Trái tim mãi thuộc về dân tộc
Dẫu đã bước lên đỉnh vinh quang, trái tim ấy vẫn luôn hướng về đất mẹ, cả những lúc đất nước còn trong cơn binh lửa cho đến tận bây giờ…
Những lời ru thân thương của mẹ lẫn trong tiếng sáo diều vi vu, tiếng sóng mênh mang trên dòng sông Đáy đã thấm đẫm tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Thiện Đạo và dung dưỡng tài năng âm nhạc ở cậu. Để rồi, 13 tuổi, cậu bé sang Pháp học, bắt đầu cuộc hành trình mà khi ấy không ai ngờ là sẽ đưa cậu trở thành một ngôi sao âm nhạc của thế giới. Nhưng, dẫu đã bước lên đỉnh vinh quang, trái tim ấy vẫn luôn hướng về đất mẹ, cả những lúc đất nước còn trong cơn binh lửa cho đến tận bây giờ…
Người con của dân tộc
Những giải thưởng quốc tế đã đưa tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vào trong 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: “Le petit Larousse” và từ điển “Le Petit Robert”. Là một nhạc sĩ của thế giới, Nguyễn Thiện Đạo còn là một người con ưu tú của Việt Nam. Bởi thế, ông không chỉ được Nhà nước Pháp trân trọng với giải thưởng cho toàn bộ tác phẩm cùng Huân chương “Chevalier des Arts et des Lettres”, mà còn được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến và Huy chương Chiến sĩ Văn hóa. Cùng với nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã được đặc cách mang 2 quốc tịch từ nhiều năm trước.
Cậu bé Nguyễn Thiện Đạo rời Hà Nội sang Paris theo học từ năm 1953 để thực hiện ước mơ của cha cậu là trở thành một bác sĩ. Nhưng rồi, niềm yêu âm nhạc đã khiến cậu bé quyết thi vào trường nhạc, bất chấp sự giận dữ của người cha đến mức không gửi tiền ăn học cho cậu. Thương cậu bé có khả năng âm nhạc, ông Paul LéVy, nguyên Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ, đã đưa Nguyễn Thiện Đạo vào ký túc xá nuôi dưỡng trẻ em Do Thái là nạn nhân của Thế chiến II, giúp cậu tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy biểu diễn “Hồn thiêng sông núi” |
Ông Paul LéVy đã không phải hối hận vì sự giúp đỡ của mình, khi 10 năm sau, Nguyễn Thiện Đạo đặt bước vào Nhạc viện Paris một cách vẻ vang, sau khi trúng tuyển vào bộ môn soạn nhạc. Tại đây, người nhạc sĩ tài ba của tương lai đã may mắn được gặp Olivier Messiaen - nhà soạn nhạc lừng danh của thế kỷ XX. Dưới sự dẫn dắt của thiên tài Olivier Messiaen, năm 1968, Nguyễn Thiện Đạo đã giành giải nhất tại Nhạc viện Paris bằng tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc”. Đây là phần thưởng danh giá vì trước và sau Nguyễn Thiện Đạo, đến nay, chưa từng có ai đoạt giải khi mới học năm thứ nhất.
Được học hành bài bản âm nhạc hàn lâm, nhưng Nguyễn Thiện Đạo luôn hướng về âm nhạc truyền thống. Ông bảo: “Tôi luôn tâm niệm mình là một nhạc sĩ Việt Nam và kết hợp hài hòa những kiến thức mình học được với âm nhạc của cha ông để lại, là điều tôi luôn hướng đến”. Gần 100 tác phẩm trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, cả độc tấu lẫn giao hưởng, đều mang chủ đề quê hương với những giai điệu thấm đẫm hồn Việt: Tây Nguyên, Khóc Tố Như, Bà mẹ Việt Nam, Máu và hoa, Cách mạng tình thương, Tìm lửa thiên thai… Mới đây, là So dây, Sóng, Khói, Khói nguyệt, Hồn đất nước.
Trái tim luôn hướng về đất MẹRời chiếc đàn piano với những giai điệu Việt Nam quen thuộc vang lên trong ngôi nhà đầy gió bên hồ Hoàng Cầu, Nguyễn Thiện Đạo cho tôi xem kỷ vật mà ông luôn mang theo bên mình: tấm ảnh của Olivier Messsianen với lời đề tặng “Nguyễn Thiện Đạo là người nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ XX”. Người thầy tài ba dường như đã nhìn thấy trước sự thành công của cậu học trò cưng, khi thấy Nguyễn Thiện Đạo đã thực hiện triệt để lời dạy của mình: “Các anh là người nước nào thì phải giữ cái gốc của nước đó và phải biết tạo con đường riêng của mình”.
Là một tên tuổi của nền âm nhạc thế giới, nhưng chưa khi nào ánh sáng phù hoa làm mờ đi tấm lòng yêu nước mãnh liệt và thẳm sâu của Nguyễn Thiện Đạo.
Những năm 60 của thế kỷ trước, cả nước đang dồn sức đánh đuổi đế quốc Mỹ. Trong Ban Chủ tịch Hội người Việt yêu nước ở Pháp, Nguyễn Thiện Đạo thường xuyên tổ chức và chủ trì các buổi biểu diễn văn nghệ với các bài ca đầy tinh thần yêu nước, động viên mọi người đồng lòng chiến đấu. Giữa lòng một đất nước tư bản, nhưng Nguyễn Thiện Đạo đã viết tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc” với những lời ca đanh thép: “Ta thề, ta thề đánh tan giặc Mỹ”… Nhạc sĩ nhớ lại: Hồi đó, những lời thơ Tố Hữu: “Ôi! Tổ quốc giang sơn hùng vĩ. Đất anh hùng của thế kỷ 20. Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ. Có miền Nam anh dũng tuyệt vời” đã ám ảnh và thôi thúc ông viết về Tổ quốc. Để rồi, tác phẩm đi từ ngọn nguồn rung động của một người con xa quê, vang âm lời của non sông với chí khí quật cường của cả một dân tộc, đã giúp ông giành giải nhất trong kỳ thi năm đó.
Năm 1968, Nguyễn Thiện Đạo vinh dự là người Việt Nam duy nhất được mời dự Đại hội âm nhạc thế giới tổ chức tại Royan. Lúc ông biểu diễn tác phẩm “Tuyến lửa”, Ban tổ chức đã cho treo lá cờ ba sọc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lên đại diện cho Việt Nam. Nhưng với lý do “lá cờ đó không tượng trưng cho đất nước của tôi!”, Nguyễn Thiện Đạo đã yêu cầu hạ lá cờ đó xuống, ông mới đồng ý biểu diễn. Hành động dũng cảm này khi ấy của Nguyễn Thiện Đạo đã khiến báo chí các nước xôn xao, còn những kẻ quá khích thì lồng lộn, đưa ra những lời dọa dẫm. Trong một cuốn sách của mình, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung ca ngợi những đóng góp của Nguyễn Thiện Đạo cùng bà con kiều bào Pháp là đã làm nên “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”.
Mong làm một nhịp cầu nhỏKhông chỉ sáng tác những tác phẩm mang nặng tình yêu non sông đất nước, Nguyễn Thiện Đạo còn luôn khao khát được “cùng các nhạc sĩ Việt Nam làm ra một dòng nhạc Việt Nam tầm vóc thế giới”. Những thành công của Đặng Thái Sơn, Lê Phi Phi, Tôn Nữ Nguyệt Minh ở nước ngoài làm ông vui mừng khôn xiết, vì cùng với ông, họ chính là những nhịp cầu nối âm nhạc Việt Nam ra với thế giới. Nguyễn Thiện Đạo tâm sự, ông đã được đất nước ưu ái quá nhiều khi không chỉ được mang 2 quốc tịch, được mua nhà ở Hà Nội, mà còn được mời biểu diễn thường xuyên, vì thế, lúc nào ông cũng khao khát được đóng góp nhiều hơn nữa cho âm nhạc Việt Nam.
Mỗi lần về nước, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đều có những sáng tác mới, như cách bày tỏ tấm lòng của ông với dân tộc. Tổ khúc giao hưởng “Hồn thiêng sông núi” đã được sáng tác trong những ngày Nguyễn Thiện Đạo sống ở Việt Nam. Với âm hưởng hùng tráng, vừa hiện đại, vừa truyền thống, khi kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ âm nhạc của thế giới đương đại với âm nhạc dân tộc, “Hồn thiêng sông núi” đã được lựa chọn để khai màn cho Đại nhạc hội chào mừng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới tháng 11/2009 vừa qua.
Đón chào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo lại đang dồn tâm sức để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật tổng hợp mang tên “Hồn đất Việt” mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đặt viết. Ông cho biết, “Hồn đất Việt” sẽ là một tác phẩm thể hiện sâu lắng tình yêu của người con xa xứ với niềm tự hào về khí phách hào hùng của dân tộc, từ thời Hùng Vương dựng nước tới thời đại Hồ Chí Minh. Đan xen giữa phần âm nhạc hào hùng là những áng văn nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô cùng những thước phim về chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975…
Với quan niệm “người sáng tác phải bám sát cuộc sống, hơi thở của mảnh đất quê hương với trái tim mãi thuộc về dân tộc”, những năm gần đây, dẫu đã ngót 70 tuổi, ông vẫn thường xuyên về nước, và sáng tác những tác phẩm phục vụ quê hương. Nguyễn Thiện Đạo tin rằng, những thứ nghệ thuật tầm thường sẽ chìm vào quên lãng, chỉ âm nhạc đích thực là còn mãi với thời gian.
Trong trái tim nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, lúc nào 2 chữ Việt Nam cũng vang lên da diết, thân thương. Ông luôn khao khát biến tình yêu đất nước thành những tác phẩm hiện hữu, để phục vụ đất nước cho đến khi nào ông còn có thể…/.