Nhiều đột phá trong công tác đối với NVNONN
Nghị quyết 36 ban hành cùng với sự ra đời hàng loạt chính sách cởi mở trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thực sự làm cho bà kiều bào cảm thấy mình là một bộ phận không tách rời của dân tộc, là người chủ đất nước
Nhân buổi họp báo thông báo Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn
PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết đánh giá của cá nhân ông về những điểm đột phá trong chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Nghị quyết 36 đem lại?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Bản thân Nghị quyết 36 ban hành năm 2004 là một đột phá trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết đã công khai chủ trương, chính sách của Đảng đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Từ khi Nghị quyết ra đời, nhãn quan của các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đối với công tác kiều bào có chuyển biến quan trọng. Đó là xác định kiều bào là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, bà con phải là bộ phận được Nhà nước bảo hộ như đối với người trong nước.
Đột phá nữa là ra đời hàng loạt chính sách cởi mở đối với bà con kiều bào, nổi bật nhất là Luật Quốc tịch năm 2008, mở cho bà con điều kiện hội nhập sau rộng với quốc gia sở tại nơi sinh sống bởi bà con được phép mang hai quốc tịch. Đây là cách nhìn rất khách quan đối với một quốc gia trải qua giai đoạn chiến tranh khá dài và mới hội nhập quốc tế, nhưng đã “đi tắt, đón đầu” tốt với các Công ước quốc tế và chính sách quan hệ quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tại Lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã khẳng định: “Tổ chức LHQ đánh giá Việt Nam là mô hình tiêu biểu cho hợp tác quốc tế”. Tôi cho đây là một nhìn nhận khách quan bởi chính sách hội nhập của Việt Nam đang thu được những kết quả tốt, được bạn bè đánh giá cao, coi Việt Nam là cầu nối giữa các nước ASEAN.
Đột phá nữa là tạo cho kiều bào một vị thế như người dân trong nước, bà con không bị phân biệt đối xử. Trước đây, kiều bào cũng được coi như người nước ngoài nhưng từ khi có Nghị quyết 36 cùng với một loạt chế độ được ban hành, thì bà con kiều bào trở về quê hương cảm thấy mình thực sự là người chủ của đất nước. Đây là tâm tư của đa số bà con mà chúng tôi đã ghi nhận được qua các Hội nghị và các chuyến đi công tác ở nước ngoài. Nhiều Nghị sĩ của Mỹ cũng cho rằng, trong những năm vừa qua, chính sách của Việt Nam đối với kiều dân là rất tốt.
PV: Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù.
Đảng và Chính phủ Việt Nam nhìn nhận, đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực sự là một khối không tách rời của dân tộc Việt Nam. Cho nên chúng ta đã mở rộng cửa để đón nhận họ, như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu với bà con kiều bào ở California năm 2007: “Mẹ Việt Nam sẵn sàng giang rộng cửa để đón những người con Việt Nam xa quê hương trở về Tổ quốc, dù họ ra đi trong hoàn cảnh như thế nào”. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước có chính sách hết sức đúng đắn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua từng việc làm, quyết sách cụ thể.
Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút.
Trong thời gian vừa qua, cùng với kết quả của Nghị quyết 36, chúng tôi có đề án cụ thể chủ động tiếp xúc với họ vì vị thế của nước ta đang rất thuận lợi. Chúng ta đang được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2008-2009 và vừa kết thúc xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN... Việt Nam đứng vững trên đôi chân của mình, hội nhập sâu rộng với tất cả quốc gia trên thế giới.
Không có lý gì mà chúng ta không giành thế chủ động, chìa bàn tay với những người còn hiểu lầm về đất nước, còn mơ hồ về việc họ có thể lật đổ chế độ chúng ta. Chúng tôi đã quyết định có đoàn liên ngành cùng với các cơ quan báo chí trong nước đi công khai, gặp gỡ những phần tử còn chống đối quyết liệt nhất, cố tình không hiểu tình hình trong nước. Chúng tôi đã nêu công khai với Đại sứ quán Mỹ, thông qua cơ quan đại diện Ngoại giao ở các quốc gia như Mỹ, Canada... để có thông tin đến các tổ chức, cá nhân này. Họ rất bất ngờ trước kế hoạch này và lúng túng, cố tình không gặp.
Khi nào họ thực sự muốn gặp công khai như họ nói (nhưng thực ra khi yêu cầu gặp công khai họ lại không dám gặp), thì chúng tôi sẽ sẵn sàng gặp. Chúng tôi đang muốn gặp họ công khai với sự chứng kiến của phóng viên trong và ngoài nước, bà con kiều bào để tìm hiểu xem vì sao họ còn hận thù với đất nước. Và cũng để họ hiểu rõ rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đối với họ, nếu họ thực sự muốn hướng về Tổ quốc, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng kiều bào dâng hương tại Đền Hùng |
PV:
Qua một số kênh báo chí quốc tế, một số đối tượng Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về việc khó khăn trong xin visa về nước. Xin ông cho biết đối tượng nào không được giải quyết và chúng ta có công bố rõ ràng không?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trước hết, những đối tượng bị cấm nhập cảnh Việt Nam, chúng ta đã có danh sách cụ thể. Đó là những đối tượng công khai tham gia các tổ chức hoạt động chống lại Chính phủ và Nhà nước Việt Nam với âm mưu lật đổ chính quyền. Phần lớn đây là những người chủ chốt, cầm đầu các Đảng phái phản động đang tìm cách chống đối lại chúng ta, đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước ngoài nắm danh sách cụ thể của từng người.
Số còn lại không nằm trong danh sách chủ chốt, chúng ta vẫn cho về bình thường, để họ khỏi không thể bao biện rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hay cư trú đi lại. Con số này chúng ta cũng đã có con số thống kê chính xác và biết rõ họ về nước làm gì.
Có thể khẳng định, số người đến cơ quan đại diện nhận được visa hoặc không nhận được visa là do có tham gia hay không vào các tổ chức phản động chống phá đất nước. Còn tất cả các công dân làm ăn sinh sống bình thường ở nước ngoài, trở về nước hết sức dễ dàng vì đã có quy định của Thủ tướng năm 2007 là miễn visa cho những người còn hộ chiếu Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam không phân biệt, không gây khó khăn cho người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, kiều bào có quốc tịch nước ngoài nói riêng. Cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cũng được chỉ đạo là không được gây khó khăn, cản trở cho những đối tượng không nằm trong danh sách.
PV: Xin cảm ơn ông./.