Những bước chân không mỏi

(VOV)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về đồng đội, về mất mát chiến tranh vẫn chưa nguôi trong tâm trí Đại tá Nguyễn Đình Lộc.

Ngày ngày, người dân huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh lại nhìn thấy người đàn ông năm nay 75 tuổi vẫn thoăn thoắt trong từng bước chân đến động viên, sẻ chia với các nạn nhân chất độc da cam nơi quê mình sinh sống. Với Đại tá về hưu Nguyễn Đình Lộc, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người từng đi qua hai cuộc chiến.

Ông Nguyễn Đình Lộc xem lại những hình ảnh đau lòng của các nạn nhân bị di chứng chất độc da cam/dioxin ở huyện Cẩm Xuyên cần được quan tâm giúp đỡ

Lật lại những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian, Đại tá Nguyễn Đình Lộc rành rọt kể cho chúng tôi nghe về nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đó, thân phận những đồng đội, các em nhỏ bị tật nguyền được ông chụp và ghi chép cẩn thận.

Hơn ai hết, người đàn ông mang thương tật 2/4 vì súng đạn của kẻ thù hiểu rất rõ nỗi đau da cam. Để rồi, khi không còn tham gia công việc tại Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Xuyên nữa, ông đã gắn phần còn lại của cuộc đời mình với khát vọng có thể làm vơi đi phần nào nỗi đau của đồng chí, đồng đội, những đứa trẻ vô tội mang di chứng chiến tranh.

Hành trình vô cùng ý nghĩa của người lính già là đến tận ngõ, gõ tận nhà tất cả các hộ gia đình của 27 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện để chia sẻ với họ nỗi đau của chất độc da cam. Gần 2.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam mà ông tiếp xúc là hàng trăm, hàng nghìn hoàn cảnh, nỗi đau khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là cần sự sẻ chia, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng, xã hội.

Niềm thôi thúc trước hết ở ông là làm sao giúp đỡ các đồng đội, nạn nhân chất độc da cam đang phải ngày đêm sống trong những căn nhà rách nát, mưa dột gió lùa. Thế là những bước chân không mỏi của người lính năm xưa lại đi khắp mọi miền đất nước để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Ước nguyện bước đầu của ông Lộc đã được thực hiện khi một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP HCM trợ giúp xây dựng 16 căn nhà kiên cố cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, với trị giá 35 triệu đồng/căn. Thời gian trôi qua, tâm nguyện sẻ chia nỗi đau da cam với đồng chí, đồng đội và con em họ đã giúp ông dẻo dai hơn trên mỗi chặng đường.

Đại tá Nguyễn Đình Lộc cho biết, ký ức chiến tranh, nghĩa tình đồng đội đã khiến ông xoa tan đi những toan tính đời thường. Ông đã dành hết những đồng lương ít ỏi của mình để lên tàu ra Bắc vào Nam, kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng.

Và rồi trái tim nóng, ân tình cao đẹp của người lính già đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Không chỉ huy động được kinh phí xây nhà cho các nạn nhân da cam mà ông Lộc còn kêu gọi được các tổ chức trong và ngoài nước về huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh phẫu thuật, chữa trị cho những nạn nhân bị di chứng nặng nề của chất độc nguy hiểm này.

Song có lẽ ý nghĩa hơn cả là sự xuất hiện của Trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng dạy nghề, dạy chữ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật đang được xây dựng tại thị trấn Cẩm Xuyên, với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Ở đó, các đồng chí, đồng đội của ông, các em nhỏ bị chất độc da cam được hòa nhập cộng đồng, được học nghề, học chữ. Nhưng với Đại tá về hưu Nguyễn Đình Lộc, đó chưa phải là điểm cuối của cuộc hành trình vì đồng chí đồng đội, vì nạn nhân chất độc da cam.

Tâm niệm, lời nhắn nhủ mộc mạc, đậm chất lính của người đàn ông từng đi qua hai cuộc chiến tranh, giúp chúng ta càng hiểu, nâng niu hơn những việc ông làm. Bởi trong ánh mắt đồng đội, đồng chí của Đại tá Nguyễn Đình Lộc, những nạn nhân chất độc da cam ở nơi miền trung du Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh luôn ánh lên sự lạc quan và niềm tự hào về người cựu chiến binh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên