Tọa đàm về sức khỏe tâm lý người Việt ở Đức
VOV.VN -Từ năm 2010 tại Berlin đã có Phòng khám tâm lý và tâm thần học cho cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức do bác sĩ người Việt phụ trách.
Tối 14/11/2015 tại trụ sở Thời báo ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân, Berlin đã diễn ra một buổi tọa đàm về sức khỏe tâm lý của người Việt ở Đức do Trường đại học Y Charité Campus Benjamin Franklin và Tòa soạn Thời báo phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi tọa đàm có một số bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần học, chuyên gia về nhân chủng học, đại diện một số văn phòng giúp đỡ người nước ngoài, đại diện một số hội đoàn người Việt, trong đó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức.
TBT Thoibao.de Lê Trung Khoa phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Tiến sĩ Tạ Thị Minh Tâm, Bác sĩ chuyên khoa tâm thần và trị liệu tâm lý, phụ trách Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người Việt Nam tại CHLB Đức đã trình bày một bài tham luận phong phú về tỉ lệ bệnh tâm lý, tâm thần trên thế giới, về sức khỏe tâm lý của người di cư, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới người Việt Nam ở Đức nói chung và ở Berlin nói riêng.
Theo bài tham luận, Berlin hiện nay có trên 21.000 người Việt Nam, chiếm 2,8% tổng số người nhập cư ở Berlin. Tuy nhiên, người di cư Việt Nam rất ít sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý và tâm thần. Theo một công trình nghiên cứu và so sánh việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần của 3.393 bệnh nhân có nguồn gốc nhập cư được thực hiện năm 2012 ở quận Lichtenberg, Berlin thì tỉ lệ người nhập cư sử dụng dịch vụ này chiếm khoảng 16,7% so với toàn bộ dân cư. Những người nhập cư có nguồn gốc từ Liên Xô trước đây sử dụng dịch vụ này chiếm tới 37,8% tất cả những người nhập cư, trong khi đó người Việt Nam sử dụng dịch vụ này chỉ chiếm 3,2% trong tổng số người nhập cư.
Tham luận cũng cho biết, kể từ năm 2010 tại Berlin đã có Phòng khám tâm lý và tâm thần học cho cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức do bác sĩ tâm lý, tâm thần người Việt phụ trách.
Phòng khám này có các dịch vụ: Tư vấn, điều trị tâm lý ngoại trú, thẩm trị tâm lý, điều trị chấn thương tâm thần và điều trị nội trú.
TS. BS Tạ Thị Minh Tâm trình bày tham luận. |
Theo số liệu từ phòng khám từ tháng 4/2010 tới tháng 9/2015 đã có 251 người tới khám với độ tuổi trung bình là 42,8. Trong đó, tỉ lệ nữ là 75,3% và tỉ lệ nam là 24,7%. Theo các chẩn đoán chính thì những người mắc bệnh trầm cảm cao nhất, chiếm tới 55,20%, nhưng với các mức độ khác nhau.
Từ cuối năm 2012, Phòng khám tâm lý, tâm thần học cho cộng đồng người Việt đã có hợp tác với Bệnh viện Königin Elisabeth Herberg (KEH) năm ở quận Lichtenberg với mục đích chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người Việt ở gần nơi ở, có phiên dịch tiếng Việt. Cho tới nay đã có khoảng 100 bệnh nhân tới khám. Từ năm 2014 có sự nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu các phương pháp điều trị, đứng đầu là Tiến sĩ Eric Hahn, một người Đức cũng nói được tiếng Việt. Từ năm 2015 có điều trị ngoại trú của chuyên gia nói tiếng Việt.
TS. Eric Hahn giải đáp những câu hỏi liên quan tới bệnh tâm lý. |
Trong tọa đàm, các chuyên gia tâm lý, tâm thần học nhấn mạnh rằng có rất nhiều dạng bệnh tâm lý có thể chữa khỏi, nếu được điều trị. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đến bác sĩ tâm lý là mình đã bị tâm thần phân liệt. Dạng bệnh tâm thần phân liệt với các triệu chứng như hoang tưởng, suy nghĩ lung tung, nghi mình bị theo dõi, nghi ngờ có người hại mình… thì không nhiều. Việc mất trí nhớ tuổi già, các dạng nghiện như nghiện rượu, các chất kích thích, các loại thuốc ngủ, nghiện chơi điện tử… cũng được coi là bệnh tâm lý. Những loại bệnh này không phải tự nhiên bột phát, mà tiến triển từ từ. Nếu đến khám được tư vấn hoặc điều trị sớm thì bệnh sẽ thuyên giảm và có thể khỏi hằn. Việc tham gia các hoạt động nhóm và sinh hoạt cộng đồng cũng giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý.
Tại tọa đàm, các chuyên gia tâm lý, tâm thần học cũng giải đáp các câu hỏi của những người tham dự và của bạn đọc Thoibao.de gửi tới.
Cuộc tọa đàm này mong muốn góp phần xóa bỏ những định kiến về những bệnh tâm lý để cộng đồng người Việt ở Đức có thể được chăm sóc tốt hơn về y tế. Các bác sĩ ở Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức cũng có nghĩa vụ phải giữ gìn tuyệt đối bí mật những vấn đề của bệnh nhân.
Địa chỉ liên hệ: Hindenburgdamm 30, 12203 Berlin. Tel. 030-450517666.
Email: tuvan-vietnam@charite.de hoặc thi-minh-tam.ta@charite.de