Nhớ Tết quê hương

Nơi quê người, dù trên trên mâm cỗ cũng đủ bánh chưng, dưa hành, mứt Tết…, nhưng điều đó chỉ mách bảo tôi, bây giờ ở Việt Nam đang ăn Tết cổ truyền.

Ở Việt Nam, năm nào tôi cũng về quê ăn Tết. Gần Tết, bạn bè cơ quan hỏi năm nay ăn Tết ở Hà Nội hay ở quê? Mùng mấy thì ra? ... Tất bật gói gém công việc, chuẩn bị đồ đạc, đúng ngày nghỉ là vù ra bến xe, muộn mấy cũng đón bằng được xe để về quê.

Về đến nhà, việc đầu tiên là mang mấy thứ đồ lên bàn thờ thắp nén nhang khấn tiên tổ, sau đó là đi chợ sắm Tết.

Chợ Tết quê tôi giờ đã có nhiều mặt hàng xa xỉ, với những quầy hàng khang trang, nhưng vẫn còn đó những dãy lều tre, với đủ thứ quà quê, bánh khoai, bánh tẻ, bánh nếp… và câu đối viết bằng mực tàu trên giấy đỏ.

Vienna rực rỡ trong Tết tây, nhưng cộng đồng Việt vẫn nao lòng nhớ về Tết dân tộc

Ở đây, tôi gặp lại những gương mặt thân quen từ thủa cắp sách tới trường, những nụ cười thân mật và những lời thăm hỏi ấm nồng… Ký ức về những ngày thơ ấu theo mẹ đi chợ Tết cứ ào ạt tràn về.

Tết quê mình thật diệu kỳ, vẫn ngôi nhà ấy, những con người ấy, vậy mà chỉ qua một đêm thôi, sáng mùng 1, cái gì cũng mới, thuần khiết, tinh khôi và thân thiết đến lạ kỳ.

Mọi thứ như vỡ òa bởi tiếng chúc tụng râm ran khắp đầu làng, cuối xóm, những nụ cười tươi rói xóa tan những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày. Vui nhất là lúc cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, con cháu nắm tay ông bà, gửi gắm lời chúc phúc, mừng tuổi cho con trẻ, rồi kéo nhau đi thăm hỏi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Dù quen hay lạ cứ gặp nhau là chúc mừng năm mới, cả làng ven biển quê tôi như bừng lên. Và tiếng chuông chùa ngân nga, mùi khói hương nghi ngút khiến lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản lạ thường.

Từ ngày sang Áo công tác, gia đình tôi vẫn giữ phong tục Tết quê hương. 23 tháng Chạp, gia đình cúng ông Táo. Mâm cỗ mùng 1 Tết từ bánh chưng, giò lụa, canh măng đến dưa hành… không thiếu thứ gì. Chỉ có điều, bên ngoài đường chỉ thấy những hàng cây mùa lá rụng phủ đầy tuyết, xung quanh không một bóng người.

Mặc dù cộng đồng người Việt và các gia đình vẫn tổ chức ăn Tết, vẫn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và trên mâm cỗ cũng đủ bánh chưng, dưa hành, mứt Tết…, nhưng điều đó chỉ mách bảo tôi, bây giờ ở Việt Nam đang ăn Tết cổ truyền. Tôi không có được cái cảm giác háo hức, chộn rộn trong lòng. Còn con trai tôi thì hỏi: “Sao ở đây Tết chẳng thấy gì?!”.

Vẫn giữ phong tục truyền thống của Tết Việt

Mùa đông, Áo chênh với Việt Nam 6 tiếng. 18h ở đây là giao thừa ở Việt Nam. Trong khi ở         quê nhà, mọi người đang nhộn nhịp đón Xuân, thì ở Áo người thì đang làm việc trong nhà máy, người bán hàng ngoài chợ…, mọi thứ vẫn diễn ra như thường lệ.

Tối 30 Tết, mọi người chỉ kịp thắp nén nhang, gọi điện về nhà chúc Tết người thân. Hôm sau là hết Tết. Cũng may năm nay, 29 Tết, đúng vào chủ Nhật, nên nhiều gia đình người Việt tổ chức đón giao thừa.

Huyền – một cô gái quê Nam Định đã sống ở Áo 7 năm tâm sự: 7 năm xa quê cứ tưởng sẽ làm mình quen với cuộc sống nơi đây, vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Nhưng trái lại mỗi ngày đi qua càng làm cho nỗi nhớ càng dày thêm.

“Giờ này chắc bố mẹ em đang cúng giao thừa, không biết mấy đứa em ăn Tết thế nào, hội cùng lớp có tụ tập với nhau không…”, Huyền trầm ngâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên