Tiếng gọi từ quê hương

Chính từ tiếng gọi thiết tha này, ông đã quyết tâm học hỏi, nhận tấm bằng tiến sỹ để trở về phục vụ quê hương.

Một chiều cuối năm, có một người đàn ông đến gặp tôi, tay cầm một vali đựng đầy sách. Ông nghẹn ngào: “Cách đây hơn nửa thế kỷ, tại địa danh 58 Quán Sứ, Hà Nội này, tôi đã cất lên tiếng hát. Giờ trở lại, mọi thứ đổi thay nhiều quá”.

Ông là Lê Quý An, một Việt kiều trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách. Dù đã ở tuổi 78 nhưng trong con người ấy vẫn luôn thường trực một niềm mong mỏi cống hiến cho đất nước, quê hương.

Niềm vui của ông Lê Quý An khi nhận bằng tiến sỹ tại Đại học Quốc tế Hoa Kỳ ngày 4/12 vừa qua
Trở về báo đáp quê hương

Có lẽ với người đàn ông đã ở tuổi 78 này, học tập là một con đường chưa bao giờ có điểm dừng. Ông đưa cho tôi xem tấm bằng Tiến sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh (BDA) tại Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (International American University) mà ông mới được nhận vào ngày 4/12 vừa qua.

Cách đây hơn 6 năm, lúc đó đã ở tuổi 72, ông Lê Quý An quyết định sẽ trở về Việt Nam để đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Để thực hiện ý định đó, ông đã quyết tâm theo học tại Đại học Quốc tế Hoa Kỳ để nhận tấm bằng Tiến sỹ.

Ông An tâm sự: “Muốn cống hiến được nhiều hơn cho đất nước, tôi phải học tập để nâng cao tri thức. Dù biết rằng ở tuổi này, việc học tập là hết sức khó khăn bởi những rào cản về sức khỏe nhưng tôi vẫn quyết tâm theo học cho bằng được. Cuối cùng, không phụ công 6 năm trời đèn sách với bao vất vả, giờ tôi đã có tấm bằng trong tay và đã đến lúc, tôi phải trở về để báo đáp quê hương”.

Chính niềm mong mỏi muốn được cống hiến cho quê hương đã trở thành động lực để ông quyết tâm theo đuổi tấm bằng tiến sỹ. Với ông, đó là cách để không bị lạc hậu so với thời đại và để hòa nhập với sự phát triển nhanh chóng của đất nước mình.  

Bao năm bôn ba nơi xứ người, có lúc ông chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng rồi ông lại gượng dậy, tiếp tục học tập, nắm bắt các kiến thức mà chủ yếu là qua con đường tự học. Ông coi đó là cách để khẳng định sự kiên trì, nghị lực và bản lĩnh của người Việt với bạn bè quốc tế.

Từ những ngày đầu không biết ngoại ngữ nào, qua quá trình tự mày mò, học hỏi, đến nay ông đã thành thạo 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hà Lan. Những ngày tháng khó khăn ấy cũng là những ngày tháng mà ông nhận ra rằng, quê hương là nơi ông sẽ trở về.

Tiếng hát từ trái tim

Ông bảo tôi, trời thương nên cho ông nhiều “tài lẻ”. Quả thật, ngoài một nhà giáo, một doanh nhân, Lê Quý An còn là một nhạc sỹ, ca sỹ, diễn viên. Chính khả năng thiên bẩm về âm nhạc cùng với niềm đam mê theo đuổi con đường nghệ thuật này đã làm nên một nhạc sỹ Lê Quý An với những ca khúc thiết tha, sâu nặng: “Trẩy hội Đền Hùng, giỗ tổ Hùng Vương”, “Anh Cali, em Sài Gòn”… Ông là sáng lập viên và là trưởng khối văn nghệ Hội Đền Hùng hải ngoại.

Năm 2007, ông đã sáng tác ca khúc “Trẩy hội Đền Hùng, giỗ Tổ Hùng Vương” và đây chính là “hội ca” được bà con Việt kiều hát trong những ngày Hội Đền Hùng hải ngoại hàng năm ở các bang trên toàn nước Mỹ. Ca khúc được sáng tác dựa trên nền nhạc dân ca truyền thống có âm hưởng luyến láy, có sức lay động tâm hồn của những người con xa quê: “Cây có cội, nước kia có nguồn/Là người Việt, ta luôn nhớ Hùng Vương/Nay dẫu xa muôn trùng sông núi/Người Việt ta vẫn nhớ…”. 

Nặng lòng với nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là làn điệu “Dân ca quan họ”, nhạc sỹ Lê Quý An đã cùng với nghệ sỹ Ngọc Quang, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trúc Xinh phát hành DVD “Kinh Bắc vào xuân”. Đặc biệt, chính ông cũng góp mặt với vai trò là ca sỹ trong DVD với hai ca khúc: “Bèo dạt mây trôi” và “Duyên quê”. Nhìn ông xúng xính trong áo the khăn xếp và hát những khúc dân ca ngọt ngào, tôi cảm nhận được sức sống và tình yêu quê hương sâu nặng của người đàn ông đã qua tuổi thất thập cổ lai hy.

Chia tay tôi, ông vẫn đau đáu một niềm mong mỏi sẽ thực hiện được dự định mở trường học nơi quê nhà để giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với những kiến thức y học tiên tiến của thế giới. Bởi với ông, tuổi trẻ chính là cái “vốn” quý giá nhất của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên