Sinh viên gốc Việt phát băng vệ sinh trong toilet nam và nữ ở Mỹ
Một sinh viên gốc Việt đã hướng dẫn và cùng với các sinh viên khác ở Trường ĐH Brown, Mỹ phát băng vệ sinh miễn phí trong toilet cả nam lẫn nữ.
Vào tối trước ngày bắt đầu năm học mới tại Trường ĐH Brown vào giữa tuần này, Nguyễn Việt, một sinh viên gốc Việt, cùng 6 sinh viên khác đã vào trường, tìm đến các nhà vệ sinh.
Nguyễn Việt, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Brown, cùng hơn 20 tình nguyện viên thực hiện chương trình phát băng vệ sinh miễn phí tại các nhà vệ sinh nam và nữ trong trường.
Họ mang theo túi nhỏ đựng các sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ, đó là các loại băng vệ sinh dành cho nữ giới. Họ đặt các sản phẩm này vào trong các nhà vệ sinh, kể cả nhà vệ sinh nam, nữ. Và tất cả đều được phát miễn phí.
Nhóm sinh viên này thực hiện phát miễn phí các sản phẩm này trong 2 tiếng ở 30 tòa nhà với khoảng 70 phòng vệ sinh.
Trả lời The Washington Post, Việt nói: “Chúng tôi thật sự có khả năng thực hiện điều này. Đó là một cách làm thú vị”.
Các sinh viên này đến các nhà vệ sinh để phát các sản phẩm vào buổi tối. Việc làm của họ đánh dấu một sáng kiến trong trường học cho thấy những sản phẩm này không phải là mặt hàng đắt đỏ, nhưng lại rất cần thiết được đặt trong nhà vệ sinh, giống như giấy vệ sinh hay xà bông.
Việt là Chủ tịch Hội Sinh viên đã cùng các thành viên trong Ban chấp hành Hội của Trường ĐH Brown, nỗ lực thực hiện chiến dịch này. Đây là một trong những trường đầu tiên ở Mỹ thực hiện chương trình này.
Bắt đầu từ tuần này, Hội Sinh viên của trường này sẽ nhận trách nhiệm phân phát các sản phẩm băng vệ sinh cho tất cả nhà vệ sinh ở trường. Cứ một tuần một lần, đại diện Hội Sinh viên sẽ quay lại nhà vệ sinh để cung cấp tiếp.
Chương trình gây tranh cãi
Được biết, để thực hiện được chiến dịch này, các thành viên trong Hội Sinh viên của trường đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng qua. Họ đã họp trực tuyến với các thành viên trong hội trên cả nước Mỹ trong nhiều tháng. Nguồn kinh phí cho chiến dịch được lấy từ ngân sách của Hội, do Ban Tài chính của trường cung cấp. Chương trình của họ được thực hiện sau khi nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo nhà trường.
Trước khi năm học mới bắt đầu một ngày, Việt đã đại diện Hội Sinh viên trường gửi thư đến cho các sinh viên để thông báo về chương trình mới này.
Theo The Washington Post, sau 2 ngày gửi thư thông báo, Việt cho biết nhận được rất nhiều cuộc gọi, email từ các trường đại học khác, họ nhờ hướng dẫn cách để bắt đầu thực chiến dịch tương tự tại các trường này.
Và không phải ai cũng ủng hộ chương trình này, họ cũng nhận rất nhiều phản hồi phản đối. Và hầu hết là phản đối việc bỏ các sản phẩm vệ sinh của phụ nữ ở nhà vệ sinh dành cho nam. Nhiều người đã phản ứng mạnh với chiến dịch này và gây ra cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.
Một số người gọi đây là chiến dịch điên khùng và yêu cầu dừng hoạt động.
Việt cho biết quyết định phân phát ở cả nhà vệ sinh nam và nữ đơn giản là để tạo thêm không gian cho người chưa rõ giới tính, như người nam chuyển giới nhưng cơ thể sinh lý lại giống như nữ giới. Vì vậy, họ có thể dễ dàng tìm thấy thứ mình cần ngay trong nhà vệ sinh nam. Trong khi không phải tất cả sinh viên đều có thể vào nhà vệ sinh nữ.
Theo hãng tin AP, bà Terry O’Neill, Chủ tịch Tổ chức vì Nữ giới Mỹ (viết tắt là NOW), đánh giá cao nỗ lực của nhóm sinh viên Trường ĐH Brown, và nhấn mạnh các sản phẩm băng vệ sinh cũng cần thiết như giấy vệ sinh. Và bà cũng cho rằng các trường đại học khác nên làm theo sáng kiến này.
Việt hy vọng rằng một ngày không xa, chương trình này sẽ trở thành một trong các hoạt động chính thức thường xuyên của Trường ĐH Brown.
Lý do nhóm sinh viên này phát động chương trình phát băng vệ sinh miễn phí trong các nhà vệ sinh là do cuộc tranh luận gần đây diễn ra ở nước này về việc đánh thuế đối với sản phẩm băng vệ sinh.
Một số tiểu bang, trong đó có tiểu bang Rhode Island, đã đưa ra dự luật bãi bỏ thuế đối với sản phẩm này. Trước đó, sản phẩm này được đưa vào danh sách các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu ở Mỹ. Mùa hè vừa qua, giới chức thành phố New York đã tuyên bố lên kế hoạch phát băng vệ sinh miễn phí cho các trường công lập, các mái ấm dành cho người vô gia cư và các nhà tù./.