Trí thức người Việt tại Pháp nặng lòng hướng về quê hương

VOV.VN -Buổi gặp diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của người Việt tại Pháp.

Cộng đồng trí thức Việt kiều tại Pháp - khoảng 40.000/400.000 trí thức và công nhân tay nghề bậc cao người Việt trên toàn thế giới - sẽ thúc đẩy một phong trào ủng hộ trong nước mạnh mẽ hơn, theo một mạng lưới rộng khắp và có hệ thống hơn.

Đó là tâm tư của những đại diện trí thức người Việt tại Pháp trong buổi gặp mặt ngày 1/6 ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Với chủ đề “Trí thức người Việt Nam tại Pháp với sự nghiệp hội nhập và phát triển của đất nước”, buổi gặp mặt quy tụ được gần 100 đại diện trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp.

Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt

Buổi gặp diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn xuất phát từ tâm tư nguyện vọng và các dự án đã, đang và sẽ triển khai của các cá nhân, tổ chức của người Việt tại Pháp về cho đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao tâm huyết và năng lực của trí thức người Việt tại Pháp, từ những giáo sư đầu ngành cho tới thế hệ trí thức trẻ, giúp triển khai nhiều dự án về cho đất nước. Đặc biệt, đa số họ không đòi hỏi các chế độ đãi ngộ riêng, thậm chí nhiều người còn chấp nhận tự bỏ tiền túi trang trải các chi phí để về Việt Nam giảng dạy hay tham gia các hoạt động đóng góp cho đất nước.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều dự án của trí thức kiều bào tại Pháp được thực hiện để giúp Việt Nam. Điển hình phải kể đến Trung tâm Khoa học giáo dục chuyên ngành tầm cỡ quốc tế ở Quy Nhơn năm 2013 do Giáo sư Trần Thanh Vân và bạn bè khởi xướng xây dựng. Giáo sư Lê Văn Cường với Trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME). Ông Nguyễn Kim Đan tham gia rất nhiều trong các dự án chống ngập lụt, chống bồi lấp cửa sông ở TP HCM, giúp cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn về điện hạt nhân, Giáo sư Nguyễn Đắc Chí về cầu đường, ông Lâm Minh Chiếu với nhóm xây cầu đã góp phần xóa hàng chục cây cầu khỉ ở Việt Nam thay thế bằng cầu bê tông…

Đại sứ Dương Chí Dũng kêu gọi trí thức tại Pháp không ngừng đóng góp tăng cường năng lực khoa học và công nghệ cho đất nước.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

“Chiến lược hội nhập của ta hiện nay không chỉ là kinh tế mà bên cạnh đó ta cũng đẩy mạnh hội nhập toàn diện trên cả các lĩnh vực khác. Chúng tôi mong rằng với nhiều năm được đào luyện tại môi trường khoa học tiên tiến như nước Pháp, các bác, các anh chị sẽ tiếp tục phát huy, đóng góp nhiều hơn nữa, chú ý đối với các vấn đề lớn, những vấn đề mang tính chiến lược đối với Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chủ quyền. Nếu chúng ta không phát triển vững mạnh và bền vững thì sẽ khó có thể đối mặt được với những thách thức vô cùng to lớn đó.” - Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh.

Cải cách giáo dục, thay đổi cách nghĩ, cách giảng dạy, thay đổi nhận thức về các khóa đào tạo bậc cao ở nước ngoài, đặc biệt tại Pháp là một trong những chủ đề trao đổi sôi nổi nhất tại buổi gặp gỡ.

Bức xúc lớn của các giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy tại cả Pháp và Việt Nam là chất lượng sinh viên, học sinh Việt Nam sang Pháp đào tạo kém, dẫn đến các chương trình đào tạo, các suất học bổng không hiệu quả, thậm chí, có trường hợp không theo nổi phải bỏ về giữa chừng.

Giáo sư Lê Văn Cường - Chủ tịch sáng lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME) nhấn mạnh phải chuẩn bị chu đáo cho các em trước khi sang học tại Pháp thì mới thành công được. Trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường VCREME tổ chức những khóa học chuẩn bị về toán kinh tế, kinh tế lượng… và các em phải thi đạt tiêu chuẩn mới được trung tâm viết giấy giới thiệu xin học bổng học tập tại các trường đại học lớn tại Pháp.

Giáo sư Nguyễn Kim Đan thì nhấn mạnh đến hiệu quả học tập chứ không nhất thiết phải là bằng cấp. Anh Vũ Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Lyon, nêu ý tưởng về việc thành lập những đại học “số”, tức là học các chương trình đào tạo trên mạng, đang rất thành công tại Pháp và nhiều nước châu Âu, Mỹ.

Cải thiện chất lượng y tế cũng là một chủ đề lớn khi nhiều trí thức người Việt là những chuyên gia hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực này. Giáo sư Nguyễn Khoa Mân – chuyên gia hàng đầu về ngành thận tại Pháp – cùng các học trò của mình đang xây dựng dự án để chế tạo máy lọc thận nhân tạo “Made in Vietnam” hoàn toàn với giá thành chỉ bằng khoảng 25% giá thị trường, giúp tạo cơ hội cho những bệnh nhân nghèo cũng được tiếp cận với các máy lọc thận…

Nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận sôi nổi

Nhiều chủ đề lớn khác như cầu đường, cơ sở hạ tầng, đào tạo để điện ảnh Việt Nam nắm bắt được ngôn ngữ điện ảnh quốc tế… cũng được thảo luận tại cuộc gặp gỡ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận những biện pháp vận động, tuyên truyền tại Pháp và châu Âu để huy động tối đa sự ủng hộ đối với Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ mong muốn đóng góp từ thiện vào quỹ ủng hộ các chiến sỹ và ngư dân tại Hoàng Sa.

Cùng tham gia buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Trưởng ban Việt kiều Trung ương nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại quốc hội chia sẻ những kinh nghiệm của chính ông – cũng là một Việt kiều ở Pháp về nước làm việc.

Theo ông, quan trọng hàng đầu khi Việt kiều muốn hợp tác hiệu quả với các cơ quan, tổ chức bên nhà thì phải kiên nhẫn, bởi cách thức, hệ thống làm việc có nhiều điểm khác biệt. Ông Nguyễn Ngọc Trân vận động bà con đã có tâm huyết đóng góp về cho đất nước thì đóng góp hết sức mình.

Ông cũng thông tin đến bà con người Việt tại Pháp trước những diễn biến mới, sẽ các biện pháp đấu tranh và các giải pháp đang cân nhắc của Việt Nam phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên