Bài dự thi viết về ngư dân

Ông “Tiến sĩ” ngư dân

(VOV) - Khi gặp thời tiết xấu, tính mạng của cả chục ngư dân trên thuyền chỉ trông chờ vào tài quan sát biển của người thuyền trưởng.

 “Phải làm gì khi lọt vào tâm bão cấp 13, xử lý thế nào khi bão chuyển làn?”- Những phương án dường như không có trong giáo trình lại được chia sẻ khá nhuần nhuyễn bởi một thuyền trưởng trẻ tên Võ Hải ở xã Bình Châu,  huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mà các bạn thuyền phong cho anh là “tiến sĩ” ngư dân.

Tiến sĩ… nghe ngư dân

Lớp bồi dưỡng thuyền trưởng tàu cá hạng tư đầu tiên được mở tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào giữa tháng 10 năm 2012. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thuyền trưởng tàu công suất từ 400 mã lực trở nên phải có bằng hạng tư. Lớp học với 61 thuyền trưởng của các tàu cá đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa do tiến sĩ Nguyễn Đức Sĩ, Trưởng bộ môn an toàn hàng hải, Viện khoa học Công nghệ khai thác thủy sản, trường Đại học Nha Trang giảng dạy.

Trong lớp học ấy, thuyền trưởng Võ Hải (SN 1978) khá nổi bật với nước da đen láng, dáng người rắn chắc. Từ câu chuyện ngoài hành lang, tiến sĩ Nguyễn Đức Sĩ quyết định nhường bục giảng cho người thuyền trưởng trẻ này. Ông Sĩ cho rằng, thuyền trưởng Hải là người có quá nhiều kinh nghiệm hay mà trong giáo trình giảng dạy chưa từng đề cập. Còn các học viên thì vui vẻ phong Võ Hải là tiến sĩ ngư dân.

TS Nguyễn Đức Sĩ (bên phải) thán phục khi thuyền trưởng Võ Hải thao tác hải đồ rất chuyên nghiệp


Điều khiển con tàu như thế nào khi lọt vào tâm bão cấp 13? Xử lý ra sao khi bão chuyển làn…? Những câu hỏi thường gặp trên biển được thuyền trưởng Hải chia sẻ với 61 thuyền trưởng trong lớp. Những câu chuyện của anh đều xuất phát từ thực tế những lần anh xử lý trên biển. Con tàu của Võ Hải từng thoát nạn bằng rất nhiều cách. Neo tàu bằng cáp, xích là một ví dụ. Khi mở biển, thuyền trưởng Hải luôn mang theo 30 mét dây cáp có đường kính phi 20, vài chục mét dây xích, ốc ma ný, dây thừng thì xài loại nylon của Thái Lan phi 40.

Anh chia sẻ, “nếu bão đuổi sát lưng, thuyền trưởng bấm định vị, tìm nơi có ghành san hô, độ sâu vừa phải, cho 2 ngư dân lặn xuống quấn dây cáp và xích vào những rạng san hô chắc chắn. Bởi theo anh khi đã bị lọt vào vùng bão, những chiếc neo phổ thông sẽ không cứu được tàu”. Khi ấy, thuyền trưởng không được rời bánh lái, dù chỉ vài giây. Trên con tàu, thuyền trưởng phải là tư lệnh, tất tật ngư dân phải rẹt rẹt tuân theo. 

Vạch hướng cho đoàn tàu

Võ Hải, quê ở xóm Ghành Cả, thôn Châu Thuận Biển xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Hiện anh là thuyền trưởng con tàu QNg 95779 TS, công suất máy 220 mã lực, hành nghề lặn đêm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thuyền trưởng Võ Hải


Nghề biển anh học từ sự trải nghiệm. Kiến thức quan sát trời, nước, anh học từ người cha Võ Thành Lên, cũng là một ngư dân kỳ cựu mấy chục năm lăn lộn ở vùng biển Hoàng Sa. “Nước ngời lấp lánh là con rạm từ dưới san hô trồi lên, chứng tỏ trời sắp có dông…”- ông Lên dẫn con đi biển từ năm 18 tuổi và hướng dẫn anh từng ly, từng tý. Hàng đêm, ông chỉ cho con cách quan sát tôm, cá di chuyển mà phỏng đoán tiết trời.

Nhiều năm trước, khi ra Hoàng Sa đánh bắt, ngư dân không có Icom kết nối thông tin, radio dự báo thời tiết không bắt được thông tin đất liền. Khi gặp thời tiết xấu, tính mạng của cả chục ngư dân trên thuyền chỉ trông chờ vào tài quan sát biển của người thuyền trưởng.

Bên cạnh đó, Võ Hải còn được cha chỉ cho cách tác nghiệp nhanh trên hải đồ. Tại lớp tập huấn cho các thuyền trưởng, thầy giáo gật đầu, khi anh tính toán, tác nghiệp không thua gì lính hải quân. “Nếu tàu nằm bên phải đường di chuyển của bão thì cho tàu chạy gối sóng, sao cho gió thổi vào má phải đuôi tàu, hướng gió tạo với mặt phẳng trục dọc mũi tàu một góc từ 30-45 độ. Trường hợp tàu nằm bên trái đường di chuyển của bão thì xử lý cách khác...”- Võ Hải trình bày.

Phạm Long, một ngư dân đi bạn trên tàu của Võ Hải cho biết: “anh em tôi rất yên tâm, vì thuyền trưởng Hải có rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý và điều khiển tàu mỗi khi gặp sự cố hay thiên tai”. Một năm đi bạn trên tàu Võ Hải, mỗi ngư dân mang về cho vợ con gần 100 triệu đồng. “So với 50 chiếc tàu hành nghề lặn đêm ở xóm chài Ghành Cả, tàu Võ Hải thuộc tốp dẫn đầu.đoàn”- ngư dân Trương Quang Trị so sánh.

Bão cấp 13: Trụ vững

Dù có nhiều kinh nghiệm, nhưng theo thuyền trưởng Võ Hải, đời đi biển không nói trước được điều gì, những hiểm nguy, khó khăn luôn rình rập và những sự cố đáng tiếc vẫn rất dễ xảy ra vì nhiều lý do. Anh kể: Năm 2010, bão số 1 đột ngột bẻ quặt hướng, tàu của anh lao về phía đảo Phú Lâm. Khi đến ngang đảo Đá Bắc, anh phải dừng máy, hạ neo cáp, xích, xiết chặt ốc vào rạng san hô dưới đáy biển. Dự báo thời tiết bị sai lệch so với diễn biến của bão biển, anh và hàng trăm ngư dân bị một phen điêu đứng. 7 tàu cá của ngư dân Việt Nam, 1 tàu cá của ngư dân Philippin đều bị cuốn trôi ngay trước mặt. “Nhích neo ra là mình chết, không thể cứu ai được” – kể lại chuyện hãi hùng, giọng của Võ Hải bất chợt chùng xuống.  

Còn siêu bão Chan Chu năm 2006, dự báo một đường, bão đi một nẻo. Trụ bão không nổi, mấy chục chiếc tàu neo bên cạnh tàu của anh  đều biến mất trong sóng dữ. 265 ngư dân miền Trung chết thảm. Nhờ neo bằng cáp, xích và biết cách điều khiển chống bão, con tàu anh chẳng hề hấn gì. Khi bão vừa tan, anh và đồng đội gạt nước mắt, lao đi cứu ngư dân bị nạn. Anh cho rằng: “đi biển, cứu người là nghĩa vụ của mình”.

Tàu của anh đã tham gia rất nhiều chuyến biển cứu người. Gần đây nhất, tàu của ngư dân Bùi Văn Nhẫn bị chết máy, trôi giữa vùng giông bão, tọa độ gần đảo Đá Bắc, quần đảo Hoàng Sa. Ông Nhẫn thuê 2 chiếc tàu nhỏ từ đất liền ra cứu. Sóng to, tàu kéo không nổi, trong khi một cơn bão mới lại đang đuổi từ phía sau. Vậy là chiếc tàu công suất 220 mã lực của Võ Hải xáp vô cứu tàu bị nạn. Thoát nạn về đất liền, ông Nhẫn trả công cho 2 chiếc tàu lai dắt mấy chục triệu đồng và có nhã ý gửi tiền cho tàu của Võ Hải. Người thuyền trưởng khoát tay vui vẻ: “tiền công không tính, miễn phí cho ông anh!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc thi viết về ngư dân
Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển

Con tàu vẫn vươn xa
Con tàu vẫn vươn xa

(VOV) -Hồ Văn Thà là điển hình tiên tiến trong đánh bắt thủy - hải sản xa bờ ở vùng biển Cửa Việt

Con tàu vẫn vươn xa

Con tàu vẫn vươn xa

(VOV) -Hồ Văn Thà là điển hình tiên tiến trong đánh bắt thủy - hải sản xa bờ ở vùng biển Cửa Việt