Nụ cười nơi tâm chấn
Đ.B.N là một phụ nữ 25 tuổi, người Hà Nội lấy chồng Nhật Bản. Đang mang bầu 4 tháng, nhưng cô không đi sơ tán mà ở lại vùng tâm chấn, tham gia cùng những người tình nguyện
Trận đông đất 8.8 độ richter tại Nhật Bản đã xảy ra được một tuần nhưng thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng về sức tàn phá khủng khiếp của nó. Thảm họa khiến người ta hình dung rõ hơn sự mong manh của thân phận con người, về những sấm ký liên quan tới ngày tận thế. Song, sự cuồng bạo của động đất và sóng thần đã không bẻ gãy được ý chí của người Nhật, ngươc lại, những câu chuyện và những nụ cười nơi tâm chấn cho thấy một hình ảnh khác về niềm tin chế ngự và vượt qua thảm họa.
Câu chuyện của Đ.B.N, một phụ nữ Việt Nam 25 tuổi, đang sinh sống ở Khu Sato Nomori, thành phố Iwanuma, tỉnh Miyagi (vùng tâm chấn) với nhà báo Lê Vân Anh (hiện đang công tác tại Nhật Bản) là một thông điệp như thế.
![]() |
Một gia đình người Nhật thong thả đi bộ cạnh những chiếc ô tô bị sóng thần cuốn dồn về một góc ở phía Đông Sendai |
N. quê gốc Hà Nội, nhà ở quận Hai Bà Trưng, có chồng là một kỹ sư người Nhật đã từng tham gia dự án xây dựng cầu Thanh Trì. Cô mới sang Nhật 4 tháng, và đang mang bầu tháng thứ tư. Lúc này, cô đang tham gia công tác cứu trợ với những người ở lại không đi sơ tán.
VA: Chào em, người Việt ở chỗ em đã sơ tán an toàn. Thế còn em thế nào, khi mọi người đi sơ tán, một mình em ở lại?
Đ.B.N: Lúc ấy em cũng định đi rồi, nhưng vì chồng em là chuyên gia điện ngầm của Nhật, nên thành ra phải làm điện cho tất cả mọi người, đặc biệt là công ty của anh ấy đang phải cố gắng làm điện cho Fukushima chỗ Daiichi ấy ạ (Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1). Em nghĩ, mọi người là du học sinh, lưu học sinh, xuất khẩu lao động, mỗi người có một con đường khác nhau. Còn em, đây là quê hương thứ 2.
Mà em biết, không phải chỉ có một mình em ở đây. Em đã kết nối được thêm với một chị nữa, cũng sống ở đây 15 năm rồi. Chị ấy ở xa vùng tâm chấn. Em ở ngay Miyagi luôn. Sáng nay em vừa đi làm tình nguyện viên cho mọi người mặc dù em đang có bầu 4 tháng (cười).
VA: Gọi được cho em thế này chị rất mừng vì nghe kể chuyện, chị cảm thấy rất lo, ai cũng lo, vì sao em có bầu mà lại quyết định ở lại như thế?
Đ.B.N: Bố mẹ em ngày nào cũng gọi bảo đi về đi. Em sống ngay ở Hà Nội mà. Nhưng mà (cười), em nghĩ rồi, người Nhật người ta làm được thì chẳng có gì mà em không làm được. Gia đình em ở đây.
Các anh (người Việt- PV) ở đây cũng lo, anh Tính cũng giục, anh Dũng cũng giục, anh Kỳ… Hôm đó có hai nhóm xuất phát, em biết rõ tất tần tật. Thật sự, đến lúc cuối cùng em khóc, em nói với các anh là các anh đi giữ gìn sức khỏe, không phải lo cho em đâu. Yên tâm, đến bây giờ em còn sống giữa sóng thần như thế thì số chưa chết đâu.
Các anh ấy cười bảo, thôi thôi thôi, nghe được một người Việt Nam nói như thế này là tốt lắm rồi. Em ở lại như thế này cũng động viên tinh thần được cho chồng em. (dịu giọng) Chồng em càng cố gắng hơn vì công việc của anh không phải là công việc bình thường. Em phải rất tự hào về chồng của em, vì chồng của em đang (ngừng)...
Hiện tại mọi người, ai cũng chạy hết như thế thì chết à?. Chồng của em vẫn phải đi làm, còn phải làm hơn bình thường để đảm bảo điện cho mọi người. Điện đang về khắp nơi.
VA: Nhưng mà chị hỏi thật, lúc mọi người đi rồi, em có khóc không?
Đ.B.N: Trước lúc đấy thì em có khóc, em nói với chồng là: tính thế nào?. Chồng em bảo, em và con là trên hết. Em mới bảo, thế anh ở lại nhé… (bắt đầu mếu máo, nghẹn giọng). Anh bảo, anh ở lại anh chỉ lo cho em. Em bảo là, không phải lo. Đây là xe của Đại sứ quán, không phải lo (Đại sứ quán cho 3 xe đến đón người Việt ở các tỉnh bị nạn).
Anh bảo, vấn đề ở đây không có người Việt Nam… (Giọng sôi nổi trở lại) Hôm đi sơ tán (lúc động đất và sóng thần), gia đình em không có một người nào. Chồng đi làm, mẹ chồng đi làm, em cũng đang đi làm. Thấy động đất em cứ chạy theo mọi người không biết chạy đi đâu nữa (giọng nức nở như vừa cười vừa khóc)…
Đúng là em nói thật với chị lúc đấy đất nứt phía dưới chân, em không biết em chạy đi đâu. Lúc đấy không biết như thế nào, sợ thì không phải sợ, em còn giúp đỡ rất nhiều người nữa. Người ta hỏi: thế mày người nước nào?- Cháu là người Việt Nam. - Hả, ở đây mà cũng có người Việt Nam á?.- Vâng, cháu mới đến được 4 tháng thôi. - Thế mày không sợ à, mày chạy đi!.- Không ạ, cháu chạy cùng mọi người.
Chồng em phải đến 3h đêm hôm đấy mới tìm được em. Mẹ chồng em thì hai ngày sau em mới tìm được.
Thật sự là, chỗ em là vùng tâm chấn mà chị, kinh hoàng lắm!.
Từ sáng nay này, mẹ chồng em, dì ruột, chồng dì, gia đình chồng dì… họ hàng đi tình nguyện hết. Không cho em đi, nhưng mà em vẫn đi!. Em đi chỗ gần gần này (cười). Em chăm sóc những người chạy tị nạn ở chỗ nhà văn hóa ngay gần nhà em.
Buồn cười lắm nhé, em không hiểu tại sao người ta chạy được đến đây. Tại em nghĩ là những người gần đây thì mới chạy đến đây, nhưng mà có nhiều người ở rất xa, không hiểu làm sao mà lại chạy được đến đây. Nhiều người mất liên lạc, cứ nghĩ là người ta chết, nhưng mà không phải. Lúc đó họ cứ chạy mà không biết chạy đi đâu.
Bố mẹ em cũng tưởng em chết rồi. Em lại là trường hợp đặc biệt vì mới chân ướt chân ráo sang, không biết gì. Chỗ em lại không có người Việt Nam, mọi người tập trung ở Sendai hết. Em một mình, ngay gần sân bay Sendai. Chỗ đấy hiện tại là đang trong biển nước. Đi ra khoảng tầm 2-3 cây số là trong biển nước hết.
Chồng em cũng bảo, người Nhật không phải là không biết sợ, nếu thật sự nguy hiểm đến mức thảm họa, thì yên tâm là mọi người sẽ không ở lại. Sáng ra mọi người vẫn dắt chó đi dạo. Vẫn xếp hàng 3 cây số mua đồ.
Sáng nay em vừa đi xếp hàng mua đồ để giúp mọi người, người già và trẻ em. Nhất là trẻ em. Bây giờ trời đang tuyết rơi, thật sự là (hạ giọng, hít 1 hơi dài). Ôi trời ơi. Nói chung là, em khóc, nhưng mà em thấy người ta không khóc. Em khóc vì em thấy người ta, em thương, em khóc. Em nhìn lại em thì em thấy quá may mắn. Nhưng mà (giọng nghẹn ngào), em nhìn người ta, người ta không khóc, có nghĩa là... thế nào rất là khó nói chị ạ! (giọng như muốn khóc).
VA: Chị hiểu cảm giác đấy. Mình khóc không phải vì mình sợ.
Đ.B.N: Vâng, khóc không phải vì mình sợ. Chồng em nghe cũng khóc, chồng em từng công tác tại Việt Nam nên biết chút tiếng Việt. Chồng em bảo là, anh sẽ phải cố gắng hết sức nữa để có điện, để cho mọi người khắc phục. Còn em yên tâm về điện hạt nhân vì nếu nó quá nguy kịch, thì chắc chắn toàn bộ sẽ di dời và chạy. Lúc đấy, anh có chết anh cũng phải bảo vệ em.
Nghe thế em bảo, sống chết em cũng phải ở lại đây. Em gọi điện về cho bố mẹ em, em bảo, mẹ ạ, nếu con có chết thì bố mẹ hãy nghĩ là con chết vinh quang, vì con chết cùng hàng nghìn hàng vạn người Nhật, chứ không phải một mình con chết (cười).
Bố mẹ em khóc. Mẹ em bảo là tôn trọng quyết định của em và rất tin tưởng em. Thế là em cố gắng (cười).
VA: Tới hôm qua điện nước chưa có. Bây giờ trên đấy thiếu cái gì?
Đ.B.N: Bây giờ siêu thị gần nhà bắt đầu mở. Mỗi người chỉ được mua 10 đồ vật. Nếu mua bánh rồi thì không được mua cái bánh đấy lần thứ hai. Tổng số tiền khoảng 1000 yên. Kerosene (dầu hỏa để chạy máy sưởi) không có, gas không có. Em cũng phải tiết kiệm. Em nghĩ là mọi người cố gắng khắc phục thì em cũng phải khắc phục. Em tắt sưởi đi, em trùm chăn, 4 lớp chăn em ngủ. Em đang mang bầu 4 tháng. Đợt này em cảm thấy là thời kỳ quan trọng vì mới 4 tháng đầu. Phải cố lên!.
Chị biết không, hai hôm đầu, một ngày em ngủ ngoài ủy ban quận. Em ngủ với những người không biết từ đâu. Xung quanh nhà em không có một ai. Chồng không có, gia đình chồng không có. Không một người nước ngoài vì người Trung Quốc lúc đó chạy đi đâu hết rồi.
Đến 3 giờ đêm chồng em về tìm. Mình ngồi nhìn mọi người, có ngủ được đâu. Mọi người tinh thần thép lắm chị ạ. Họ mang cái onigiri, cơm nắm ấy, mùi khét mà bé tị, em chưa bao giờ thấy gói cơm nắm nào bé như thế. Họ chia cho em, em lại nhường cho người khác. Thấy em đang có bầu họ bảo em phải ăn. Em bảo: cụ già rồi, cụ ăn đi. Cụ ấy bảo, không, tao 80 tuổi rồi, người Nhật tao khỏe lắm, tao tắm onsen nên khỏe lắm. Mày là người Việt Nam, mày mới sang, mày phải ăn đi, ăn cho đứa bé. Mày mấy tháng rồi? 4 tháng?. Ôi thế thì càng phải ăn.
Chị biết không, người ta 80 tuổi người ta còn nhường cho em, mà cái cơm thì cơm trắng, nó bé tị…., nó khét lẹt, chắc là mọi người nấu bằng dầu hay như thế nào đó. Thế là em khóc. Em khóc mà người ta không khóc đâu.
Nhìn thấy mấy đứa trẻ con, em lại ra, em đưa cho mấy bác cứu hộ. Các bác ấy bảo mày phải ăn đi, trong lúc này thì phải tự lo cho bản thân. Lo được cho mình thì mình mới lo cho người khác được.
Rồi em gặp ông chú họ. Đi về. Nhà ông chú họ bay hết cả nóc rồi. Nhưng may có cái nhà nylon trồng rau giữ nhiệt. Ban ngày giữ nhiệt rất tốt, nhưng đêm sương xuống nhiều quá, em bị lạnh. Thế là em về nhà. Mẹ chồng em làm về Bưu điện nên phải cố gắng. Chồng em thì làm về điện nên càng phải cố gắng.
Em ở nhà nghe mọi người nói là đi tình nguyện viên, em sốt ruột cũng muốn đi nhưng mọi người không cho em đi, bắt em ở nhà. Mọi người đi làm tình nguyện ở xa, phải đi xe đạp hết. Ô tô không dùng được. Nhưng em vẫn đi. Đây em đang chuẩn bị đồ. Tất tần tật cái gì nhà em có thì em chia sẻ, tại vì mình khó khăn người ta chia sẻ, chẳng cần biết mình là người ở đâu, chỉ biết nắm tay chạy cùng nhau...
Vừa nãy em gọi điện cho chồng em, chồng em không nghe máy. Em nhắn tin nói là em đi tình nguyện viên, anh đừng lo. Cách nhà có mấy phút thôi. Bố mẹ anh chị họ đều đi tình nguyện xa. Vì chị ơi, cách nhà em có khoảng 5 phút đi ô tô thôi, sóng thần nó ập vào, nhà không còn dấu hiệu của nhà, chỉ còn đất không. Trên tivi em thấy đống đổ nát như bãi rác, nhưng ở đây bọn em thì không còn dấu hiệu của nhà. Không còn một cái gì luôn. Em không tin được vào mắt mình nữa (cười).
Em ở nhà, được bố mẹ bao bọc, chở che, sang đây, mới có 4 tháng thôi, mọi thứ còn chưa biết (mếu máo), chân ướt chân ráo chưa biết gì mà đã gặp phải thế này...
Các bạn ở Sendai còn nối được trang mạng người Việt. Còn chỗ em không có điện. Điện thoại, nước, nhà cửa sập, thức ăn không có, mái nhà thì bay. Em nhìn cái mái nhà nó bay hết. Ngồi trong nhà nhìn thấy trời.
Nếu mà sau chuyện này em còn sống sót, thì thật không phải biết nói gì, em số quá may mắn rồi!
Ôi, (thở dài) Chị ạ, em, em vẫn không tin là đã được 1 tuần rồi, vẫn tưởng là ngày hôm qua, vì dư chấn nó vẫn mạnh. Hôm 17/3, có đến 7-8 lần dư chấn. Từ sáng đến giờ (ngày 18/3) khoảng tầm 5 lần. Vẫn chưa ngừng. Nhưng giờ em quen rồi, như ngồi ghế mát-xa ấy!.
VA: Chồng em có làm cho nhà máy hạt nhân không?
Đ.B.N: Không, công ty chồng em chịu trách nhiệm về điện cho toàn bộ vùng Tohoku, công ty Yurtech, phụ trách điều tra thiết kế xây dựng mạng lưới điện lực cho 7 tỉnh trong toàn vùng.
Hiện tại công ty chồng em, từ Fukushima trở lên phía bắc. Chỗ chồng em làm là ở Shiro Ishi, gần nhà máy điện. Ở đó có nhiều nhà máy, nên phải tập trung khôi phục điện. Nhà em ở xa, chồng em đi làm bằng ô tô với 2-3 người trong công ty, xe có chữ cứu nạn, là xe công, ưu tiên.
VA: Chỗ em ở đến chỗ nhà máy điện hạt nhân bao xa?
Đ.B.N: Khoảng 60 đến 70km.
VA: Rất gần, rất nguy hiểm, cố gắng lên nhé! Hy vọng chị em mình còn nói chuyện với nhau nhiều nữa.
Đ.B.N: Vâng, nói chuyện với chị em cũng thấy thoải mái lắm. Vì chị biết không, nhiều người gọi điện sang cho em, một câu “đi về!”, hai câu “đi về!”.
Trong lúc này, hoảng loạn thì hoảng loạn thật, nhưng mà không đến mức nháo nhào.
Người Nhật họ bình tĩnh. Chẳng nói đâu xa, như chồng em ấy, em nhìn anh ấy mà em khóc. Em bảo anh giỏi nhỉ. Anh ấy bảo, không em ạ, anh giỏi gì, em nhìn đi, những người dắt chó đi dạo mới là giỏi.
Cái tinh thần của họ, em nói thật với chị, em nhìn họ, em nhìn lại bản thân em thấy xấu hổ (lặng một chút).
Em ở lại, cũng không phải vì bản thân em, em đã chấp nhận lấy chồng như thế này, bây giờ gặp thảm họa, em lại chạy sao được.
Em đã liên lạc được với một chị, chị ấy cũng bảo chị ấy ở lại, không sợ gì cả. Em nghĩ là còn nhiều người Việt Nam nữa, nhưng chưa liên lạc được thôi...
(VA: Câu chuyện giữa chúng tôi tạm dừng ở đó. Cầu mong điều tốt lành sẽ đến với Đ.B.N., cô gái quả cảm sắp làm mẹ...)