Tôi là người Việt Nam
Với Nguyễn Hữu Thái Hoà, đơn giản đã mang trong mình tố chất Việt Nam thì sớm muộn cũng sẽ trở về Việt Nam
Từng đóng vai trò then chốt ở nhiều công ty nước ngoài, làm Giám đốc bộ phận Quốc tế vụ của Tập đoàn Schneider Electric tại Pháp, rồi khi đang là Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tài chính kinh tế châu Á - Thái Bình Dương dòng sản phẩm ISC tại Hong Kong..., anh lại quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam vào tháng 12/2010, đảm nhận chức Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT. Quyết định đó của chàng doanh nhân Việt kiều trẻ Nguyễn Hữu Thái Hòa khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng anh nói rằng: “Tôi luôn nghĩ tố chất của tôi là người Việt Nam, thì sớm muộn tôi cũng sẽ trở về Việt Nam. Và đây là thời điểm thích hợp nhất…”.
Đại diện cho kiều bào trí thức trẻ thế hệ thứ 2 tại buổi giao lưu kiều bào về nước đón Tết Tân Mão do Đài TNVN tổ chức, Thái Hòa tâm sự: “Tôi thường khuyên các bạn trẻ có tài năng là nên về nước càng sớm càng tốt. Về nước khi mình đang sung sức thì mới vượt qua được khó khăn. Đừng vội phàn nàn về cơ chế, về đãi ngộ… Chính thời thế mới tạo nên anh hùng”. Vì vậy, khi về FPT, anh đã khiêm nhường nói rằng, mình trở về để làm “việc nhà” cho họ, như công việc của một người giúp việc, bởi những công việc đó mới khiến anh chứng tỏ được khả năng của mình.
![]() |
Nguyễn Hữu Thái Hòa |
“Chuyện tôi trở về nước giống như chuyện nắm bắt cơ hội. Tôi muốn tự tạo cơ hội cho mình. Tôi vẫn bảo các Việt kiều trẻ là các bạn phải tự tìm lấy cơ hội. Cơ hội ở châu Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng là nhiều vô kể. Sức hút của cả thế giới đang tập trung vào châu Á, và biết đâu vài năm nữa nó lại dịch chuyển sang vùng đất mới là châu Phi, nên chúng ta phải biết nắm lấy” - Thái Hòa chia sẻ.
Trong căn hộ gia đình anh sinh sống tại tòa nhà The Manor - Mỹ Đình - Hà Nội, vừa tiếp chuyện tôi, Thái Hòa vừa âu yếm nựng cậu con trai thứ 2 hơn 4 tháng tuổi rất kháu khỉnh. Anh nhắc lại một kỷ niệm ngồ ngộ: Khi cả gia đình vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào một sáng cuối năm 2010, một nhân viên hàng không đã nói: Đây chính là Việt kiều nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay trở về quê hương! Và ngồi bên cạnh người mẹ đã hơn 70 tuổi - nguyên giảng viên khoa Văn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bay từ TP.HCM ra Hà Nội thăm cháu ít ngày - anh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Có thể còn nhiều lý do khác nữa, nhưng gia đình mới chính là cái neo để tôi trở về!”.
Hãy làm việc nhiều hơn người khác
Tôi hỏi: “Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc ở nước ngoài, anh muốn khuyên các bạn trẻ trong nước điều gì?”.
- “Tôi không thích dùng từ “đi tắt đón đầu” mà nhiều người vẫn sử dụng để khuyên thế hệ trẻ, vì điều này dễ làm cho các bạn trẻ lười biếng. Chỉ có cách duy nhất để “đón đầu” là anh phải làm việc nhiều hơn người khác, hoặc nếu anh thông minh hơn thì anh sẽ làm việc nhanh hơn. Đừng nhìn thấy người khác chạy xe Rolls Royce thì cũng muốn mình giàu ngay lập tức, mà phải biết rằng họ cũng phải “cày cuốc” trong nhiều năm trời, phải biết nắm bắt cơ hội… Hiện nay có nhiều bạn trẻ rất giỏi nhưng hay bị mất phương hướng, nhìn cuộc sống tiêu cực nên mất đi khát vọng. Chúng ta chỉ quen nhìn hiện tượng mà không nhìn thấy bản chất”.
- “Chỉ trích, phê phán đang là thói quen xấu của nhiều người trẻ hiện nay. Về FPT, anh đối mặt với thực trạng này như thế nào?”.
- “Tôi quen nhìn vấn đề ở góc độ tích cực, nên thường khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ ngồi chỉ trích hay phê phán người khác khi bản thân mình còn chưa tìm ra giải pháp”.
Một ngày làm việc 14-15 tiếng với Thái Hòa là “chuyện thường”. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình có lần bảo: “Hòa ơi, anh chỉ mong em có 48 tiếng mỗi ngày”. Hòa cười: “Thế thì anh giết em rồi còn gì”. Thái Hòa đã từng làm rất nhiều việc ở nước ngoài để kiếm tiền tự trang trải việc học cho mình, từ việc đi hát ở phòng trà đến quét dọn vệ sinh.
Làm nhiều năm cho các công ty nước ngoài, anh hiểu sự thiệt thòi của những quốc gia chuyên nai lưng gia công cho các ông chủ tư bản hưởng lời: “Những ai có điều kiện đi xuyên suốt chuỗi giá trị sản xuất, mới thấy cay đắng khi phải mặc chiếc áo gia công nô dịch. Phải tiến tới tự nghiên cứu và phát triển (Research and Development)”. Anh cũng đã góp ý điều này cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ từ nhiều năm trước. Vì thế, khi còn ở nước ngoài, Thái Hòa vẫn thường về Việt Nam để tư vấn cho Chương trình Quản lý chất lượng - Vươn tới đỉnh cao. Khi làm Giám đốc Chiến lược cho Tập đoàn FPT, anh cũng tham vọng người Việt sẽ chiếm được những khâu khó nhất, béo bở nhất trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Vị Giám đốc và niềm đam mê nhạc Trịnh
2. Lần đầu tiên tôi nghe Thái Hòa hát nhạc Trịnh cách đây gần 10 năm, ấn tượng với một giọng nam trầm ấm, giản dị, và đầy nội tâm, tôi cũng không biết gì nhiều về anh ngoài hình ảnh một ca sỹ hải ngoại hát nhạc Trịnh. Khi bước chân vào căn hộ của gia đình anh, nhìn thấy bức họa chân dung Trịnh Công Sơn được treo trang trọng tại phòng khách, tôi đã thoáng lờ mờ hiểu ra Thái Hòa là con người “2 trong 1”, Thái Hòa hát nhạc Trịnh và Thái Hòa Giám đốc chiến lược FPT.
10 năm qua, Thái Hòa lặng lẽ theo đuổi dòng nhạc Trịnh, đơn giản vì mối thâm tình giữa cha mẹ anh với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (cha Thái Hòa là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - PV) từ khi anh còn chưa được sinh ra. Và vì một lời hứa khi Trịnh Công Sơn mất, 10 năm qua, anh đã đều đặn cho ra 10 album về nhạc Trịnh.
Thái Hòa không nằm trong “top” những ca sỹ mà truyền thông thường nhắc đến gắn với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhưng nhiều năm qua, mỗi lần nghe nhạc Trịnh, tôi vẫn luôn tin rằng, Thái Hòa là một cái tên ấn tượng đối với không chỉ riêng tôi, mà với tất cả những fan nghiền nhạc Trịnh. Anh để lại nhiều dư âm cũng chính bằng cái cách mà nhạc Trịnh đã để lại trong lòng người nghe, đó là bằng cái tình và cái hồn: “Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá/ Hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa / Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ / Ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu…”.
Giới thiệu với tôi hai bức chân dung và bức tượng Trịnh Công Sơn mà anh có được, Thái Hòa tâm sự: “Tôi may mắn có 2 bức chân dung tuyệt đẹp vẽ Trịnh Công Sơn do họa sĩ Công Thế Cường, một người bạn thân ở Paris của Trịnh Công Sơn trong những năm tháng phiêu bồng cùng Khánh Ly vẽ vào năm 1995, và 1 bức do họa sĩ Trần Như Hiển là em rể của nhạc sỹ vẽ tặng khi tôi gặp và hàn huyên với ông về tâm huyết của mình với “đạo Trịnh” ở Canada năm 2003. Ngoài ra tôi còn 1 tượng chân dung Trịnh Công Sơn do nhà điêu khắc Nguyễn Sánh, người tạc tượng Trịnh Công Sơn trên ngôi mộ tại Bình Dương làm riêng cho tôi trước khi sang Pháp năm 2001. Với tôi, các kỷ vật này là vô giá”.
>> Nguyễn Hữu Thái Hòa sinh năm 1969. Anh từng theo học Khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện TP.HCM (1986 - 1990); học kiến trúc nội thất tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada (1991-1995); Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học CEIBS, Thượng Hải, Trung Quốc (2005-2007). |
3. Hai cuốn sách “Hành trình văn hóa ISO và giấc mơ Việt Nam” và “Vườn xưa - Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn” mà anh thực hiện từng được độc giả Việt Nam yêu thích, nghe thì có vẻ tác giả của chúng… chẳng liên quan gì đến nhau. Hỏi Thái Hòa có điểm chung gì giữa hai công việc này, anh trả lời: “Nếu các bạn để ý, có thể nhận thấy ISO Quality và nhạc Trịnh cũng có một điểm tương đồng nào đấy”. - “Vậy anh muốn được nhớ nhiều ở hình ảnh một ca sỹ hát nhạc Trịnh hay một Giám đốc chiến lược của FPT?” - “Tôi mong được nhìn nhận là một thanh niên Việt Nam luôn tận tụy hết mình cho đất nước. Trong cái chung lớn lao ấy thì ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh hay Giám đốc gì đó cũng chỉ là những phần thể hiện mang tính “hiện tượng” hơn là “bản chất” của một người trí thức”./.