Thăng Long- Hà Nội trong tim tôi
Những người con nước Việt, dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, luôn tự hào về Thủ đô ngàn năm tuổi. Đặc biệt, được hoà mình vào không khí Đại lễ linh thiêng, với những Kiều bào như tôi thật không lời nào tả hết!
Việt Nam quê hương tôi!
Ngụ tại bang California (Mỹ), nhiều lần được Ủy ban Người Việt ở nước ngoài mời về nước tham dự các hội nghị, nhưng riêng lần về dự Đại lễ, tôi có cảm xúc bồi hồi và rất vinh dự, vì kể từ ngày đất nước thống nhất, chưa lần nào tôi được trực tiếp xem diễu binh, diễu hành mà lần này lại có quy mô lớn hơn các lần trước.
![]() |
Đến sân bay Nội Bài, chúng tôi đã cảm nhận một không khí lễ hội tưng bừng vì những khẩu hiệu chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lần đầu tiên thấy được “Chiếu dời đô” với những lời lẽ của Vua Lý Công Uẩn trải qua 1000 năm còn ghi lại: “Chính vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi… Cho vận nước lâu dài, phong tục phồn vinh…”.
Xe chở chúng tôi lăn bánh vào đất kinh kỳ. Hình những con Rồng hiện ra trước mắt làm tôi nghĩ đến việc Vua Lý Thái Tổ chọn thành Đại La làm nơi thành đô mới rồi đặt tên là Thăng Long thành. Đến khách sạn Kim Liên vừa đúng 14h ngày 30/9/2010, chúng tôi được anh chị em cán bộ của Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài niềm nở đón tiếp một cách thân mật và được nhận Dự kiến chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Kiều tham dự Đại Lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Thật bất ngờ khi Hà Nội trời đẹp trong cả 10 ngày trọng đại. Phải chăng các đấng tiền nhân như các Vua nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê cùng các anh hùng giữ thành Thăng Long xưa như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và hồn thiêng của các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô năm nào đã hộ trì!
Những kỷ niệm khó phai
Sáng thứ Sáu, ngày 1/10/2010, cả đoàn lên xe đến vườn hoa Lý Thái Tổ, nơi đặt kỳ đài. Tuy đã có xe còi hụ của CSGT mở đường nhưng hình như xe đông hơn mọi ngày vì người dân ở các nơi về Thủ đô xem lễ. Rồi dàn Quân nhạc trỗi lên bài “Thăng Long Thành”. Lời ca của bài hát lịch sử này gợi tôi nhớ đến hình ảnh xưa kia Vua Quang Trung ngồi trên mình voi hùng dũng ra lệnh cho các tướng sĩ đuổi đánh quân Thanh, Vua Lê Thái Tổ cùng cây kiếm báu và cụ Rùa thiêng.
“Tháp đây! Gươm thần đâu dưới nước biếc/ Có chăng, bao người bao nhiêu luyến tiếc này đường về phố cũ! Này đường về ô xưa/Bóng xưa ngàn năm hồ phai khi tàn mơ.
Thăng Long thành xưa...”
Đang mơ màng, thổn thức những ngày xưa thân ái thì một hồi trống của đội trống Thăng Long nổi lên như thúc giục làm tôi bừng tỉnh. Một điệu nhạc bập bùng khi thì âm vang như xung trận, lúc rung rinh. Tôi đã đi qua nhiều nước, đã tìm hiểu về trống nhưng cách đánh trống không phải nơi nào cũng điêu luyện như các tay trống ở Bắc bộ nước ta. Tiếng trống không inh ỏi điếc tai, thôi thúc.
Tôi nhớ mãi những lời trong bài diễn văn của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với đoạn viết: “Dù phải vượt qua bao nhiêu thử thách, truyền thống hào hùng của Thăng Long – Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công vô cùng hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không …
Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm luôn hoà quyện với sức mạnh vô biên của lòng nhân ái, tinh thần hoà hiếu và khát vọng hoà bình, như Nguyễn Trãi đã từng đúc kết: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Hay những câu phát biểu trịnh trọng của bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO khi trao bằng công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hoá thế giới cho lãnh đạo thành phố Hà-Nội: “Không có một kinh đô nào, một thủ đô nào trên thế giới có bề dày lịch sử, văn hoá được lưu giữ một cách trọn vẹn như Hà-Nội. Hà-Nội xứng đáng là cái nôi văn hoá không chỉ của Việt-Nam mà là của châu Á”.
Ngay lúc ấy, quả địa cầu bên trái sân khấu từ từ nở ra, những chú chim bồ tung cánh bay lên không trung tìm tự do giữa mùa Thu Hà Nội. Bồ câu là biểu tượng của Hoà-Bình, và Hà Nội- thành phố vì Hoà bình.
Âm vang hồn thiêng sông núi
Ngày 10/10/2010 diễn ra lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất từ trước đến nay. Trên Quảng trường Ba Đình, chúng tôi-đại biểu Việt kiều ngồi sát bên khách mời quốc tế, bên hàng ghế dưới là các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nhiều bà tuổi đã cao nhưng cũng cố gắng hiện diện vào ngày lịch sử này.
Trước mặt khán đài là một rừng người xếp hàng có lớp lang, trật tự. Đây là những nam thanh nữ tú, kia là đội ngũ nữ chiến sĩ Du kích Nam Bộ với khăn rằn choàng cổ. Họ đứng nghiêm trang tề chỉnh như chờ nghe hiệu lệnh hành quân.
Lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất từ trước tới nay |
Mở màn buổi lễ là nghi lễ rước đuốc. Ngọn lửa truyền thống được Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Bình thắp lên. Tiếp đó là Quốc ca hào hùng được mọi người cùng hát điểm theo 21 phát đại bác chào mừng.
Thăng Long- Hà Nội, đúng như diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu rõ: “Là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống, xứng đáng là thủ đô văn hiến, anh hùng, hữu nghị và hoà bình. Kỷ niệm 1000 năm là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những truyền thống đó. Thủ đô Hà-Nội đang bừng sáng với tư thế mới, sức sống mới. Thăng long – Hà Nội có bao giờ đẹp như hôm nay”!
Rồi lễ diễu binh bắt đầu. 10 máy bay trực thăng mang cờ Tổ Quốc và cờ Đảng tiến vào Lễ đài. Dưới mặt đất, lực lượng diễu binh gồm 15 khối với sự tham gia của hơn 12.000 người. Đi đầu là xe mang biểu tượng Quốc huy, rồi đến xe mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Chúng tôi- những người con phương xa rất lấy làm sung sướng khi về lại quê hương và chứng kiến giây phút đất nước thăng hoa. Niềm tự hào luôn dâng lên khi nghĩ đến di sản văn hoá lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội, với những áng văn bất hủ mang hùng khí non sông, như: “ Chiếu dời đô”, “Nam Quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” và “Tuyên ngôn độc lập”…/.