Tranh cát Phi Long nâng đỡ người khuyết tật

(VOV)-Không chỉ dạy học, lớp học tranh cát Phi Long còn là nơi cưu mang, chia sẻ khó khăn với nhiều người khuyết tật, mảnh đời bất hạnh.

Nổi tiếng với những bức tranh làm bằng cát, tranh cát Phi Long ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. Điều đặc biệt ở đây là những bức tranh này đều do bàn tay khéo léo và nghị lực phi thường của những người khuyết tật tạo ra.

Gắn với từng bức tranh là mồ hôi, công sức của chàng trai khiếm thính nhưng đầy nghị lực Đỗ Đặng Phi Long. Không chỉ dạy học, lớp học do anh lập nên còn là mái ấm đùm bọc và chia sẻ khó khăn cho hàng trăm cảnh đời khuyết tật vượt lên số phận, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Lớp học đặc biệt do chàng trai trẻ Đỗ Đặng Phi Long là thầy và thầy nói chuyện với học trò chỉ thông qua ký hiệu bằng tay và giáo cụ chỉ toàn là cát, những chiếc ly thủy tinh, lồng kính cùng những chiếc thìa và que tre nhỏ được ví như bút, vở của học trò.

Phi Long bên cạnh bức tranh cát chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
do chính anh thực hiện (ảnh: vtv.vn)

Dẫu biết rằng, ai cũng có thể vẽ tranh, nhưng để có được một bức tranh đẹp, giàu cảm xúc và độc đáo thì không phải ai cũng làm được, hơn nữa đó lại là những tác phẩm được sáng tạo từ loại hình nghệ thuật mới.

Năm 2006, lớp tranh cát của thầy giáo trẻ Đỗ Đặng Phi Long đầu tiên ra đời từ sự nỗ lực của gia đình, sự ủng hộ của nhiều tổ chức và các nhà hảo tâm. Đến nay, cơ sở tranh cát Phi Long đã dạy nghề cho khoảng 300 người khuyết tật, với hàng nghìn tác phẩm đã được các em sáng tạo ra.

Thầy giáo Đỗ Đặng Phi Long bồi hồi nhớ lại: “Việc dạy học trò làm tranh cát gặp nhiều khó khăn vì sự giao tiếp giữa người khiếm thính và người khuyết tật không hề dễ dàng. Nhưng với niềm đam mê tranh cát, tôi đã quyết tâm học hỏi và trở về quê nhà mở cơ sở làm tranh cát và dạy nghề cho các bạn đồng cảnh ngộ”.

Hơn ai hết, chủ nhân của lớp học hiểu được nỗi niềm của những người không may mắn. Bởi vậy, anh Phi Long đã nhận và dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật. Tiếng lành đồn xa, nhiều bạn trẻ khuyết tật từ nhiều miền quê trong cả nước đã tìm đến để xin được học nghề.

Cơ sở tranh cát Phi Long ở thành phố Phan Thiết không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ vươn lên trong cuộc sống dành cho trẻ khuyết tật, mà còn là một đại gia đình với hàng trăm người con mà người mẹ duy nhất là chị Đặng Thị Thu Hà. Suốt 6 năm qua, chị Hà (mẹ của Phi Long) đã chạy vạy khắp nơi, thuê nhiều địa điểm làm nơi truyền nghề và làm việc cho các học viên.

Chị Đặng Thu Hà chia sẻ: “Tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm tới những lớp dạy nghề như thế này để có thể đón nhận nhiều hơn nữa các cháu khuyết tật. Ngoài ra, mong các cấp chính quyền tạo điều kiện để các cháu có được một chỗ làm ổn định”.

Bình Thuận hiện có khoảng 20.000 người khuyết tật. Họ đều có chung khát vọng vượt qua sự nghiệt ngã của số phận để sống thật sự có ích cho đời. Thế nhưng, để học được một nghề phù hợp, có việc làm và thu nhập ổn định thì không phải dễ.

Em Nguyễn Thị Kim Thúy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tâm sự: “Em thấy ở tỉnh, những công ty, cơ quan dành cho người khuyết tật rất ít. Em mong Nhà nước và các cấp chính quyền có nhiều chính sách ưu tiên hơn để mở rộng những lớp học như thế này để những người khuyết tật vừa biết nghề, vừa có công ăn việc làm”.

Tranh cát Phi Long được nhiều người biết đến bởi “thương hiệu” của lòng nhân ái, mô hình gắn kết giữa đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Đây cũng là mô hình phát huy hiệu quả, một cách làm cần nhân rộng, giúp những người có hoàn cảnh éo le, thiệt thòi vươn lên số phận để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên