Trò chuyện với Nguyễn Ngọc Tiến về Tết Hà Nội

(VOV) -Giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội Năm 2012 dành cho Nguyễn Ngọc Tiến bởi hai cuốn sách “Đi ngang Hà Nội” và“Đi dọc Hà Nội”.

Nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến là cái tên khá quen thuộc với những người yêu và thích tìm hiểu về Hà Nội. Dường như Hà Nội đã trở thành mạch nguồn cảm xúc trong anh, bất kể đề tài nào liên quan đến Thủ đô cũng khiến anh hào hứng. Bởi thế, thật dễ hiểu khi nghe anh say sưa nói về Tết Hà Nội. Trò chuyện với anh, vỡ ra nhiều điều...

Thưa anh, là mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, Tết Hà Nội chắc hẳn cũng có những đặc trưng riêng?

Tết Hà Nội nhìn chung cũng có những phong tục, tập quán như các vùng miền khác trên dải đất hình chữ S này. Tuy nhiên, Tết Hà Nội có những đặc trưng không lẫn vào đâu được. Lý do đơn giản là nhiều người dân ở các vùng miền khác nhau về đây mang theo những đặc trưng mang tính vùng miền của họ; rồi ảnh hưởng của Tết Trung Hoa.

Nguyễn Ngọc Tiến

Ngoài chọn lọc lấy nét đẹp của tất cả những vùng miền đó, làm nên bản sắc của mình, người Hà Nội còn biết nâng tầm lên để Tết có ý nghĩa hơn. Ví dụ điển hình là cỗ Tết Hà Nội. Ngoài chuyện số bát số đĩa nhiều hơn, còn khác về cách chế biến, nhiều món chỉ Hà Nội mới có như xôi gấc, thịt gà chặt ra úp ngược. Người Hà Nội trọng hình thức cỗ hơn, không mâm cao cỗ đầy, không chém to kho mặn mà vừa phải, toát lên thẩm mỹ cao.

Người Thăng Long từ xưa đến đầu Thế kỷ 20, uống rượu Tết chỉ bằng chén nhỏ, đủ để mặt hồng lên và câu chuyện thêm hưng phấn, rất hiếm gặp người say. Một đặc trưng nữa là hoa Tết. Chỉ Hà Nội mới có đào và người Hà Nội rất thích chơi đào, không chỉ mang sắc hồng cho một gia đình mà còn đuổi tà ma nữa.

Có giả thuyết cho rằng đào có ở Nhật Tân từ Thế kỉ 8, 9 khi nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ ở đất Nhật Tân, người Trung Hoa lấy đào ở Hoàng Liên Sơn về trồng để họ biết thời gian về nước. Và chỉ Hà Nội mới có chợ hoa Tết, được xác định có từ thời Lê, kéo dài qua thời Nguyễn và đến tận ngày nay. Đầu tiên chợ họp ở chợ Đồng Xuân, tới thời Trịnh Nguyễn phân tranh thì chuyển về Hàng Lược bây giờ. Hay thú chơi hoa, thi hoa thủy tiên cũng chỉ có ở Hà Nội.

Thú chơi câu đối Tết của người Hà Nội cũng rất khác. Trong khi ở các vùng quê, người ta ra chợ mua sẵn câu đối, thì người Hà thành thường ra phố Hàng Bồ đặt các ông thầy viết riêng theo ý mình…

Một đặc trưng nữa của Tết Hà Nội là đường phố trong những ngày này rất vắng vẻ, khác hẳn ngày thường, dường như mang bộ mặt mới?

Cái này có gốc rễ lý do của nó. Vừa rồi Hà Nội bị chê là nhếch nhác, bẩn thỉu, phở quát, cháo chửi. Nhưng đó là những cái cá biệt, đếm cả Hà Nội xem có bao nhiêu quán cháo chửi, phở quát, không thể lấy cái hiện tượng mà suy ra bản chất. Nhiều người, kể cả nhà văn hóa nói không có người Hà Nội gốc. Có chứ, ngày xưa Hà Nội có 4 thành hoàng làng, 4 ông tứ trấn 4 phương, đó không phải là gốc thì là gì. Còn chuyện nạp thêm vào là hoàn toàn dễ hiểu. Người nhập cư lớn nhất là từ thời Lê, do chính sách đất đai thay đổi nên người nông thôn ào ra thành thị, sau này còn chuyện di dân nữa, nhưng không thể nói là không có người Hà Nội gốc.

Chợ hoa Tết trên phố Hàng Ngang những năm đầu thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu)

Hà Nội là nơi tập trung người tứ xứ. Nhiều năm nay, người ta đến Hà Nội để mưu sinh (theo thống kê chính thức, con số đó lên tới 1 triệu người) nhưng đến Tết họ về nhà thì đương nhiên Hà Nội vắng rồi. Vì thế những ngày này đường phố rộng rãi, thoáng đãng, và khi đó mới là bộ mặt thật của Hà Nội.

Có một tập tục rất hay của người Hà Nội là tụ tập đón giao thừa ở Hồ Gươm. Nghiên cứu nhiều, anh có biết tập tục này có từ bao giờ không?

Có nhiều giả thuyết cho rằng tập tục này có từ sau năm 1954, người miền Nam tập kết ra đây, Tết nhớ quê nên tập trung ở Hồ Gươm đón giao thừa. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, nó có từ trước đó rất lâu. Chính xác là có từ thời Pháp thuộc 1893, sau khi làm xong đường vòng quanh Hồ Gươm, công sứ Hà Nội cùng thống sứ Bắc Kỳ tổ chức lướt ván, vui chơi giao thừa, đốt pháo bông, đua thuyền thúng, cho đến sáng mùng Một tổ chức trò chơi quanh Hồ Gươm.

Từ đó thú đi chơi giao thừa ở hồ Gươm trở thành nét đẹp và duy trì đến tận ngày nay. Còn trước đó, Tết ở thị thành nhà ai biết nhà nấy, chưa có chuyện rời khỏi nhà trong đêm giao thừa và mùng Một Tết.

Thế còn thú đến Văn Miếu xin chữ đầu năm nở rộ vài năm nay thì sao, thưa anh?

Trước đây, xin chữ diễn ra ở phố câu đối hàng Bồ. Thực ra, chuyện địa điểm ở đâu không quan trọng. Mà quan trọng là nét trọng văn chương chữ nghĩa của người Hà thành. Các gia đình mong muốn con cái thành danh nên đi xin chữ ngày đầu năm.

Việc đi xin chữ ở Văn Miếu mới phát triển gần chục năm nay. Trước đó, các thầy đồ tập trung ở phố Bà Triệu, đoạn Ngô Văn Sở, sau bị đuổi thì họ ra phố ngách ở Văn Miếu. Mà đúng là phải để các ông đồ ngồi trong Văn Miếu bởi đấy mới là không gian để cho chữ, để họ ngồi ở ngoài phố trông rất nhếch nhác, thiếu sự tôn trọng.

Nhiều người than Tết ngày nay đã không còn giữ được những phong tục tập quán cũ nhưng nhiều người lại cho rằng, Tết cũng phải phù hợp với thời đại. Còn anh thì thấy sao?

Năm 2012 là một năm nhiều niềm vui với Nguyễn Ngọc Tiến. Hai cuốn sách “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội” đã giúp anh rinh về giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở thể loại tác phẩm. Anh chia sẻ, năm nay sẽ cho ra mắt một cuốn sách cũng về chủ đề Hà Nội mà anh tạm đặt là “Đi vòng quanh Hà Nội”.
Tôi cho rằng, đến một lúc nào đó, cũng phải giản đơn việc ăn Tết đi mà nên vui vẻ về mặt tinh thần là chính. Ngày xưa ăn Tết háo hức lắm vì đây là dịp dành cho người đi xa đoàn tụ, cho con trẻ, là dịp dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, là dịp tổng kết một năm xem mình đã làm được những gì.

Hồi mới bắt đầu đổi mới, kinh tế khá lên, người ta đua nhau ăn Tết to lắm. Đến khoảng cuối TK 20, lại có câu “Ăn đi xuống uống đi lên”, không trọng ăn nữa mà là trọng uống, thế là bia, rượu Tây lên ngôi. Khoảng dăm bảy năm nay lại có xu hướng du lịch Tết.

Chưa có khảo sát chính thức đối tượng đi du lịch Tết là ai, nhưng chắc chắn là người có tiền, thế hệ mới, suy nghĩ mới. Tôi cho điều đó không có gì đáng chê trách, dù không khuyến khích, bởi suy cho cùng, Tết cũng là một dịp nghỉ ngơi dài ngày để đi chơi đây đó.

Ở nhiều nước ăn Tết kiểu Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản họ cũng không còn nặng nề việc ăn Tết nữa. Như đối với Trung Quốc, Tết giờ chỉ quan trọng ở các vùng quê thôi, chứ ở các thành thị rất bình thường.

Xin cảm ơn anh và chúc anh cùng gia đình có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyễn Ngọc Tiến và “Đi dọc Hà Nội”
Nguyễn Ngọc Tiến và “Đi dọc Hà Nội”

Cuốn sách “Đi dọc Hà Nội” là những khảo cứu của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về cuộc sống đời thường của những con người Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Tiến và “Đi dọc Hà Nội”

Nguyễn Ngọc Tiến và “Đi dọc Hà Nội”

Cuốn sách “Đi dọc Hà Nội” là những khảo cứu của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về cuộc sống đời thường của những con người Hà Nội.