vùng Petersham. Ngày kia, tôi chợt nghĩ mình đang sống thui thủi một mình trong ngôi nhà quá rộng, vậy sao không tìm thêm người đến ở cùng cho vui. Thế là tôi bèn đăng thông báo cho thuê nhà tại bảng thông báo của nhà trường. Tiếp đó, có hai bạn trẻ người Việt tên Minh và Bình tìm đến ngôi nhà này vào đầu năm 2008. Khi ấy cả hai đều đang học tiến sĩ tại trường UTS và cho biết đang sống chật chội tại một căn phòng trọ ở khu vực Newtown, chi phí các thứ rất eo hẹp nên tôi chỉ lấy tiền thuê nhà ở mức tối thiểu để họ có thể sống được. Sau khi Minh và Bình đến ở cùng, tôi nhận thấy họ cần có gạo để ăn và một số đồ dùng trong các sinh hoạt khác. Tôi lại nảy ra một ý, rằng tại sao mình không mua gạo, mua những thứ cần thiết như dầu ăn, mắm, muối, gia vị, trái cây, đường sữa, bột giặt... như thế chắc chắn mọi người sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí. Riêng khoản tiền thuê nhà tôi tính toán một cách thật hợp lý để phù hợp với các bạn du học sinh Việt Nam, đồng thời số tiền đó cũng là phần để tu sửa ngôi nhà vì nó đã quá cũ kỹ, gần xuống cấp rồi!”.

Ông Richard và du học sinh Việt Nam tại "Nhà hạnh phúc”
Bạn Thu Diễm, sinh viên trường Đại học UTS, một thành viên khác của "Nhà hạnh phúc” chia sẻ: "Hẳn các bạn sẽ không thể tìm được nơi nào có giá rẻ hơn ngôi nhà này, thậm chí rẻ nhất Sydney! Song điều tôi thực sự ấn tượng là ông chủ nhà rất tốt bụng. Ông ta đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong việc học tập. Bên cạnh đó, sống trong nhà của một người bản xứ nên tiếng Anh của tôi cũng khá lên nhiều”. Cứ thế, "Nhà hạnh phúc” và người chủ của nó đã sống và giúp đỡ hết lớp sinh viên này đến lớp sinh viên khác, đến rồi đi. Tính tới nay đã có gần 40 du học sinh Việt Nam từng sống ở đây nhưng Richard luôn tự hào cho biết không ai rời bỏ ngôi nhà này ra đi vì bức xúc, giận dữ hoặc cãi cọ. Hầu hết trong số họ chỉ thực sự rời ngôi nhà khi họ kết thúc khóa học và quay trở về quê hương Việt Nam.

Mỗi thành viên sống tại đây đến với ngôi nhà bằng các cách khác nhau nhưng ngoài lần đầu tiên dán thông báo cho thuê nhà, sau đó ông Richard chưa phải làm việc đó thêm lần thứ hai. Cứ người này về nước mách cho người khác tìm đến thế chỗ và hầu như căn nhà không bao giờ có phòng nào bỏ trống. Bạn Thu Diễm nói thêm: "Một người bạn của tôi giới thiệu tôi đến ở ngôi nhà này khi tôi lần đầu tiên tìm đến Sydney. Khi đến xem nhà, ban đầu tôi không ưng ý lắm vì ngôi nhà khá cũ kỹ. Tuy nhiên khi vào đến gian bếp, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là hai lá cờ Việt Nam và cờ Australia nằm song song ở vị trí trang trọng trong không gian chung của ngôi nhà. Trong lòng tôi, có một cảm giác gì đó rất khó tả và tôi đã quyết định dọn đến ở”.

"Ngôi nhà hạnh phúc” còn có những quy định chung và một điểm đặc biệt trong số những quy định ấy là nếu ngày sinh nhật của ai rơi vào đúng tuần lễ thanh toán tiền nhà thì người ấy sẽ được miễn phí tiền nhà trong hai tuần lễ đó. Đồng thời sẽ có một buổi tiệc nho nhỏ mừng sinh nhật và ông chủ nhà thường hào phóng mua thêm ít đồ uống và hoa quả cho bữa tiệc càng thêm vui. Bạn Thanh Đại - người có "thâm niên” lâu nhất trong "ngôi nhà hạnh phúc” nói: "Điều tôi thấy thích thú nhất khi ở trong ngôi nhà này là những chuyến đi dã ngoại tập thể. Ông Richard là người thích du lịch vì thế ông rất hay tổ chức các buổi dã ngoại, cắm trại cho cả nhà. Ông tự mình lái xe và mua sắm các dụng cụ cắm trại cho chúng tôi. Sau những chuyến đi, chúng tôi hiểu biết thêm về văn hóa Australia và những vùng đất mà chúng tôi đã từng đặt chân qua. Từ đó, chúng tôi biết cách hòa nhập với môi trường sống, có hiểu biết về môi trường hơn trong những điều kiện thiếu thốn, khó khăn qua những chuyến dã ngoại...”.

Ông Richard vẫn thường hay tâm sự: "Tôi nghĩ rằng mô hình hoạt động của ngôi nhà hạnh phúc này đã ít nhiều mang đến niềm vui cho tôi và cho mọi người. Tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động của nó cho tới lúc nào tôi còn có thể làm được!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên