Tết đến, xuân về với cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga
VOV.VN - Những ngày này, cộng đồng người Việt tại LB Nga dù bận rộn mưu sinh, cũng cố gắng dành thời gian sắm sửa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Vượt qua vô vàn khó khăn trong năm 2022, bà con hy vọng, Năm Mới 2023 sẽ mang đến những điều may mắn, bình an, kinh doanh thuận lợi, để những người chưa có điều kiện về quê, thì năm sau sẽ được đón Tết sum vầy cùng gia đình, người thân ở trong nước.
Trung tâm thương mại Sadovod mà cộng đồng người Việt tại Nga quen gọi là chợ Chim, là khu chợ lớn thứ hai ở Moscow. Anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện của cộng đồng người Việt tại đây cho biết, hiện có gần 1.000 cửa hàng của người Việt, thu hút khoảng 7.000 người cùng tham gia vào công việc kinh doanh, buôn bán, chủ yếu là quần áo, giày dép, ngoài ra là đồ khô, rau củ quả. Đây như một mô hình thu nhỏ của thế giới Việt. Có người sang Nga đã lâu, với thâm niên 20 - 30 năm, có người mới sang khoảng chục năm, hoặc ít hơn, già có, trẻ có, nhưng đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau cùng mưu sinh ở nơi xa xứ.
Sau những khó khăn do dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021, bước sang năm 2022, bà con lại đối mặt với thử thách mới do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Anh Nguyễn Ngọc Hợi, quê ở Vĩnh Phúc, sang Nga đã gần 20 năm, có hai cửa hàng quần áo trẻ em tại chợ Sadovod cho biết, việc kinh doanh của gia đình khó khăn hơn trước rất nhiều, do sức mua giảm khoảng 70%, người tiêu dùng không có nhu cầu hoặc giảm chi tiêu. Mặc dù anh ứng dụng việc bán hàng qua mạng từ hơn 10 năm trước, nhưng năm nay, dù bằng hình thức nào thì lượng tiêu thụ cũng giảm, thu nhập giảm, trong khi giá cả sinh hoạt tăng. Một chút bù đắp là từ khoảng hơn một năm trở lại đây, gia đình anh cũng như nhiều bà con khác chuyển sang kinh doanh tại khu nhà mới xây, khang trang, sạch đẹp và ấm áp hơn, trong khi trước đây phải bán hàng ở ngoài trời dưới cái lạnh âm 20 độ. Điều này khiến bà con phấn khởi, yên tâm và sức khỏe được đảm bảo hơn.
Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, nhưng anh Hợi cho biết, bốn năm qua, anh không thể về quê do dịch bệnh, bận chăm lo cho con cái ăn học, công việc kinh doanh: “Với tất cả mọi người, quê hương là chùm khế ngọt. Ai cũng nhớ quê, nhưng nhiều khi không dứt ra để về được. Chúng tôi không về được, nhưng vẫn tổ chức tất niên với các món Việt Nam, phong tục tập quán Việt Nam, thắp hương, quây quần vào chiều 30 Tết và chiều Mùng 1 Tết. Mình đi làm như bình thường, chiều về tổ chức ăn uống cho anh chị em thân thiết, tụ tập ở nhà nào rộng”.
Dường như Tết với những người Việt xa quê chỉ có thể gói gọn như vậy. Ở chợ Sadovod, bà Nguyễn Thị Mận, người được coi là “có tuổi nhất”, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội, sang Nga theo diện công nhân xuất khẩu lao động từ năm 1987. Sau khoảng 35 năm gắn bó với nước Nga, bà đã gây dựng được cơ ngơi gồm 6 quầy hàng, tạo việc làm cho các con, cháu và thuê thêm lao động, nhưng cũng không dễ dàng về quê đón Tết. Bà Mận bùi ngùi, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, bà lúc nào cũng nhớ quê, nhưng vì mưu sinh nên phải chịu, mặc dù bà đã coi nước Nga như quê hương thứ hai:
“Bản thân tôi rất nhớ quê hương, không gì bằng nơi mình sinh ra, nhưng không về được. Nhân dịp Năm Mới, tôi có đôi lời gửi tới bà con ở Việt Nam, trước tiên là bố tôi, hiện nay 85 tuổi. Chúc bố và toàn thể mọi người sức khỏe, vui vẻ, mọi điều tốt đẹp. Chúc cộng đồng mạnh khỏe, công việc tốt, luôn có thu nhập, trước tiên là giúp đỡ gia đình và sau đó là những mảnh đời còn khó khăn”.
Bà Mận cho biết, trong suốt từng ấy năm, bà chỉ về quê ăn Tết hai lần, do tiền thuê gian hàng cao, đây cũng là khoảng thời gian tiêu thụ hàng mùa đông, giá trị lớn, nên cần tranh thủ. Bà thường về quê vào dịp hè.
Với hai cô gái trẻ như Phạm Thị Vân, quê ở Thanh Hóa và Nguyễn Thị Huế, quê ở Thái Bình, dù sang Nga trên dưới mười năm, cuộc sống đã tạm ổn, nhưng năm nay họ cũng chỉ có thể thu xếp cho chồng, con về quê đón Tết. Họ nhận về mình bổn phận của người phụ nữ, ở lại nước Nga, lo toan, thu vén công việc kinh doanh:
“Ở bên này không khí có thể không được như ở nhà, nhưng cháu vẫn gói bánh chưng, giò, có canh măng, các món truyền thống của Việt Nam. Năm tới cháu mong kinh tế ổn định hơn, được về ăn Tết ở quê nhà, cảm giác được sum vầy với mọi người ở quê nhà”.
“Bên này làm ăn em thấy có nhiều áp lực, khó khăn, nhưng tất cả cùng cố gắng. Khó khăn nhất là không bán được hàng. Sang năm 2023 em mong tất cả người dân buôn bán ở Nga có cuộc sống ổn định, mọi chuyện thuận lợi, công việc suôn sẻ hơn”.
Đó là những mong ước giản dị của Vân, Huế, cũng như nhiều bà con đang kinh doanh tại chợ Sadovod nói riêng và nhiều thành phố khác ở LB Nga nói chung. Điều đáng ghi nhận là cộng đồng người Việt tại chợ Sadovod cũng như nhiều nơi khác, không chỉ chú tâm làm ăn, mà còn luôn sẵn lòng quyên góp đồ dùng, tiền bạc giúp đỡ cho những trường hợp khó khăn khác, cả người Việt và người Nga, giúp đỡ cho các nhà trẻ, bệnh viện, gửi hàng hóa từ thiện đến vùng sâu, xa của nước Nga như một sự đền đáp, tri ân nơi cho họ cơ hội mưu sinh.
Bà con cũng tích cực tham gia vào phong trào bóng đá, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, qua đó giao lưu, hiểu biết và gắn bó với nhau hơn./.