Nghệ sỹ violon Bùi Công Duy

Tổ quốc và dàn nhạc danh tiếng

Đang có một chỗ đứng mà nhiều nghệ sỹ mơ ước trong dàn nhạc dây đẳng cấp quốc tế - Viourse Moscow (Nga) - cùng nhiều cơ hội làm việc tốt, Bùi Công Duy đã trở về Việt Nam.

Một năm nhìn lại, anh cho rằng: “Trở về Việt Nam luôn nằm trong dự định của mình và bây giờ là thời điểm phù hợp nhất để cống hiến cho quê hương đất nước”.

** Vậy là đã tròn một năm Bùi Công Duy trở về nước, anh hài lòng về sự trở về này chứ?

- Tôi đã tham gia vào khá nhiều chương trình, góp một phần nhỏ để công chúng biết đến violon nhiều hơn. Điều mừng nhất là trong năm qua, lứa học sinh đầu tiên do tôi giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội đã có được những thành tích khả quan. Dù có gặp một số khó khăn hơn ở môi trường mới, song chưa bao giờ tôi thấy tiếc về quyết định trở về của mình. Tôi không ngại phát triển sự nghiệp và tài năng trong hoàn cảnh nào, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bản thân mình. Khó khăn càng làm tôi trưởng thành hơn.

** Để có được vị trí trong dàn nhạc danh tiếng như Viourse - Moscow là ước mơ của nhiều nghệ sỹ, là người châu Á duy nhất được lựa chọn vào dàn nhạc này, con đường đến với Viourse-Moscow của Bùi Công Duy như thế nào?

- Viourse - Moscow có từ thập niên 80 của thế kỷ trước, từng là dàn nhạc của hoàng gia Tây Ban Nha. Họ biểu diễn khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù ở Nga, song đa phần những người làm việc trong dàn nhạc đó đều là người nước ngoài và phải cực giỏi. Tình cờ trong một dịp, dàn nhạc tìm thêm một người chơi violon, cô giáo tôi đã gợi ý tôi nên thử sức xem sao. Tôi đã chuẩn bị khá kỹ và tới chơi thử... Không ngờ được chọn. Cảm giác khi ấy rất tự hào...

** Vậy vì lý do nào khiến anh từ bỏ vị trí không dễ gì có được để trở về nước? 

- Quả thực lúc đó tôi đang có một công việc khá tốt trong dàn nhạc danh tiếng thế giới - Viourse Moscow. Dàn nhạc có lịch diễn thường xuyên và đi khắp thế giới, mà việc xin chuyển đổi visa của người Việt Nam tại nước ngoài rất khó khăn. Muốn thuận tiện cho việc theo dàn nhạc đi biểu diễn liên tục, tôi phải chuyển hẳn sang quốc tịch Nga. Nhưng tôi nghĩ, mình là người Việt Nam thì chẳng có lý do gì buộc mình từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Có thể tôi không ở trong dàn nhạc danh tiếng nào đó, chứ không thể không mang quốc tịch Việt Nam.

Tôi lại xa Việt Nam quá lâu (từ khi 10 tuổi), được nghe nhiều về hoàn cảnh khó khăn trong nước, nghệ thuật cũng chưa được phát triển nên muốn trở về, mang những kiến thức được học ở nước ngoài để áp dụng vào thực tế ở Việt Nam để giúp nghệ thuật thêm phát triển hơn...

** Chắc cho đến giờ, anh vẫn còn ấn tượng về nước Nga những ngày đầu gia đình anh đặt chân đến?

Gia đình tôi sang Nga đúng vào thời điểm nước Nga đang gặp khủng hoảng nên hết sức khó khăn. Muốn mua chút đường, ổ bánh mì cũng phải xếp hàng dưới thời tiết -20độC. Những gia đình Nga dù khá giả cũng khó khăn trong việc mua bán, chi tiêu, huống hồ một gia đình người Việt sang định cư tại Nga. Một cuộc sống không có người thân quen, ngôn ngữ lại không biết, bố mẹ còn phải làm thêm nhiều công việc khác để nuôi tôi ăn học. Mất khoảng 5 năm cực kỳ gian khổ, nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm đầu tư để tôi theo học nghệ thuật.

Đối với số đông công chúng Việt Nam, nhạc giao hưởng khá trừu tượng, khó nghe và chỉ dành cho tầng lớp “thượng lưu”. Anh có nghĩ đó là những cản trở lớn để nhạc giao hưởng chưa tìm được khán giả?

Bản thân đối với người trong nghề, để yêu và hiểu được nhạc cổ điển thì phải có quá trình “ngấm” dần, thì đối với công chúng cũng phải có thời gian. Nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận người nghe, nhưng quan trọng là cách mình đưa nhạc cổ điển đến gần và được công chúng đón nhận như thế nào. Tôi rất mong muốn những nghệ sĩ violon, piano... bằng cách nào đó thật là khéo để lựa theo khán giả và dần dần chuyển đổi suy nghĩ và thói quen của khán giả.

** Bùi Công Duy có dự định gì trong năm nay?

Tôi không dự định một kế hoạch lâu dài nào cho tương lai bởi cuộc sống vẫn còn nhiều thay đổi đang ở phía trước. Tôi chỉ nghĩ rằng nghệ thuật thì luôn phải sáng tạo, phải biểu diễn, cần được làm việc tốt. Nếu tôi cảm thấy mình còn đóng góp được nhiều, còn biểu diễn tốt và được tạo điều kiện để được làm việc và cống hiến thì tôi sẽ làm. Còn tới một thời điểm nào đó mà những đóng góp của tôi không mang lại hiệu quả thì có thể tôi sẽ phải tìm một bước đi thích hợp hơn.

** Xin cảm ơn!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên