Thế Dũng – chân dung một nhà văn xa xứ

... Tôi cần như cần thở/ Thơ để người hiểu người/ Tôi cần như cần ăn/ Thơ cho tôi biết sống...
 

Xa xứ hơn hai mươi năm, chưa tạo cho người đọc ấn tượng đặc biệt giữa vô vàn tác phẩm được xuất bản gần đây ở Việt Nam nhưng Thế Dũng đã là một cái tên khá quen thuộc với thế hệ nhà văn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Điều đáng nói, những tác phẩm của ông đều được viết ra trong nỗi nhớ quê hương, dù viết ở bất kỳ thể loại nào, về vấn đề gì, ông đều lấy cảm hứng sáng tác từ chính mảnh đất quê hương mình.

Thế Dũng bắt đầu làm thơ khi còn rất nhỏ, nhiều bài thơ, tiểu luận của ông đã được đăng báo khi ông 19 tuổi. Đối với ông văn chương như một cái nghiệp theo ông suốt cuộc đời, ông luôn cảm thấy mình mắc nợ và không thể rời nó dù cả những thời gian phải làm đủ mọi việc để mưu sinh nơi xứ người.
Những ngày đầu sang Đức ông làm công nhân ở nhà máy Phanh theo hợp đồng 5 năm giữa hai Chính phủ. Sau khi nước Đức thống nhất, ông tiếp tục ở lại và  làm rất nhiều nghề để sống như làm vệ sinh trên các đoàn tàu, trong các công sở… Đến khi tiếng Đức khá lên ông xin làm việc ở Trung tâm Tư vấn cho người nước ngoài. Từ năm 1994 đến năm 1996 ông làm việc tại Hiệp hội đa văn hóa ở Quận Berlin- Lichtenbeger. Hiện ông đang là Trợ lý Tổng GĐ tại Công ty ASIA Gourmet ở Đức. Tại Việt Nam, với chức danh Tổng Giám đốc, ông đang tham gia điều hành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ & Nhà hàng Sư Tử (Trụ sở chính tại Thái Thịnh Hà Nội).

Dù phải trải qua nhiều công việc mưu sinh khác nhau, nhưng lúc nào ông cũng canh cánh với những trang viết của mình. Ông tâm sự: khi là một người lo việc làm ăn để mưu sinh, hầu như tất cả dòng chảy về văn chương, thơ phú bị ngắt lại, khi có thời gian nhàn rỗi thì dòng chảy đó mới tuôn trào cho nên cũng phải chật vật lắm mới nuôi nổi giấc mộng văn chương của mình, nhưng ông khẳng định: “Kiểu gì tôi cũng phải viết và tôi sẽ cố gắng kiếm sống một cách lương thiện để viết ra những điều mình muốn”.

Thế Dũng viết ở nhiều thể loại: thơ, truyện, tiểu thuyết, bút ký, tiểu luận phê bình. Các tác phẩm chính của ông có thể kể đến 5 tập thơ: Hoa hồng đến muộn (1990), Người phiêu bạt (1992), Mùa xuân dang dở (2003), Từ Tâm (2005); và 5 tập truyện, tiểu thuyết: Tiếng người trong đá Giáp Sơn (1993), Chuyện tình dở dang (2000), Hộ chiếu buồn (2003), Tình cuội (2006), Một nửa lá số ( 2009).

Năm 2005, tiểu thuyết "Hộ chiếu buồn" của ông là một trong 14 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2003-2005 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy cuối cùng không đoạt giải nhưng ông cho rằng, đối với nhà văn vấn đề quan trọng nhất là viết ra được thật hay những điều mình muốn viết. Ông lấy làm tự hào vì "Hộ chiếu buồn" của ông được bạn đọc ở cả trong và ngoài nước đón nhận. Hơn nữa, nó lại đã được ban giám khảo gồm toàn các nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam chọn vào vòng chung khảo, đó là một niềm vui với một người xa xứ như ông. Ông cho hay  ấn bản tiếng Đức của tiểu thuyết "Hộ Chiếu buồn" sẽ được Nhà xuất bản Horlemann cho ra mắt tại châu Âu trong năm nay.

Thế Dũng viết nhiều thể loại, nhưng có lẽ với ông, thơ chính là cuộc sống. Ông cho biết: “Nhà văn, nhà thơ cũng giống như tất cả mọi người trên thế gian này. Họ cũng phải lam lũ làm đủ mọi việc để có thể mưu sinh. Và ai cũng có riêng một đam mê nào đó. Như tôi thì thích làm thơ cũng giống như ai đó thích hút thuốc phiện, thích nhẩy đầm, thích đánh bạc. Và ở mỗi cái thích đến mức giống như sự nghiện ngập ấy đều mang lại cho người ta một niềm vui sống, một sự thăng bằng tâm lý nào đó trước một đời sống đầy những nghịch cảnh giông bão”.

Một tập thơ ông tâm đắc nhất và cũng là tập thơ được nhiều người biết đến đó là tập “Từ Tâm” được xuất bản ở Berlin năm 1997 và ở Việt Nam năm 2005 (ông đã xuất bản một tuyển tập cũng mang tên “Từ Tâm”). Nội dung như nhan đề của tập thơ, nói về sự từ tâm của con người, viết từ tâm của con người, là nỗi buồn của người xa xứ. Tất cả những nhịp điệu đó là tâm hồn của một người Việt, khi sống ở trên quê hương mình cũng như khi xa quê hương.

Phần lớn những tác phẩm của ông đều được viết ở nước ngoài nhưng bối cảnh, con người và âm hưởng chung vẫn mang đậm hồn Việt. Hình ảnh quê hương thường trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Ông viết về Mỵ Châu, Trọng Thủy, ông viết về cha Rồng, mẹ Tiên, về xứ Đông, về những kỷ niệm ở chiến trường….

Lý giải về điều này, ông cho rằng: mỗi một nhà văn, nhà thơ đều có một quốc tịch. Cho nên thân phận của nhà văn luôn gắn bó với số phận của dân tộc và của nền văn hóa nơi họ sinh ra, dù trong hoàn cảnh sống ở nước ngoài hay ở trong nước.

Nhà văn Thế Dũng tại Hà Nội 

Theo ông, với thế hệ trẻ sống ở nước ngoài bây giờ khái niệm về quê hương cũng có khi được nới rộng, có thể là nơi người ta cảm thấy hạnh phúc, nơi người ta trở đi trở lại hàng ngày với một niềm vui bình an… Nhưng với một người ra đi ở độ tuổi đã chín (36 tuổi) và đã từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống như ông thì quê hương lúc ông ra đi như thế nào, bây giờ và mãi mãi sau này vẫn vậy. Trước khi đi ông đã viết một bài trường ca về tình yêu được khởi hứng trên nền của quê hương, của xứ Đông. Trường ca có tên "Nơi tôi khóc cũng là nơi tôi hát" được in trong tập thơ “Người phiêu bạt”. Trong khi ông lưu lạc ở xứ người, những người bạn của ông đã trích đăng trường ca đó trên báo Nhân Dân. Khi đọc trường ca này trong bản dịch tiếng Đức, nhiều người bạn Đức của ông rất thích và cảm động. Ông bảo nhất định sẽ có ngày trở về để câu cá ở sông Hồng hoặc sông Thương. Hiện tại còn nhiều việc đang dang dở. Theo ông, muốn có  tác phẩm hay phải có vốn sống phong phú, phải có cả tâm thuật lẫn học thuật; không chỉ trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài mà còn phải hiểu rõ và thâm nhập cuộc sống tinh thần của độc giả trong nước. Chính vì vậy, từ năm 2000 đến nay ông vẫn cùng vợ thường xuyên đi về giữa hai quốc gia.

Hiện nay ông đang hoàn thiện  trường ca “Lục bát lên đồng”. Sau khi cho ra mắt tiểu thuyết "Một nửa lá số", ông đang viết tiếp hai cuốn tiểu thuyết "Con chữ thiên di" và "Hoa hồng tỵ nạn". 

Tạm biệt nhà văn Thế Dũng, tôi chúc ông sớm đạt được những  mơ ước trong sự nghiệp văn chương của mình để cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm hay, mang đậm hơi thở của cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên