Sắm Tết ở Moscow
Dù ở xa ngàn dặm, nhưng những nghi lễ cúng bái, những tập tục của người Việt vào những ngày Tết âm lịch vẫn giữ trọn và lo toan chu tất như ở quê nhà.
Mỗi năm, người Việt Nam ở Nga và các nước Châu Âu có hai lần Tết. Mặc dù Tết dương lịch và Giáng sinh là hai ngày lễ lớn nhất trong năm kéo dài chừng hai tuần lễ, nhưng người Việt dường như chỉ đóng vai trò chứng kiến, bởi vì chưa thật sự có một sự hoà nhập máu thịt với phong tục tập quán của Châu Âu, kể cả những người đã sống một phần đời ở miền băng tuyết. Còn Tết âm lịch mới thực sự là ngày Tết của những người Việt Nam xa xứ.
Tết Việt năm xưa ở nước Nga
Khi đã hết Tết dương lịch, người Nga đã thường nhật đến làm nơi công sở, tay đã bóc những tờ lịch cuối năm, người Việt ở Nga có cảm tưởng như chạm phải miền sâu thẳm của tâm linh giống nòi, dân tộc. Nó khơi dậy nỗi nhớ, niềm thương da diết nơi cắt rốn, chôn rau, gợi lên nỗi nhớ nhà đau đáu về hình ảnh sum họp quây quần bên mâm cơm tất niên trước bàn thờ tổ phụ.
Dù ở xa ngàn dặm, nhưng những nghi lễ cúng bái, những tập tục của người Việt vẫn giữ trọn và lo toan chu tất như ở quê nhà.
Khái niệm ăn Tết truyền thống chỉ xuất hiện từ khi có Hiệp định Hợp tác Lao động Việt Xô, khi hơn hai trăm ngàn công nhân việt nNam sang làm việc khắp mọi miền của Liên bang Xô Viết. Còn trước đó, khi phương tiện truyền thông còn bó hẹp trong khuôn khổ điện, thư, ngày Tết đối với sinh viên hình ảnh đặc trưng nhất, là những đứa trẻ nhớ nhà, viết những phong thư đẫm nước mắt, kèm thêm tấm bưu ảnh, ra bưu điện gửi về, hy vọng vài tuần hoặc cả tháng sau bố mẹ sẽ nhận được.
Những năm sau đó là hình ảnh những người công nhân trong ốp tự làm giò chả, tự nấu bánh chưng, tự làm hoa đào và cùng nhau đón Tết. Nhà máy cho công nhân nghỉ hai ngày, họ tranh thủ thăm nhau, tranh thủ ra quảng trường chụp ảnh kỷ niệm và vui chơi ở công viên.
Còn bây giờ, người Việt tại Nga đón Tết giống như ở miền quê Việt Nam vậy. Chỉ khác là xung quanh người Nga vẫn đi làm, không khí Tết của người Việt, người Trung Hoa chỉ gói gọn trong phạm vi cộng đồng và hội, nhóm. Ngoài trời tuyết mưa trắng xoá một màu, không có cảnh mưa phùn, heo may và dòng người xuất hành trẩy hội.
Tràn ngập hàng Tết trong khu chợ Việt
Vào những năm chín mươi và đầu những năm 2000, khi mười sáu Trung tâm Thương xá của người Việt vẫn còn đang tồn tại, khi chợ Vòm chưa bị xoá sổ, mỗi một ốp ở như là một địa điểm cư dân của người Việt. Mọi sinh hoạt nơi đây gần như là sự xếp đặt, mô phỏng hình hài của khu tập thể, làng xã Việt Nam. Nó diễn ra từ ngày thường đến lễ Tết một cách phong phú, sinh động, đến nỗi nếu bỏ đi những dòng chữ Nga ở ngoài ký túc xá, thì có thể lầm tưởng đó là Vinh hay Hà Nội.
Bánh chưng được bán sẵn trong khu chợ Việt ở Nga
Hàng Tết hồi những năm chín mươi đã phong phú, đa dạng lắm rồi. Các thứ hàng chủ lực ngày Tết như miến , bóng, măng, mộc nhĩ, nấm hương , giò chả, đều đã xuất hiện theo những chuyến bay và tự cung, tự cấp.
Từ ngày 23 Tết, lễ tiễn ông Công, ông Táo chầu giời các gia đình đều sắm đủ lệ bộ cho các ngài thự hiện cuộc hành trình lên thiên giới, có cá chép tươi, cá chép trang kim, có hương vàng, xôi gấc, mũ mãng, giầy hia..
Còn ngày Tất niên và mồng một thì nhà nào cũng bày mâm cỗ cúng, mọi thức, mọi món đều gống hệt như mâm cúng của mọi gia đình trong nước.
Những thức này được mua trong các quầy hàng khô của các ốp. Hàng đánh từ trong nước sang theo đường hàng không, còn tươi nguyên và được chọn lựa kỹ càng. Mỗi tuần trước đây có hai chuyến bay, hàng khô cứ mang sang đều đều tuỳ thuộc vào nhu cầu của bà con trong ốp.
Các thứ thịt gà, thịt lợn, thịt bò thì tự các trại chăn nuôi của người Việt ở ngoại ô có đủ để lo cho hơn trăm ngàn người Việt ngày thường cũng như ngày Tết, chế biến ra mọi thức đảm bảo nhu cầu.
Nhưng từ ngày chợ Vòm sập, các Thương xá người Việt đóng cửa, trung tâm chợ chuyển về phía đông, các khu dịch vụ cũng ăn theo các chợ. Các chủ Hàng khô chợ Xadovod, chợ Liublino có những khu chứa hàng rộng hàng ngàn mét giống như một tổng kho thực phẩm. Chủng loại hàng trong các tổng kho này phong phú như chợ Bắc Qua, từ nước mắm, rau đậu, thịt các, măng miến, dưa cà, gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, rau câu, thạch, tương ớt...không thiếu một thứ gì.
Các loại bánh trái, rượu chè cũng được chất cao lên tận nóc trần nhà, bao gồm cả loại ngắn ngày như bánh cốm, bánh gai, bánh xu xê ...và loại bánh dài hạn như kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu, rượu nếp mới, chè Thái, chè Ô long, chè Kim Anh...đều có hết.
Vào cuối năm 2011, mỗi tuần có tới 6 chuyến bay, ai đặt hàng tươi sống đúng với nghĩa của nó, nghĩa là vừa tươi lại vừa sống, đều được chấp thuận. Có dịch vụ nhận nguyên cả một đơn vị cầy tơ, một hộp xốp cá chuối sống nguyên hoặc cả một con lợn sữa quay giòn "Made in Ngõ Gạch".
Nhiều nhà từ ngày ông Táo lên giời đã có những gốc đào đỏ, những bồn quất, bồn mai hoặc cả chậu bonsai danh giá đặt chiếm cả một góc nhà. Dĩ nhiên đó là những đại gia, những doanh nhân, chủ xưởng khả kính.
Dù hàng hoá ê hề, nhưng giá cả thì không hề rẻ. Mỗi một thứ ngoài giá tự thân bằng mức trong nước, còn phải cõng thêm giá chuyên chở, giá bảo quản, giá mặt bằng và cả thuế nữa.Tính sơ sơ, các thứ hàng ăn thì giá gấp ba trong nước, còn giá đồ ăn chơi thì không dưới mười lần.
Mua hàng Nga đón Tết
Thủ đô Moscow có khoảng 400 siêu thị, trong đó hai phần ba là siêu thị thực phẩm rộng thênh thang như sân vận động. Có những siêu thị ở khu vành đai, đi xem suốt ngày không hết, loại tầm tầm cũng cỡ lớn gấp ba, bốn lần Metro ở quận Cầu Giấy. Vào những ngày cuối năm, người Nga đi sắm hàng như trẩy hội.
Moscow có hơn 4 triệu ô tô, nhà nào cuối năm cũng huy động đi mua hàng gia đình, nên tắc đường kinh hoàng. Ngày cuối năm thường mất vài ba giờ đến năm sáu giờ cho mỗi chuyến đi mua sắm.
Người Nga đang giàu lên, và văn hoá mua sắm của Nga khác mọi dân tộc khác, mua rất nhiều, trữ rất nhiều và sử dụng không hề tiết kiệm. Chờ tính tiền ở các quầy siêu thị đòi hỏi có một lòng kiên nhẫn vô biên, bởi vì mỗi xe đẩy của họ thường mất hơn chục phút với số tiền thanh toán từ ngàn đô trở lên.
Còn người Việt vào siêu thị sắm Tết khi người Nga đã ăn xong Lễ Giáng sinh 7/1. Các xe đẩy người Việt thường chất đầy rượu đắt tiền, các loại kẹo bánh đặc biệt để làm quà biếu và thực phẩm đặc sản. Người Việt không tiếc tay chi tiêu ngày Tết, thấy gì hay, thấy gì đẹp là sẵn sàng sắm lấy.
Đã một giai đoạn dài, vào mùa đông giá lạnh, rau xanh, hoa quả ở Nga cực kỳ hiếm, còn bây giờ đến các chợ, các siêu thị không sót một thứ gì. Chuối, lê, táo, nho tươi, kivi, bưởi, cam, hồng, lê, dứa, xoài, đu đủ... và bao nhiêu của lạ ngoại nhập nữa bày san sát, tràn ngập các quầy hàng. Người Việt muốn bày mâm ngũ quả, chỉ cần ghé qua siêu thị dăm phút là đã có một mâm cúng tươi rói, theo ý muốn mà giá cả rất nhẹ nhàng.
Riêng hàng pháo và đồ hàng mã thì phải ra chợ người Tàu. Tiền âm phủ không sót thứ gì, từ kim ngân, nhân dân tệ, tiền rúp, tiền Việt Nam đồng, đôla Mỹ, muốn loại nào cũng sẵn. Người Tàu coi như đọc quyền thị trường pháo ở Nga. Mặc dù chính quyền hàng năm đều ra lệnh cấm, nhưng không ngăn nối sự hấp dẫn của giới trẻ, vì vậy họ phải ra quy định chỉ được đốt pháo ở hơn hai trăm khu vực trong thành phố, chủ yếu các công viên, cấm kỵ khu vực cư dân và công sở.
Người Việt ta thường đốt pháo trong ký túc xá và lên đồi Chim sẻ. Ở đó, người Trung Quốc và người Việt, đa phần là cánh sinh viên dạo chơi và đốt pháo suốt đêm với những kiểu pháo giá cả xấp xỉ trăm đô, sáng rực một góc trời./.