Tết ở xứ người

Tết cổ truyền của dân tộc là dịp sum họp gia đình. Bởi vậy, người Việt Nam ta có tục cứ Tết đến, dù ở đâu, dù bận rộn đến mấy, mọi người cũng cố  thu xếp để về nơi cội nguồn, thắp cho ông bà tổ tiên nén hương, thăm nhà thờ tổ hay ra viếng mộ các cụ.

Với những người dân Việt Nam sống xa Tổ quốc, không phải ai cũng có điều kiện về quê hương đón Tết. Thế nên tổ chức đón Tết nơi xứ người với tấm lòng đau đáu hướng về quê hương, nguồn cội.

++ Ông Lê Trọng Văn, nhà nghiên cứu Văn hoá, lịch sử tại Mỹ: Tết là dịp để nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên.

Năm nay, 78 tuổi, tôi xa Việt Nam 40 năm. Xa đất nước, mỗi lần về quê tôi lại cảm thấy xúc động. Tôi thấy đất nước ngày càng phát triển, tươi đẹp, đời sống của người dân được cải thiện.

Tết cổ truyền của ta, ở Mỹ lại đúng vào ngày phải đi làm, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức Tết riêng cho gia đình. Dù sống ở đâu thì cái gốc của mình vẫn là người Việt Nam, Tết là ngày lễ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Phố Đinh Thiên Hoàng - Hà Nội


Về ăn Tết ở quê thì có hương vị Tết, có tinh thần gia đình hơn, được nghe con cháu chúc ông bà cha mẹ, được thấy cây nêu, cành đào, hương vị bánh chưng xanh. Ở bên đó cũng có bánh chưng nhưng bánh chưng gói bằng giấy bạc nên ăn không có vị của bánh chưng.

Ở Mỹ tôi thường dạy dỗ các em tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và dạy tiếng Việt cho các em. Tôi đã từng ăn Tết ở quê nhiều lần. Cái Tết mà tôi nhớ nhất là vào năm 1999. Đó lần đầu tiên về Việt Nam ăn Tết, được sum họp gia đình.

Giờ, tuổi đã cao. Tôi mong muốn làm được điều gì đó để giúp đất nước. Sắp tới, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi muốn viết thật nhiều bài để tuyên truyền về Thăng Long - Hà Nội cho bà con và các cháu ở Mỹ hiểu rõ về lịch sử ngàn năm giữ nước của ông cha ta.

Tôi là người của kháng chiến, đã từng đi bộ đội, tôi biết mình phải làm gì cho quê hương, cho đất nước. Tinh thần tôi luôn hướng về cội nguồn, hướng về quê hương. Người ta bảo lá rụng về cội, tôi mong ước khi về già sẽ trở về sống ở quê hương. Không chỉ riêng tôi mà những người tôi quen biết họ cũng mong muốn như vậy. Tình cảm đối với người Việt Nam quan trọng lắm.

Văn hoá Lạc Hồng của chúng ta không như văn hoá bên Mỹ. Người Việt, tình làng nghĩa xóm thường xuyên thăm hỏi nhau, giúp nhau trong cuộc sống, gặp nhau là tay bắt mặt mừng.

++ Ông Nguyễn Văn Thọ, Việt kiều Đức: Tôi kể cho các cháu nghe những chuyện mới lạ về đất nước

Khi các cháu còn nhỏ, tôi thường cho các cháu về Việt Nam đón Tết nhưng khi các cháu bắt đầu đi học chúng tôi tổ chức đón Tết bên Đức vì những ngày Tết, các cháu vẫn phải đi học.

Tết đến, tôi cũng tổ chức giống như ở quê nhà, đầy đủ hương vị ngày Tết. Tôi thường dạy con cháu thắp hương cho ông bà bởi tôi nghĩ, các cháu biết nhớ tới ông bà là chúng sẽ nhớ tới tổ tiên, đất nước. Khi tổ chức cho các cháu đón Tết ở xứ người, tôi muốn cho con cháu biết, chúng ta có một truyền thống văn hóa lễ Tết.

Người Hà Nội chúng ta từ nhỏ đến lớn uống nước sông Hồng, thở không khí Hà Nội, ngắm cảnh Hồ Gươm và mọi thứ cứ ngấm dần dần để mang trong người một tinh thần, cốt cách dân tộc. Việc giáo dục các cháu tình yêu đất nước khi ở xa Tổ quốc cũng vậy, phải biết kiên trì, bền bỉ, hôm nay giáo dục không được thì ngày mai, nhẹ nhàng nhưng lại ngấm sâu.

Năm nào tổ chức cho các cháu đón Tết, tôi cũng kể một chuyện mới lạ về đất nước và để tự các cháu thấy háo hức muốn tìm hiểu.

++ Ông Nguyễn Văn Tửu, Việt kiều Bỉ: Lấy ngày Tết là ngày để gia đình tụ họp

Tôi xa Tổ quốc đã hơn 50 năm, càng lớn tuổi lại càng nhớ quê hương, nhất vào dịp Tết nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết. Cứ nhớ đến những cái Tết còn nhỏ ở quê nhà được ngồi canh nồi bánh chưng với cha mẹ, được theo cha mẹ đi chúc Tết anh em, bà con láng giếng mà lại thấy rưng rưng. Sang bên này, tôi vẫn duy trì cho con cháu đón Tết vì cũng muốn lấy ngày Tết là ngày gia đình tụ họp, nếu không chúng cứ mải mê làm ăn chẳng có thời gian mà gặp gỡ nhau.

Biết ý bố mẹ nên con cháu dù bận mấy cũng cố gắng thu xếp thời gian về sớm cùng ông bà đón giao thừa. Cả nhà chia nhau công việc để làm mâm cơm cúng giao thừa rồi tất cả cùng nhau cúi lạy tổ tiên. Sau đó, các cháu rủ nhau ra ngoài hái lộc xuân.

Chúng tôi cũng chọn người hợp tuổi xông nhà để bước sang năm mới con cháu dễ làm ăn. Sáng mùng một Tết, ông bà lì xì cho các con trai, gái dâu rể để chúng lấy lộc làm ăn, lì xì cho các cháu hay ăn chóng lớn.

++ Ông Vũ Khắc Lộc, Việt kiều Thái Lan: Tết là thời gian gặp gỡ bạn bè

Tôi sang Thái Lan đã được 64 năm và vẫn giữ được thói quen tổ chức cho gia đình đón Tết. Ở Thái Lan hiện có khoảng 10 vạn người sinh sống, tập trung đông ở các tỉnh Đông Bắc. Vào những ngày lễ, Tết của dân tộc, bà con tụ tập nhau lại để giao lưu, thông báo tin tức của đất nước và kể cho nhau nghe những chuyện ở quê nhà.

Tết đến, tôi cũng mua hoa đào cắm trong nhà, chuẩn bị mâm ngũ quả bày bàn thờ. Tôi còn tự tay gói bánh chưng và gói rất nhiều để chia cho bà con hàng xóm người Thái Lan. Tôi cũng thường nấu các món ăn cổ truyền của dân tộc rồi mời bà con hàng xóm đến chia vui. Tôi luôn nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở cho người nhớ, đi cho người thương. Cho nên, sống xa quê hương, chúng tôi luôn cố gắng hòa đồng với người dân nước sở tại và luôn sống để làm sao người ta cũng quý mến mình. Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi mời các bạn đến chia vui.

++ Bà Bùi Ái Phượng, Việt kiều Italy: Kể cho con về những phong tục Tết quê hương

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, tôi cũng luôn cố gắng dành thời gian để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp, nấu các món ăn ngày Tết.

Khi cả gia đình quây quần ăn Tết, tôi thường kể cho con nghe những kỉ niệm về những cái Tết ở quê nhà, về những phong tục Tết của quê hương. Cháu nghe đầy vẻ háo hức và cứ đòi bố mẹ cho về Việt Nam đón Tết, tuy nhiên, vợ chồng tôi bận quá nên cháu vẫn chưa năm nào được đón Tết ở Việt Nam. Bây giờ, cháu còn xem lịch và nhắc nhở cho bố mẹ biết ngày nào là Tết.

Tết đến, vợ chồng tôi cũng thường cho cháu đi gặp gỡ, giao lưu với những gia đình người Việt Nam ở bên đó. Gặp nhau, chúng tôi cũng mừng tuổi cho các cháu nhỏ, chúc nhau những lời chúc năm mới tốt đẹp.

++ Anh Vũ Thanh Tuyền (Alain Vũ), Việt kiều Pháp, 1 trong 10 giọng ca đặc biệt trên thế giới (nam có giọng nữ cao): Dù nhà giàu hay nghèo đều có một nén nhang thắp đêm 30 để hướng về tổ tiên

Ở nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn giữ tục lệ của ngày Tết. Dù đi chốn nào, nơi nào thì đến ngày Tết cổ truyền là con Lạc cháu Hồng đều hướng về quê cha đất tổ.

Nhà giàu hay nhà nghèo đều có một nén nhang thắp đêm 30 để hướng về tổ tiên, hướng về quê hương đất nước mình. Tết, gia đình tôi cũng như tất cả các gia đình ở Việt Nam, cũng có bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ, nén nhang, hoa quả, bánh kẹo để thắp hương cúng tổ tiên.

Đêm 30, chúng tôi cũng đón giao thừa, ngày mùng một cũng làm mâm cơm cúng xong, đi chúc Tết bạn bè, thăm hỏi nhau, chúc nhau sang một năm mới an khang thịnh vượng, sức khoẻ dồi dào.

Nói tóm lại cũng như tất cả mọi người ở Việt Nam thôi. Chỉ khác là chúng tôi không được đón Tết tại quê hương. Tôi thấy ấn tượng sâu sắc nhất là vào dịp cuối năm, ở nước mình có các chương trình từ thiện quyên tiền giúp đỡ người nghèo để họ có điều kiện ăn Tết. Những chương trình đó thật là nhân văn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Là một trong 10 người trên thế giới có chất giọng này nên tôi rất tự hào. Tôi thấy Việt Nam có rất nhiều người tài nhưng chưa được đào tạo, chưa được nhà trường chú trọng đến, chưa có giáo án phù hợp với họ. Tôi cũng đang tìm nguồn tài trợ để giúp đỡ các em có tài năng nhưng có hoàn cảnh khó khăn sang nước ngoài để học tập, nâng cao trình độ. Hiện tại, tôi được biết có 2 em có giọng ca đặc biệt (đang học ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, học sinh của thày giáo Tạ Minh Tâm và một ở Khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Quốc gia Việt Nam). Nếu ai biết thông tin về hai em này hãy liên lạc với tôi thông qua Báo Điện tử VOVNews, Đài TNVN để tôi sẽ giúp đỡ, bồi dưỡng các em. Người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều người tài lắm, họ đang hướng về đất nước.

Năm mới, qua Đài TNVN, tôi xin gửi lời cảm ơn và chúc khoẻ tới cô giáo người Tày Mạc Thị Hồng Nở, người đã phát hiện ra giọng ca đặc biệt và dạy dỗ để tôi nên người. “Thưa cô, em đã cố gắng học tập để đền đáp công ơn dạy dỗ của cô. Sự thành công của em là món quà quý giá em xin tặng cô. Trong số 10 người có giọng ca đặc biệt trên thế giới thì em được đánh giá là giọng ca đặc biệt nhất. Em rất tự hào là học trò của cô. Nếu cô nhận được tin nhắn này xin cô hãy liên lạc với em qua kênh thông tin của Đài TNVN. Tôi đã nhiều lần về Việt Nam để tìm cô mà không được…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên