Những nàng dâu hiếu thảo

(VOV) - Đây là tên gọi của phong trào nhận chăm sóc cha mẹ, vợ liệt sĩ neo đơn, già yếu.

Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, các bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở miền đất xứ Quảng đang sống vui, sống khỏe trong sự chăm sóc, phụng dưỡng của toàn xã hội. Ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đằng sau lũy tre làng có những người phụ nữ nhận mình là “nàng dâu hiếu thảo” chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các Mẹ.

Đến thôn Phú Long, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, mọi người đều cảm phục về nghĩa cử của chị Nguyễn Thị Bê. Từ phong trào nhận chăm sóc cha, mẹ, vợ liệt sỹ neo đơn già yếu trên tinh thần tự nguyện với tên gọi “Nàng dâu hiếu thảo”, năm 1993, chị Bê nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Trích.

Công việc hàng ngày của chị Bê là lo việc nhà, đi chợ, nấu ăn, chăm sóc Mẹ lúc trái gió trở trời. Công việc đòi hỏi lòng nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, nhưng trên hết là lòng thương yêu, kính trọng vô bờ đối với người Mẹ đã hiến cả cuộc đời cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng là một nghĩa cử cao đẹp (Ảnh minh họa)

Mẹ Trích năm nay đã ngoài 80, độ tuổi mà người già thường hay đãng trí, đôi lúc Mẹ hờn giận vu vơ. Sống với Mẹ gần 20 năm, chị Bê hiểu và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của Mẹ. Chính sự chịu khó của chị Bê đã phần nào xoa dịu nỗi buồn trong lòng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Trích.

Cũng như chị Bê, chị Lương Thị Sáu, 33 tuổi ở thôn Tập Phước, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc được chồng con, họ tộc, xóm làng ủng hộ và đề cao việc làm của chị. Gia đình chị Sáu cũng thuộc diện nghèo. Cả gia đình sống nhờ vào 5 sào ruộng, nuôi thêm con gà, con vịt, chồng lại thường đi làm xa để nuôi 3 đứa con ăn học.

Nghèo là thế nhưng chị Sáu tự nguyện phụng dưỡng người cha mẹ liệt sĩ neo đơn là cụ ông Nguyễn Hoa, 94 tuổi và cụ bà Võ Thị Hoa, hơn 90 tuổi cho đến khi cụ ông trút hơi thở cuối cùng, còn cụ bà nằm liệt giường vì tuổi cao, sức yếu.

Chị Lương Thị Sáu, thôn Tập Phước, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tâm sự: “Vợ chồng em đi làm nuôi con cực khổ. Thấy ông bà không có ai nương tựa nên em có tình cảm với ông bà như người ruột thịt của mình và em quyết định chăm sóc ông bà”.

Về Đại Lộc còn được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động của những “nàng dâu hiếu thảo” nơi xứ Quảng như chị Lê Thị Hiểu chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tảo; chị Ngô Thị Sáu chăm sóc Mẹ Ngô Thị Xuân, chị Bùi Thị Tâm chăm sóc Mẹ Đinh Thị Cả...

Mỗi nàng dâu là một biểu tượng cao đẹp về lòng nhân ái, đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Hơn 25 năm phát động phong trào, toàn huyện Đại Lộc đã có trên 100 chị em đảm nhận vai trò nàng dâu hiếu thảo.

Chị Trần Thị Kim Yến, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, người đã gắn bó với phong trào chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng từ những ngày đầu phát động bày tỏ: “Chính việc làm của các chị đã góp phần chia sẻ được phần nào những mất mát, hy sinh của các Mẹ”.

Đẹp thay tấm lòng của những “nàng dâu hiếu thảo” ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các chị đã san sẻ tình thương, chăm sóc cha mẹ Việt Nam anh hùng như trách nhiệm của người con dâu thật sự. Các ông, bà, cha, mẹ liệt sĩ đã tựa vào những người con hiếu thảo để sống khỏe, sống vui ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên